Cần sớm có lời giải cho hàng nghìn căn tái định cư bỏ hoang

VOV.VN - Hiện nay trên địa bàn thành phố còn hàng chục nghìn căn hộ tái định cư đang bỏ hoang, trong khi đó nhà ở xã hội lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Việc bỏ hoang những căn tái định cư không chỉ phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng mà còn gánh thêm chi phí quản lý vận hạnh các dự án. Vậy giải pháp nào cho các căn hộ tái định cư bị bỏ hoang trong suốt hàng chục năm qua? 

Hiện nay bất kể ai đi ngang con đường Mai Chí Thọ đều nhìn thấy một cảnh tượng xót xa khi hàng nghìn căn hộ tại các khu tái định cư thuộc phường Bình Khánh dường như bị “quên lãng” nhiều năm qua.

Đây được xem là mảnh đất vàng, nhiều doanh nghiệp khao khát có được để triển khai dự án thì hơn 10 nghìn căn hộ giờ đây lại không ai về ở. Trong 10 năm qua, khu tái định cư này đã 3 lần được mang ra đấu giá một phần nhưng đều không có người mua.

Nơi đây cũng nằm trong danh sách là một trong các dự án gây lãng phí lớn nhất hiện nay ở TP.HCM vì không chỉ bỏ trống mà những dự án như vậy còn tốn một khoảng chi phí quản lý vận hành cho ban quản trị.

Trong khi hiện nay, rất nhiều người dân đang phấn đấu tích góp từng ngày để hy vọng có được 1 căn nhà, nhà ở xã hội xây mãi không xong thì hàng chục ngàn căn hộ đã xây dựng xong lại bỏ hoang. Người dân không khỏi xót xa mỗi khi đi ngang qua đây:

"Cảm thấy rất xót xa khi nhìn thấy khu tái định cư bỏ hoang suốt hàng chục năm qua như vậy. Tại sao Thành phố không chuyển khu tái định cư đó thành nhà ở xã hội để người có thu nhập thấp như tôi có thể mua được".

"Em thì mơ ước có được 1 nơi để chui ra chui vào thôi, nhưng bây giờ nhìn những căn hộ bỏ hoang như vậy thấy cũng tiếc quá".

"Nếu nhà nước mở bán cho những người có nhu cầu thật sự về nhà ở thì rất là tốt".

Cùng chung cảnh ngộ là khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh. Được xây dựng trên khu đất rộng hơn 30ha và được kỳ vọng nơi đây sẽ là một khu đô thị kiểu mẫu phục vụ nhu cầu giải tỏa, chỉnh trang đô thị để tái định cư người dân.

Thế nhưng sau gần 12 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng nơi đây trở thành “đô thị ma” vì không ai vào ở. Chị Nguyễn Thị An, một người dân được bố trí tái định cư ở đây cho rằng, giá bồi thường không đủ để họ mua nhà. Bên cạnh đó khi chuyển vào ở đây họ không thể tiếp tục việc kinh doanh, mua bán được.

"Tôi bán cái nền trong kia để mua cái nền này cất nhà mà giờ không có tiền xây nên phải thuê căn nhà này ở mỗi tháng 2,5 triệu rồi bán cà phê ở đây để kiếm sống qua ngày".

Theo thống kê của Sở Xây dựng cho thấy có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống. Các căn hộ này nằm tại 85 chung cư, cụm chung cư ở TP Thủ Đức và 17 quận Huyện của Thành phố. Vì chưa có người ở nên các căn hộ này bị đóng cửa, niêm phong, không phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn phải chi trả phí quản lý vận hành cho ban quản trị các dự án.

Ông Đinh Thiên Tân - Trưởng phòng Quản lý Vận hành Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện tại có 39 dự án chung cư có các văn bản, thông báo đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành các căn hộ trống do Trung tâm quản lý với số tiền hơn 81 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía Trung tâm chưa được UBND Thành phố ủy quyền tham dự Hội nghị nhà chung cư và tham gia Ban quản trị nên Trung tâm không thể tham dự với vai trò đại diện Chủ sở hữu để bỏ phiếu bầu Ban quản trị nhà chung cư và thống nhất đơn giá quản lý vận hành nhà chung cư đối với các căn hộ trống hiện nay.

"Việc này thuộc về quy định pháp lý nên trung tâm chỉ thực hiện việc theo dõi, niêm phong, khóa cửa… tất cả các phí dịch vụ liên quan như tiền điện tiền nước sẽ không phát sinh vì cái này đã được khóa và không sử dụng.

Còn về chi phí thì trung tâm cũng có báo cáo sở và trình lên thành phố để có những giải pháp, và thành phố cũng đã gửi thông tin đến với Bộ xây dựng để có thể trả lời về việc có thể ủy quyền cho trung tâm để tham dự hội nghị về chung cư nhưng đến nay Bộ xây dựng vẫn chưa có văn bản trả lời về việc này. Vấn đề này liên quan đến pháp luật về nhà ở".

Rõ ràng việc không đưa vào sử dụng đã là sự lãng phí, ngoài ra những căn hộ tái định cư lại là gánh nặng khi Thành phố sẽ phải chi hàng chục tỉ đồng phí vận hành cho ban quản trị các dự án.

Để giải quyết bài toán hàng nghìn khu tái định cư bỏ trống, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng Thành phố cần sớm bán đi những căn nhà tái định cư như vậy vì nếu càng để lâu những chi phí phát sinh sẽ gây thiệt hại càng lớn.

"Thành phố thà bán lỗ để cắt lỗ nếu có thấp hơn giá thị trường một chút thì chúng tôi cho đó cũng là bình thường vì đây vẫn là các khu tái định cư cũ".

Cũng theo ông Châu, nếu đem đấu giá nhiều lần số căn hộ nói trên nhưng không ai mua thì Thành phố nên chuyển sang làm nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng đang khó khăn về nhà ở.

"Thành phố phải có quyết định để chuyển đổi công năng của khu nhà ở tái định cư này sang nhà ở xã hội. Và phải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp mặt ngoài của tòa nhà bao gồm hành lang cầu thang, mái che, đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở hiện nay".

Theo ông Nguyễn Hoàng – Chuyên gia bất động sản, cho rằng ngoài hình thức đấu giá thì Thành phố nên tính thêm các phương án khác để không bỏ trống các khu tái định cư như hiện nay:

"Ngoài hình thức đấu giá thì chính quyền thành phố nên tính đến những phương án khác nữa hay không để đưa những căn hộ này đến cho những người có nhu cầu ở thực".

Để xử lý khối lượng lớn nhà, đất này tất nhiên sẽ cần có thời gian nhất định. Nên chăng Thành phố và các sở ngành cần rà soát phân loại từng căn hộ để đưa ra mức giá phù hợp, chỉ tổ chức đấu giá với căn hộ có vị trí đắc địa như khu vực trung tâm thành phố, khu đô thị Thủ Thiêm.

Nếu có cách tính toán hoán đổi căn hộ, nền đất đảm bảo các quyền lợi thì người dân sẽ hưởng ứng và ủng hộ. Được vậy sẽ giảm gánh nặng ngân sách, giải được bài toán chi phí, tận dụng ngay những gì có sẵn.

Tình trạng các khu tái định cư bị bỏ hoang tại Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác đang là một vấn đề đáng quan ngại, phản ánh sự lãng phí trong quản lý và sử dụng nguồn lực đô thị. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố báo cáo, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư không được sử dụng, gây ra những hậu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và tâm lý cộng đồng.

Các dự án này ban đầu được thiết kế để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân trong các khu vực phải giải tỏa, nhưng nay lại trở thành những ‘lâu đài’ không người ở, trong khi đó hàng triệu người dân vẫn miệt mài với cuộc sống thuê nhà trong điều kiện "dưới mức tối thiểu".

Phải chăng những căn hộ này đang chờ đợi những chủ nhân xứng đáng hay những người có thể hiểu được giá trị thực sự của việc "không sử dụng"?

Chưa kể mỗi năm, những tòa “lâu đài” không người còn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước cho việc quản lý vận hành. Đây không chỉ là sự lãng phí ngân sách mà còn là "bức tranh" phản cảm trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, nguồn cung khan hiếm và giá nhà liên tục tăng cao.

Đặc biệt đối với những người dân Thủ Thiêm khi nhìn vào những căn hộ tái định cư bỏ trống hàng chục năm qua như vậy thì họ sẽ nghĩ gì?

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Có chăng do những căn hộ này quá xa khu vực trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn? Hay là do chất lượng xây dựng không đạt chuẩn, vật liệu kém chất lượng và thiết kế không hợp lý?

Có lẽ, chúng ta cần một giải pháp "đánh thức" những căn hộ này, để chúng không còn là những "bức tượng" đứng chết im trong các đô thị hiện đại.

Thời gian qua Thành phố đã nhiều lần đấu giá nhằm giải cứu các khu tái định cư nhưng tất cả đều vô vọng. Có lẽ ngoài việc trưng dụng làm nơi đều trị covid 19 khi dịch bệnh xảy ra thì các khu tái định cư chỉ là nơi phóng uế, chích hút của người nghiện ma túy, hay thậm chí là bãi rác thải lớn.

Giờ đây, đã đến lúc Thành phố cần sớm có lời giải cho bài toán các khu tái định cư hoang tàng hiện nay. Đừng để những căn hộ tái định cư bỏ hoang trở thành biểu tượng của sự bất cập trong quy hoạch và nghịch lý trong phát triển đô thị. Đừng để chúng trở thành những "quả bom nổ chậm" trong lòng thành phố, khi mà mỗi căn hộ trống rỗng đều là một lời nhắc nhở về sự không công bằng và lãng phí.

Mỗi căn hộ bỏ hoang đều có thể trở thành một "ngôi nhà" cho những người thực sự có nhu cầu. Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục tìm lời giải cho một góc nhỏ của sự việc này trong chương trình diễn đàn tới đây. Nhưng trước hết Thành phố cần sớm hành động, đừng để những "lâu đài" này chỉ là những bóng ma trong đêm, khi mà chúng có thể là nơi khởi đầu cho những giấc mơ và hy vọng của không ít người dân.

Đừng để chúng trở thành những "điểm đen" trong bức tranh phát triển của đất nước, khi mà chúng có thể là những "điểm sáng" của sự đổi mới và tiến bộ. Và đừng để chúng là những gánh nặng cho sự phát triển của đô thị hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Giải cứu” nhà tái định cư bằng cách chuyển đổi sang nhà ở xã hội
“Giải cứu” nhà tái định cư bằng cách chuyển đổi sang nhà ở xã hội

VOV.VN - Trong khi nguồn cung nhà ở đang rất khan hiếm, giá nhà liên tục tăng cao thì có đến hàng chục nghìn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang. Nhằm cải thiện nguồn cung nhà ở, tránh lãng phí, nhiều ý kiến đề xuất, cần nhanh chóng chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội (NOXH), tuy nhiên, vấn đề này đang còn nhiều vướng mắc.

“Giải cứu” nhà tái định cư bằng cách chuyển đổi sang nhà ở xã hội

“Giải cứu” nhà tái định cư bằng cách chuyển đổi sang nhà ở xã hội

VOV.VN - Trong khi nguồn cung nhà ở đang rất khan hiếm, giá nhà liên tục tăng cao thì có đến hàng chục nghìn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang. Nhằm cải thiện nguồn cung nhà ở, tránh lãng phí, nhiều ý kiến đề xuất, cần nhanh chóng chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội (NOXH), tuy nhiên, vấn đề này đang còn nhiều vướng mắc.

Dân “khát” nhà ở, hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn bỏ trống
Dân “khát” nhà ở, hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn bỏ trống

VOV.VN - Có thể nói chưa bao giờ giá nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội lại tăng “nóng” như thời gian qua. Nguyên nhân được nhận định “cung không đáp ứng cầu” và chung cư là loại hình nhà ở mà những người có nhu cầu thực có thể tiếp cận.

Dân “khát” nhà ở, hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn bỏ trống

Dân “khát” nhà ở, hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn bỏ trống

VOV.VN - Có thể nói chưa bao giờ giá nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội lại tăng “nóng” như thời gian qua. Nguyên nhân được nhận định “cung không đáp ứng cầu” và chung cư là loại hình nhà ở mà những người có nhu cầu thực có thể tiếp cận.

Hà Nội điều chỉnh tăng giá dịch vụ Khu tái định cư Đồng Tàu, dân không đồng tình
Hà Nội điều chỉnh tăng giá dịch vụ Khu tái định cư Đồng Tàu, dân không đồng tình

VOV.VN - Cư dân sinh sống tại Khu tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa nhận được thông báo từ Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội về thu phí dịch vụ căn hộ với mức giá mới tính theo từng tòa nhà. Theo người dân, việc áp dụng mức giá dịch vụ mới với khu TĐC như giá dịch vụ căn hộ thương mại là không chấp nhận được.

Hà Nội điều chỉnh tăng giá dịch vụ Khu tái định cư Đồng Tàu, dân không đồng tình

Hà Nội điều chỉnh tăng giá dịch vụ Khu tái định cư Đồng Tàu, dân không đồng tình

VOV.VN - Cư dân sinh sống tại Khu tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa nhận được thông báo từ Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội về thu phí dịch vụ căn hộ với mức giá mới tính theo từng tòa nhà. Theo người dân, việc áp dụng mức giá dịch vụ mới với khu TĐC như giá dịch vụ căn hộ thương mại là không chấp nhận được.