Cần gỡ “nút thắt” cho chương trình mục tiêu quốc gia ở tỉnh biên giới Lai Châu
VOV.VN - Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã mang đến những hiệu quả thiết thực, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, nảy sinh một số bất cập.
Năm 2022, hơn 70 hộ đồng bào dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) được hỗ trợ mua trâu sinh sản từ tiểu dự án 1, thuộc dự án 9 chương trình mục tiêu quốc gia. Số tiền được hỗ trợ là hơn 18 triệu đồng, không đủ để các hộ dân mua con giống. Năm 2023, hơn 50 hộ khác trên địa bàn tiếp tục được hỗ trợ mua trâu sinh sản và lợn giống từ tiểu dự án 1. Mức hỗ trợ lúc này đã giảm xuống còn 10 triệu đồng/hộ/năm, nên càng khó khăn cho các hộ nghèo trong việc mua con giống.
Ông Tao Văn Kẻo ở bản Bãi Trâu, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) chia sẻ: "Quy định hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng là mức thấp, không đủ để mua 1 con trâu, bò giống, buộc bà con phải đi vay mượn thêm mới có thể mua được con giống. Bà con rất cảm ơn khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước. Số tiền nhà nước hỗ trợ vậy, nhưng giá trâu trên thị trường rất cao nên bà con phải vay thêm tiền để bù vào cùng số tiền của nhà nước hỗ trợ để mua trâu. Bà con mong muốn Đảng và Nhà nước nâng mức hỗ trợ nhiều hơn, khoảng 20 triệu thì bà con mới đủ tiền mua được một con trâu bò giống".
Lai Châu hiện có 4 dân tộc thiểu số rất ít người, gồm: Si La, Cống, Mảng, Lự, cư trú chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và phần lớn ở các xã, bản đặc biệt khó khăn. Để giúp nhóm đồng bào này có cơ hội vươn lên, chương trình mục tiêu quốc gia đã dành riêng dự án 9 để hỗ trợ, với nhiều đầu mục hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tiểu dự án 1, thuộc dự án 9 tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn, do việc ban hành văn bản hướng dẫn chồng chéo, trùng lặp từ các bộ, ngành Trung ương.
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh Lai Châu được giao nguồn vốn trên 288 tỷ đồng, gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp để thực hiện dự án 9. Đến nay nguồn đầu tư mới giải ngân được khoảng 35%, nguồn sự nghiệp mới được gần 11%. Để giải quyết vướng mắc này, Lai Châu đã ban hành nghị quyết xác định 32 thôn, bản thuộc 15 xã của 4 huyện: Tam Đường, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ là vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người có khó khăn đặc thù, thì mới đủ điều kiện để quyết định đầu tư. Tỉnh Lai Châu đã rà soát, tổng hợp để đề nghị bổ sung, nhất là việc thực hiện các nguồn vốn sự nghiệp của tiểu dự án 1 thuộc dự án 9. Có những dự án nguồn vốn rất lớn, nhưng có những nội dung trong dự án, tiểu dự án không thể thực hiện được, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cấp, các ngành. Trong những nguồn vốn của Trung ương lại giao vốn hàng năm, chi tiết đến tiểu dự án, lĩnh vực chi, do vậy địa phương không thể điều chuyển nguồn vốn trong lĩnh vực chi của dự án".
Lai Châu hiện có 67 xã nằm trong danh sách các xã khu vực I, II, III, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn này, địa phương được bố trí hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện 10 dự án. Đây được coi như "cú hích" để đồng bào dân tộc ít người ở vùng khó đuổi kịp mức sống bình quân của tỉnh.
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định, từ nguồn vốn của chương trình, hơn 3 năm qua, nhiều dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư; nhiều mô hình kinh tế, phát triển sản xuất được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án thuộc chương trình còn chậm so với kế hoạch, khi đến hết tháng 2/2024, Lai Châu mới giải ngân được gần 1.300 tỷ đồng trong tổng số hơn 4.800 tỷ được giao.
Ông Chí nói: "Vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người là lõi nghèo của tỉnh Lai Châu mà thời gian qua tỉnh đã xác định được. Vì vậy, quá trình đầu tư tỉnh cũng xác định phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phải thu hút được nguồn lực của các doanh nghiệp, của các nhà đầu tư. Nên quá trình tổ chức thực hiện là phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá và từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đó mới phát huy được tính hiệu quả của các nguồn đầu tư, đồng thời trên cơ sở đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc".
Năm 2023, Lai Châu có tốc độ giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 3,68%, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%, trong đó có 5 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Kết quả này cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Để việc triển khai thực hiện chương trình đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả cao hơn nữa, rất cần các bộ, ngành và chính quyền địa phương kịp thời gỡ “nút thắt” về cơ chế, chính sách cho phù hợp, giúp đồng bào có thêm cơ hội vươn lên để thoát nghèo bền vững.