Cần làm rõ câu chuyện “Nhận bò thêm lo” ở Điện Biên

VOV.VN - Qua ý kiến khẳng định của những người dân thì việc phải đi vay lãi ngoài để trả số tiền đối ứng cho nhà cung cấp trước khi được nhận bò về là hoàn toàn đúng sự thật.

Trước một số ý kiến trái chiều cho rằng việc bò gầy, ốm, bỏ ăn, người dân phải đi vay nặng lãi mà VOV đã phản ảnh trước đó trong quá trình cấp bò giống tại bản Cộng, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là không chính xác, phóng viên VOV đã tiếp tục có cuộc làm việc với nhiều người dân bản Cộng và UBND huyện Tuần Giáo để làm rõ về những nội dung đã phản ánh của sự việc này.

Ngày 2/10/2020, VOV có đăng tải bài viết “Nhận bò thêm lo?” phản ánh một số hộ dân tại bản Cộng, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo tỏ ra băn khoăn, trăn trở về chất lượng bò giống mới được nhận theo Quyết định số 765 của UBND huyện Tuần Giáo. Theo đó một số gia đình được nhận bò ở đây phản ánh về tình trạng bò gầy, bỏ ăn, đi ngoài ỉa chảy, băn khoăn về chất lượng bò chưa tương xứng với số tiền bỏ ra. Ngoài ra người dân cũng phản ánh đã phải đi vay lãi ngoài để trả số tiền 5 triệu đồng đối ứng cho nhà cung cấp bò mới được nhận bò mang về nhà.

Khẳng định về nội dung bò gầy yếu, phải đi vay lãi ngoài để trả số tiền đối ứng, ông Lò Văn Pâng, người dân được nhận bò tại bản Cộng nói: "Gia đình phải đối ứng 5 triệu để nhận bò. Đây là tiền vay nóng ngoài, 1 tháng lãi 250.000 đồng, gần 2 tháng rồi là trả 500.000 đồng, 50% mà".

Còn đối với ông Lò Văn Thái, người được đơn vị cung ứng đổi bò ngay trong ngày 17/9/2020 vì con bò trước đó đã nhận được cho là gầy, đồng thời có một số thông tin khẳng định ông không phải đi vay lãi để đối ứng với nhà cung ứng cho biết: dù ông vay tiền của anh em trong gia đình nhưng vẫn bị tính lãi: "Bây giờ bản đang hướng dẫn làm sổ vay Ngân hàng Chính sách 5 triệu đồng để trả tiền con bò 5 triệu đồng. 2 tháng vừa rồi, tôi nộp 1 triệu đồng tiền lãi rồi, vay anh em nhưng mà vẫn có lãi".

Như vậy, qua ý kiến khẳng định của những người dân trên thì việc phải đi vay lãi ngoài để trả số tiền đối ứng cho nhà cung cấp trước khi được nhận bò về là hoàn toàn đúng sự thật. Còn về nội dung phản ánh chất lượng bò giống ốm, bỏ ăn, ông Tòng Văn Xoan, Phó bản Cộng nói: "Có sự thật, đúng là ốm yếu đó là con bò của ông Lò Văn Thái, Lò Văn Viên, Tòng Thị Hao, Lò Văn Đôi ốm yếu coi như là ỉa chảy. Bò của nhà Lò Văn Thươi thì bò bé, phải tiến hành cân lại".

Tại buổi làm việc với phóng viên VOV và một số cơ quan báo chí khác vào ngày 28/10, ông Tòng Văn Xoan, Phó bản Cộng cho biết, ngoài con bò của nhà ông Lò Văn Thái được tiến hành đổi ngay trong ngày 17/9 thì trong những ngày sau còn một số hộ gia đình khác phải đổi bò là gia đình các hộ: Tòng Thị Hợi, Lò Văn Viên. Riêng gia đình anh Lò Văn Thươi dù cùng là một con bò được nhận, tuy nhiên qua 4 lần cân của chính quyền xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuần Giáo, đơn vị cung ứng lại đưa ra 4 kết quả cân nặng khác nhau. Dựa trên kết quả cuối cùng, đơn vị cung ứng đã trả lại cho gia đình số tiền 1,3 triệu đồng.

Anh Lò Văn Thươi cho biết, điều này khiến gia đình cảm thấy mất niềm tin: "Huyện với xã cùng xuống đo con bò 4 lần, mỗi lần đo thì đều khác nhau. Lúc đầu họ phát con bò thì 151kg, đo lần 2 chênh lệch nhau còn 97kg, lần thứ 3 là 106kg, lần thứ 4 cuối cùng là 139kg. Chúng tôi không tin vì mỗi lần đo chênh lệch nhau mấy chục kg. 139kg đo cuối cùng thì họ gửi trả lại cho 1,3 triệu đồng, bảo số tiền thừa".

Trước đó khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV trong ngày 17/9, bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo khẳng định: "Hầu hết con giống bà con mua đều là bò địa phương, giống ở trên địa bàn của tỉnh và huyện, thậm chí là tại xã, vì có xã mua con giống tại địa bàn xã luôn, tức là con giống trên địa bàn. Theo quy định mới, kiểm định chất lượng con giống là không phải kiểm dịch". Bà Tuyên đồng thời cho biết người dân nhận bò theo hình thức bốc thăm: "Những con bò này là do bà con tự chọn và bốc thăm. Hộ nào chọn được con nào, số nào thì nhận con bò đó".

Tuy nhiên, trả lời phóng viên về nội dung này, ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo khẳng định nếu có việc người dân phải tiến hành bốc thăm để nhận bò là hoàn toàn không đúng theo chủ trương. Bởi chủ trương của huyện người dân sẽ được chọn bò theo ý muốn, sau đó tùy thuộc vào số cân nặng để bù trừ số tiền đối ứng. Số tiền đối ứng cũng sẽ hướng dẫn người dân vay Ngân hàng Chính sách chứ không phải đi vay lãi ngoài.

"Chúng tôi khẳng định, không có chuyện cho bốc thăm, bốc thăm là sai. Nếu ở đâu đó tổ chức cho dân bốc thăm thì là không đúng theo chủ trương, cách làm không đúng. Nếu như có chuyện đó xảy ra thì chúng tôi cũng phải chấn chỉnh ngay", ông Mùa Va Hồ nói.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc phản ánh tình trạng bò gầy, yếu xảy ra tại bản Cộng là có hay không, ông Mùa Va Hồ cho biết, có việc này nhưng người dân có quyền được đổi bò.

Cũng theo ông Mùa Va Hồ, ngay sau khi có dư luận trái chiều trên mạng xã hội, phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, ngày 1/10, lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Chiềng Đông và yêu cầu thực hiện rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn để đối ứng thực hiện dự án. Yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho các hộ dân vay vốn, tuyệt đối không để hộ nghèo, cận nghèo phải vay tín dụng đen để có vốn đối ứng. Tại bản Cộng hiện 9 hộ dân đã được tiến hành làm hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên ông Mùa Va Hồ cũng cho rằng việc UBND xã Chiềng Đông không giải thích cặn kẽ điều này với người dân trước đó là thiếu trách nhiệm.

"Họ cũng thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách, trong khi huyện đã thống nhất dự án này. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Chính sách phối hợp để cho người dân vay để đối ứng, nhưng họ không thực hiện hồ sơ sớm và kịp thời. Cái này là do xã", ông Hồ nói.

 Như vậy những phản ánh của VOV trong bài viết “Nhận bò thêm lo” về những trăn trở của một số hộ dân tại bản Cộng khi được nhận bò giống mới là hoàn toàn khách quan đúng sự thật. Từ sự việc này UBND huyện Tuần Giáo cũng đã tăng cường công tác quản lý của dự án tới 17 xã khác thực hiện cùng dự án trên địa bàn và đến nay đều thu được kết quả tốt, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhận bò thêm lo?
Nhận bò thêm lo?

VOV.VN - Các hộ dân nhận bò giống hỗ trợ cho rằng, giá trị của con bò không tương xứng với số tiền nhà nước hỗ trợ và lại phải thêm 5 triệu đồng tiền đối ứng mới được dắt bò về.

Nhận bò thêm lo?

Nhận bò thêm lo?

VOV.VN - Các hộ dân nhận bò giống hỗ trợ cho rằng, giá trị của con bò không tương xứng với số tiền nhà nước hỗ trợ và lại phải thêm 5 triệu đồng tiền đối ứng mới được dắt bò về.

Ảnh: Người Hà Tĩnh tất bật dắt trâu bò chạy lũ
Ảnh: Người Hà Tĩnh tất bật dắt trâu bò chạy lũ

VOV.VN - Ngày 30/10, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh khẩn trương đưa người dân và trâu bò tại những vùng trọng điểm đến khu vực an toàn tránh lũ quét và sạt lở đất.

Ảnh: Người Hà Tĩnh tất bật dắt trâu bò chạy lũ

Ảnh: Người Hà Tĩnh tất bật dắt trâu bò chạy lũ

VOV.VN - Ngày 30/10, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh khẩn trương đưa người dân và trâu bò tại những vùng trọng điểm đến khu vực an toàn tránh lũ quét và sạt lở đất.

Clip: Nghênh ngang dắt đàn trâu đi ngược chiều trên đường cao tốc
Clip: Nghênh ngang dắt đàn trâu đi ngược chiều trên đường cao tốc

VOV.VN -Người đàn ông dắt đàn trâu gần 50 con đi ngược chiều trên đường cao tốc giữa trời tối khiến nhiều người đi đường giật mình, phải phanh gấp để tránh.

Clip: Nghênh ngang dắt đàn trâu đi ngược chiều trên đường cao tốc

Clip: Nghênh ngang dắt đàn trâu đi ngược chiều trên đường cao tốc

VOV.VN -Người đàn ông dắt đàn trâu gần 50 con đi ngược chiều trên đường cao tốc giữa trời tối khiến nhiều người đi đường giật mình, phải phanh gấp để tránh.