Cân nhắc kỹ khi áp trần 20 giờ làm thêm/tuần cho sinh viên
VOV.VN - Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB-XH có đề xuất quy định sinh viên không làm thêm quá 20 giờ/tuần. Nhiều ý kiến cho rằng nếu được áp dụng quy định này sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của sinh viên khi làm thêm, song việc quy định 20 giờ/tuần cần xem xét kỹ lưỡng.
Là sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội học đại học, Nguyễn Cẩm Hạnh (Thái Nguyên, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải) vẫn sắp xếp thời gian đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, chi trả các khoản học phí, chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Hạnh chia sẻ, bản thân từng trải qua nhiều việc làm thêm khác nhau từ phục vụ ở quán ăn, pha chế tại quán cafe, nhân viên bán hàng thời trang. Theo đó hầu hết các vị trí việc làm này đều đã chia ca sẵn, sinh viên có thể chọn ca sáng hoặc ca chiều và tối. 1 tuần Hạnh làm kín 7 ngày, 1 tháng nghỉ 2 ngày chủ nhật. Như vậy nếu nhân lên, mỗi ngày làm 6-8 tiếng, 1 tuần làm hơn 40 giờ, gấp đôi so với đề xuất đưa ra. Với mức lương trung bình khoảng 18.000-23.000 đồng/giờ, trung bình mỗi ngày Hạnh có thể kiếm được từ khoảng 120.000-160.000 đồng. Với mức thu nhập này, Hạnh đủ tiền chi phí sinh hoạt, thuê nhà ở thành phố, còn lại phần học phí vẫn cần đến hỗ trợ từ gia đình.
Nói về đề xuất mức “trần” giờ làm thêm của sinh viên, Cẩm Hạnh cho rằng, nếu được áp dụng, quy định này sẽ bảo vệ tốt hơn cho sinh viên khi phát sinh các vấn đề. Tuy nhiên, về mức 20 giờ/tuần, nữ sinh này cho rằng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của sinh viên.
“Nếu mỗi tuần chỉ đi làm 20 giờ, với những công việc sinh viên làm nhiều nhất như bán hàng, bưng bê, mức lương chỉ từ 18.000-25.000 đồng/giờ, tùy theo từng đơn vị. Như vậy, mỗi tuần chỉ có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng, tương đương 2 triệu đồng/tháng. So sánh với mức giá nhà trọ, lương thực thực phẩm hiện nay hoàn toàn không đủ để trang trải cuộc sống. Nếu những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải tự bươn trải sẽ càng vất vả hơn khi quy định này được áp dụng”, Cẩm Hạnh cho biết.
Nguyễn Phương Thảo, sinh viên năm ĐH Văn hóa Hà Nội chia sẻ, vì học theo tín chỉ, nên mỗi học kỳ, Thảo đều chủ động sắp xếp lịch học phù hợp để có thể làm thêm. Xác định làm thêm không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn để học hỏi thêm kiến thức chuyên môn, đúng ngành đang học, Thảo tìm công việc gần với ngành học và công việc mong muốn sau khi ra trường.
Đang làm nhân viên marketing tại một cơ sở thẩm mỹ, Thảo cho biết, ngoài thời gian học buổi sáng, tất cả các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 7 Thảo đều đến công ty làm việc. Trung bình mỗi ngày làm khoảng 4 giờ, tuần làm 6 ngày, tương đương với 24 giờ. Ngoài ra, những ngày có lịch quay clip, phỏng vấn khách hàng muộn, Thảo vẫn làm thêm giờ buổi tối.
Phương Thảo cho rằng, nếu quy định mỗi tuần chỉ làm thêm 20 giờ sẽ rất khó, khó cả về việc tìm được công việc yêu cầu thời gian phù hợp và khó khăn cả khi mức thu nhập hạn hẹp.
“Với những bạn có điều kiện kinh tế khó khăn, nếu bị giảm giờ làm thêm đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ phải chu cấp nhiều hơn. Nhiều gia đình, mỗi tháng tốn thêm vài triệu đồng cho con cũng không phải chuyện dễ dàng”, Thảo chia sẻ.
Nữ sinh này cũng cho rằng, làm thêm có ảnh hưởng đến việc học hay không phụ thuộc vào khả năng tự sắp xếp, làm chủ công việc, học tập của mỗi người. Sinh viên cần nhận thức rõ, việc học là “chính”, việc đi làm là “thêm”, như vậy sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Ths Trần Văn Tuyến, Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng, xét về mặt chủ trương, đề xuất này hoàn toàn đúng, mong muốn sinh viên dành thời gian nhiều hơn cho việc học tập và nghiên cứu khoa học từ đó nâng cao chất lượng đầu ra cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi quy định cứng số giờ làm thêm tối đa theo tuần cho sinh viên cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi thực tế nhiều sinh viên ngoại tỉnh đi học xa nhà, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các em đều có nhu cầu làm thêm để có thu nhập bù đắp chi phí học tập, sinh hoạt tại các thành phố lớn. Nếu số giờ làm thêm không đáp ứng được nhu cầu cũng sẽ là 1 khó khăn lớn cho sinh viên.
Trong khi đó, hiện nay các trường cao đẳng, đại học đều có quy định rõ ràng về chuẩn đầu ra. Sinh viên phải đảm bảo các yêu cầu về chương trình đào tạo, đánh giá đầu ra mới có thể tốt nghiệp. Khi càng siết chặt “đầu ra”, sự tuân thủ của sinh viên cũng càng cao.
“Về số giờ làm thêm bao nhiêu là phủ hợp? Tại Nhật Bản, sinh viên Việt Nam sang học tập có thể đi làm thêm từ 18-25 giờ/tuần. Một số quốc gia khác quy định 20 giờ/ tuần. Tuy nhiên đây là quy định với những sinh viên nước ngoài khi đến học tập và làm việc, với những sinh viên bản địa các nước sẽ không quy định như vậy. Vì họ quan điểm rằng, sinh viên học tập và làm thêm đã phải chủ động sắp xếp thời gian học tập và đi làm sao cho phù hợp và đạt được mục tiêu của cả 2, không ảnh hưởng đến việc học. Sinh viên cũng cần tự xác định việc học là chính, ưu tiên hàng đầu”, Ths Trần Văn Tuyến cho biết.
Bên cạnh đó, theo thầy Tuyến, khi yêu cầu các trường có trách nhiệm quản lý giờ làm thêm của học sinh sinh viên cũng là 1 áp lực lớn, quản lý theo cách nào, ra sao khi mỗi trường có đến hàng ngàn sinh viên đi làm thêm tại các cơ sở khác nhau.
"Nếu số hóa toàn bộ thì việc quản lý sẽ dễ hơn nhưng hiện nay yêu cầu quản lý sinh viên thế nào cũng là điều rất khó khăn với nhà trường. Các trường chỉ có thể quản lý thời gian làm việc của sinh viên khi các em làm việc tại các doanh nghiệp theo chương trình liên kết, giới thiệu từ nhà trường. Đơn cử như tại Trường ĐH Nguyễn Trãi, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường, có ký kết với trường về việc tiếp nhận sinh viên thực tập, và nhận sinh viên vào làm sau khi tốt nghiệp nếu đảm bảo yêu cầu. Với cách làm này, nhà trường vừa đạt được mục đích giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên, việc các em làm thêm về bản chất hoàn toàn nằm trong chương trình học, theo thỏa thuận của nhà trường. Sinh viên cũng có thể yên tâm về mức độ uy tín khi đã có nhà trường đảm bảo. Còn nếu các em tự tìm việc, sẽ rất khó giám sát”.
Ths Trần Văn Tuyến cho biết, đây là dự thảo quy định đầu tiên về việc làm thêm giờ của sinh viên, nếu được áp dụng, quy định này sẽ buộc các doanh nghiệp xây dựng khung thời gian làm việc phù hợp cho sinh viên, cũng như đảm bảo mức lương chi trả không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo giờ đã quy định. Việc này giúp sinh viên được đảm bảo quyền lợi tốt hơn.
Tuy nhiên, về số giờ cụ thể, bản thân sinh viên cần chủ động, xác định mục tiêu rõ ràng. Nhà trường thông qua việc kiểm soát đầu ra, chương trình đào tạo cũng sẽ giúp sinh viên tập trung nhiều hơn vào việc học tập, nghiên cứu khoa học.
Nói thêm về việc tìm kiếm việc làm thêm, thầy Tuyến cũng khuyên sinh viên nên ưu tiên cho việc học, đảm bảo đầu ra của chương trình đào tạo cũng như những yêu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường. Trong quá trình làm thêm, sinh viên nên tìm kiếm những công việc có liên quan đến chuyên ngành, như vậy việc làm thêm không chỉ giúp các em kiếm thêm thu nhập, mà còn bổ trợ hiệu quả cho việc học tại trường cũng như giúp các em tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp và có cơ hội nhận mức lương cao hơn.