Cần thận trọng về siêu Dự án du lịch tâm linh Chùa Hương 15.000 tỷ
VOV.VN - Người dân và chuyên gia lo ngại trước thông tin DN Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Chùa Hương với số vốn khoảng 15.000 tỷ đồng.
Như VOV.VN đã đưa tin, mới đây, doanh nghiệp (DN) xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) do ông Nguyễn Văn Trường làm Giám đốc vừa có đề xuất xin làm dự án "khu du lịch tâm linh Hương Sơn" với qui mô vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.
Quang cảnh khai hội Chùa Hương.
Mặc dù đề xuất của DN Xuân Trường chưa được lãnh đạo TP Hà Nội phê duyệt dù chỉ là nghiên cứu dự án, nhưng thông tin việc DN này dự kiến đầu tư tại khu vực Chùa Hương một dự án có qui mô rất lớn này đã gặp một số ý kiến không thuận chiều từ cơ quan quản lý và cả người dân.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội (số 212/CV-DNXT), từ cuối tháng 7/2018, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) với quy mô khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
"Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng", báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết.
Văn bản của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đang muốn xin Hà Nội làm dự án tâm linh có vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. |
Ngay tại văn bản này, mặc dù cho rằng, đề xuất của Doanh nghiệp Xuân Trường phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của thành phố Hà Nội nhưng Sở KH&ĐT Hà Nội cũng nêu trong 350 ha đất du lịch trong khu vực dự kiến làm dự án đã có 175 ha thuộc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hương Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương nghiên cứu lập quy hoạch làm dự án theo một số văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Phần đất còn lại dự kiến xây dựng Trung tâm lễ hội Hương Sơn và Festival Hoa Sen nhưng thành phố Hà Nội chưa giao cho đơn vị nào làm dự án.
Sở KH&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, nếu được UBND Thành phố Hà Nội đồng ý cho nghiên cứu làm dự án, "đại gia" Xuân Trường cũng phải làm việc với các Sở, ngành của thành phố, UBND huyện Mỹ Đức để triển khai các công việc sao cho phù hợp với các quy hoạch được duyệt và nhất là "tránh trùng lặp với các dự án đã được thành phố cho phép nghiên cứu lập quy hoạch".
Hết sức cẩn trọng
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, danh thắng chùa Hương là di tích quốc gia đặc biệt gắn với tín ngưỡng, tâm linh nên việc triển khai dự án du lịch tâm nên cẩn trọng.
Một góc suối Yến trong khu Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Hương. |
Dự án mà DN xây dựng Xuân Trường đang đề xuất ở quy mô rất lớn, tổng đầu tư 15.000 tỷ và có quy mô tới 1.000ha. Do đó, việc chấp thuận chủ trương cho DN đầu tư không phải riêng thẩm quyền của Hà Nội, mà liên quan tới nhiều bộ, ngành, lĩnh vực…
“Thắng cảnh chùa Hương là di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Nó gắn với tín ngưỡng, tâm linh, là một địa danh sánh ngang với Đền Hùng, Đền Trần…như thế, có thể hiểu, đó là tài sản chung của cả nước chứ không phải riêng một địa phương, khu vực. Việc cho phép, chấp thuận chủ trương đầu tư để khai thác thương mại cần có ý kiến của các bộ, ngành như VH-TT&DL, TN&MT, NN&PTNN…1.000ha để thực hiện dự án bao trùm trong đó đất rừng, đất nông nghiệp nên phải được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nói chung rất nhiều vấn đề”, ông Thanh nói.
Đã có câu chuyện dòng suối Yến được người ta cho thầu để thả cá, sau đó dư luận phản đối nên phải trả lại hiện trạng như cũ. Việc đề xuất nạo vét để làm giao thông đường thủy với 20km chiều dài, đó là sự tác động mang tính chất cưỡng bức, nó sẽ phá nát cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh của danh thắng Chùa Hương”, GS Thanh nhận định.
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao mới hoàn thành những hạng mục thuộc vốn nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở. |
Ông cho hay, ngoài giá trị tín ngưỡng, chùa Hương còn được biết đến là một trong những long mạch, phong tủy tâm linh quan trọng. Dòng suối Yến dẫn vào động Hương Tích, suối Giải Oan… gắn với nhiều truyền thuyết, câu truyện dân gian được cả nước hướng đến với niềm bái vọng. Đặt trong không gian văn hóa chùa Hương, những chiếc thuyền chèo thủ công, chèo tay nó hài hòa với cảnh quan và tâm lý đầu năm du xuân chiêm bái của du khách.
Ông cũng cho biết, việc DN Xuân Trường đề xuất xây dựng nhà hàng, dịch vụ cho khoảng 600-10.000 du khách vào dịp chính lễ sẽ làm gia tăng cơ học, không đồng bộ với quần thể cảnh quan chùa cổ hiện hữu hàng trăm năm nay.
“Tôi nghĩ cần thiết lấy ý kiến của người dân và ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trước khi chấp thuận đề xuất này. Chùa Hương trong thi, ca, nhạc, họa nó là một tổng thể hài hòa của các yếu tố văn hóa-lịch sử-tâm linh, không nên vì mục tiêu thương mại. Sự linh thiêng của di tích không nằm ở việc đầu tư vào đó bao nhiêu tiền, mà nó nằm ở niềm tin được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác”, GS.TS Bùi Quang Thanh nói.
Doanh nghiệp gắn với nhiều dự án gây tranh cãi
Được biết, DN Xuân Trường đã và vẫn đang thực hiện nhiều "đại dự án" khu du lịch tâm linh như quần thể Bái Đính- Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…với qui mô mỗi dự án khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng.
Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Hiện DN Xuân Trường mới bồi thường giải phóng mặt bằng cho 20 ha trong tổng diện tích 2.500 ha. |
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được triển khai thuận lợi. Như dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước, vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016.
Sau 2 năm kể từ khi dự án Hồ Núi Cốc được triển khai đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được chi cho giải phóng mặt bằng và hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn về bố trí vốn nên việc triển khai dự án này trong tình trạng chậm chạp, dở dang, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Dự án nạo vét kênh Sào Khê (Ninh Bình) do DN Xuân Trường thực hiện gây nhiều nghi vấn, tranh cãi khi đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng. |
Trước đó, DN Xuân Trường đề xuất nạo vét 14km kênh Sào Khê (Ninh Bình) ban đầu chỉ là 72 tỷ đồng, sau nhiều năm lên tới 2. 600 tỷ đồng từ tiền ngân sách mà làm mãi không xong.
Một dự án nạo vét mà đại biểu Quốc hội phải thốt lên “quá sức tưởng tượng”, còn một chuyên gia kinh tế thì nhìn nhận: nạo vét, xây bờ kè của một con sông dài có 14 km mà tính ra 185 tỷ đồng/km (tương đương 8 triệu USD) còn đắt hơn cả đường cao tốc có 4 làn xe.
Với đề xuất biến Chùa Hương thành quần thể chùa “công nghiệp” với tứ bề trạm thu phí, với đề xuất nạo vét tới 30km sông suối (có thể tái diễn kịch bản đội vốn 72 tỷ lên 2. 600 tỷ như Sào Khê không?), đề xuất xẻ toang dòng Suối Yến ngàn năm cho chảy về Hà Nam, xuyên qua rừng đặc dụng, với hàng chục hạng mục xây dựng có thể xé toang một trong 3 lá phổ sinh thái của Hà Nội là Hương Tích, Ba Vì, Sóc Sơn…Việc này rất cần phải xem xét một cách khoa học và nghiêm túc./.
“Siêu dự án” du lịch tâm linh ở Chùa Hương bị các chuyên gia cảnh báo
Doanh nghiệp Xuân Trường muốn làm siêu dự án tâm linh ở Chùa Hương
Chùa Hương đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt