Cần hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính

Nhiều qui định chưa được bổ sung, thay thế kịp thời dẫn tới tình trạng không thể triển khai trong thi hành.

Từ năm 2008 đến nay, trong tổng số hơn 100 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính có đến gần 30 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được bổ sung, ban hành mới. Điều này dẫn tới sự chồng chéo trong xử phạt vi phạm hành chính.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá nghiên cứu “Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam do Viện nghiên cứu chính sách pháp luật Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á tổ chức sáng 23/2 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính đã từng bước được hoàn thiện, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính, tăng cường tính răn đe, giáo dục người vi phạm, thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính đã bộc lộ một số điểm bất cập như: nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ; các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chưa được bổ sung, thay thế kịp thời dẫn tới tình trạng không thể triển khai trong thi hành.

Có một thực trạng tồn tại trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của nước ta hiện nay là các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính luôn ở thế bị động trong xử lý vi phạm. Do đó, cần thiết xây dựng một đạo luật nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính hiện nay.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện nghiên cứu chính sách pháp luật cho rằng: “Pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều vấn đề. Khi tước quyền hay tài sản của công dân về cơ bản phải quy định từ luật chứ không phải văn bản dưới luật như hiện nay. Vì vậy hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ giúp giảm các quy phạm trùng lặp, nghị định, thông tư còn mâu thuẫn nhau”

Cũng theo các đại biểu, các vụ vi phạm hành chính diễn ra đa dạng, phong phú về hình thức, có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả quản lý Nhà nước. Do đó, khi ban hành Luật phải quy định cụ thể các hành vi vi phạm, xác định rõ ranh giới giữa xử phạt hành chính và xử phạt hình sự, tránh gây lúng túng trong quá trình xử phạt vi phạm. Luật phải quy định rõ hơn, cụ thể hơn chức danh và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của một số cơ quan cấp bộ và bảo đảm được tính phù hợp so với cơ cấu tổ chức của các cơ quan.

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc Hội đề xuất: “Để hoản thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính, chúng ta phải rà soát lại tất cả các quy định hiện hành; tổng kết thực tiễn thi hành… từ đó sẽ có phân loại cụ thể để quy trách nhiệm xử lý”.

Đóng góp ý kiến để hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu tham dự Hội thảo nêu quan điểm: xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính, nhằm giải quyết cơ bản những tồn tại, hạn chế bất cập của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên