Cần mức hỗ trợ tương xứng để người dân "sống" được từ bảo vệ rừng

VOV.VN - Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 272 nghìn ha, trong đó có nhiều khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang được người dân khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, có một thực tế là khoản kinh phí hỗ trợ dành cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng quá ít ỏi khiến người dân không đảm bảo cuộc sống và an tâm giữ rừng.

Diện tích rừng đặc dụng của tỉnh Bắc Kạn hiện đạt gần 26.000 ha, tập trung ở các khu vực: Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Những khu rừng đặc dụng nằm xen kẽ với các thôn, bản và nhiều diện tích đã được các đơn vị quản lý giao khoán cho nhân dân bảo vệ với mức kinh phí 150 nghìn đồng/ha/năm. Tỉnh Bắc Kạn cũng có chính sách hỗ trợ cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mỗi thôn bản vùng đệm 40 triệu đồng/năm để xây dựng đường sá, cầu cống, nhà văn hóa... Tuy vậy, những khoản hỗ trợ này khá thấp bởi cư dân sinh sống trong vùng rừng được bảo vệ nghiêm ngặt không được phép khai thác lâm sản phụ hay khai khẩn nương rẫy, giao thông cách trở nên đời sống người dân rất khó khăn. 

Ông Phùng Thanh Vinh, Trưởng thôn Khuổi Kẹn, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn - một thôn vùng đệm khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc chia sẻ: “Ở đây chúng tôi đi bộ tuần rừng vào sâu 6-7km trong vùng lõi Khu Bảo tồn. Chúng tôi chia thành 4 tổ, mỗi tổ đi 1 tuần. Bà con đi tuần rất đều, bà con không có đất sản xuất, chủ yếu bảo vệ rừng thôi. Cũng mong muốn được thù lao cao một chút để cuối năm nhận mới có đủ tiền mua gạo ăn và trang trải cuộc sống”.

Ông Nông Thiêm Du, trưởng thôn Vằng Khít, xã  Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng: “Với gói hỗ trợ 40 triệu đồng thì với thôn ít người hiệu quả hơn, còn thôn đông người chia ra đầu người được ít quá, vì mức hỗ trợ thấp. Tôi mong các cấp lãnh đạo điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ sao cho hợp lý vì bà con vùng lõi, vùng đệm đều có cuộc sống khó khăn”.

Với hơn 73.000 ha rừng phòng hộ, những năm qua Bắc Kạn đã thực hiện chi trả, hỗ trợ khoán khoanh nuôi cho các tổ chức, cá nhân với tổng diện tích gần 59 nghìn ha ở các xã khu vực II, III với mức 400.000 đồng/ha/năm.

Chiếm diện tích lớn nhất là 168 nghìn ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất, trong số này có nhiều diện tích đã giao cho người dân quản lý, thậm chí đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng. Do có cây rừng tự nhiên nên người dân không thể trồng rừng sản xuất và buộc phải quản lý, bảo vệ mà không thu được bất cứ lợi nhuận nào suốt nhiều năm qua. Chính vì vậy, hầu như năm nào địa phương này cũng xảy ra hàng chục vụ phát phá rừng trái phép để trồng rừng.

Hiện tỉnh Bắc Kạn đang triển khai lập hồ sơ hỗ trợ diện tích rừng tự nhiên sản xuất theo quy định hiện hành với xã Khu vực I là 300.000 đồng/ha/năm (Theo Quyết định 38/2016 QĐ-TTg  năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ), xã khu vực II và Khu vực III là 400.000 đồng/ha/năm (Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ 9/2015). Tuy nhiên, người nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng cho rằng mức hỗ trợ này là quá thấp so với công sức bỏ ra. Anh Nông Văn Quân, người dân Bản Nhuần, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn nói: “Ở đây nhiều người dân đều có 3-4 ha rừng, có sổ đỏ ghi rõ rừng sản xuất nhưng không được phát do có ít cây tạp tự nhiên. Mà ở đây bà con ruộng ít, chủ yếu sống bằng rừng thôi, không cho phát hỗ trợ 300.000-400.000 đồng, kể cả 500.000 đồng mỗi ha thì chúng tôi cũng không thể đủ trang trải cuộc sống. Bây giờ chỉ giao giữ rừng, chẳng may có ai phát phá vào chúng tôi lại chịu trách nhiệm”.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị các bộ ngành trung ương cũng như Chính phủ tăng kinh phí hỗ trợ người nhận giao khoán, bảo vệ rừng: “Tỉnh Bắc Kạn có tỉ lệ che phủ cao nhưng người dân chưa thể sống được từ bảo vệ rừng. Hộ gia đình quản lý khoảng 20ha rừng thì một năm cũng chỉ có được khoảng 8 triệu đồng nếu ở xã đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy mới có những câu chuyện người dân vi phạm pháp luật liên quan đến phá rừng. Tỉnh Bắc Kạn mong muốn Chính phủ, Bộ NN&PTNT xem xét, nâng định mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng cho người dân để người dân phần nào bớt khó khăn”.

Cần mức hỗ trợ tương xứng để có thể “sống” được từ rừng của người dân Bắc Kạn cũng đang là mong muốn chung của người giữ rừng nhiều tỉnh miền núi khó khăn hiện nay. Ngoài ra, việc có thêm các chính sách hỗ trợ sinh kế kịp thời, hiệu quả cũng sẽ là những giải pháp quan trọng để người dân an tâm bảo vệ, chăm sóc rừng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gia Lai tìm cách giữ chân nhân viên bảo vệ rừng
Gia Lai tìm cách giữ chân nhân viên bảo vệ rừng

VOV.VN - Những năm gần đây, áp lực giữ rừng ngày càng lớn trong khi chế độ đãi ngộ thấp, nguy hiểm luôn trực chờ khiến mỗi năm tại Gia Lai lại có hàng chục cán bộ bảo vệ rừng xin nghỉ việc.

Gia Lai tìm cách giữ chân nhân viên bảo vệ rừng

Gia Lai tìm cách giữ chân nhân viên bảo vệ rừng

VOV.VN - Những năm gần đây, áp lực giữ rừng ngày càng lớn trong khi chế độ đãi ngộ thấp, nguy hiểm luôn trực chờ khiến mỗi năm tại Gia Lai lại có hàng chục cán bộ bảo vệ rừng xin nghỉ việc.

Vì sao cả trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Bình Thuận nghỉ việc?
Vì sao cả trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Bình Thuận nghỉ việc?

VOV.VN - Tháng 10/2020 đến hết tháng 7/2022, tại Bình Thuận đã có 116 nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc. Nguyên nhân do công việc nặng nhọc, nhiều khi nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng thu nhập lại thấp.

Vì sao cả trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Bình Thuận nghỉ việc?

Vì sao cả trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Bình Thuận nghỉ việc?

VOV.VN - Tháng 10/2020 đến hết tháng 7/2022, tại Bình Thuận đã có 116 nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc. Nguyên nhân do công việc nặng nhọc, nhiều khi nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng thu nhập lại thấp.

20% lực lượng bảo vệ rừng ở Đắk Nông xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác
20% lực lượng bảo vệ rừng ở Đắk Nông xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác

VOV.VN - 3 năm qua, cán bộ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng tại tỉnh Đắk Nông xin nghỉ việc hàng loạt khiến cho công tác bảo vệ rừng tại địa phương vốn đã khó nay càng thêm khó.

20% lực lượng bảo vệ rừng ở Đắk Nông xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác

20% lực lượng bảo vệ rừng ở Đắk Nông xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác

VOV.VN - 3 năm qua, cán bộ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng tại tỉnh Đắk Nông xin nghỉ việc hàng loạt khiến cho công tác bảo vệ rừng tại địa phương vốn đã khó nay càng thêm khó.