Cần Thơ điều trị ARV hiệu quả cho trẻ em nhiễm HIV
VOV.VN - Theo giới chuyên gia, việc điều trị thuốc ARV đối với người nhiễm HIV sẽ có lợi ích “kép”. Đó là vừa duy trì sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống vừa góp phần giảm lây nhiễm HIV, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử. Tại Cần Thơ, công tác điều trị ARV đang được ngành y tế đẩy mạnh, nhất là ở trẻ em.
Thông tin từ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ (CDC Cần Thơ), thành phố hiện có 90 trẻ em nhiễm HIV và đang điều trị ARV. 2 nơi điều trị ARV cho trẻ em là: Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Ða khoa quận Thốt Nốt. Nguồn thuốc điều trị do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, chi phí cùng chi trả từ nguồn ngân sách thành phố. Với những trẻ chưa kịp cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế hết hạn thì các dự án tài trợ thuốc. Ngoài ra, thành phố cũng có 100 trẻ em chịu ảnh hưởng bởi HIV (có cha, mẹ nhiễm HIV); trong số đó có 48 trẻ phơi nhiễm với HIV (sinh ra từ mẹ nhiễm HIV). Trẻ phơi nhiễm với HIV sẽ được theo dõi, quản lý, điều trị dự phòng phơi nhiễm và lấy máu xét nghiệm HIV định kỳ, đến 18 tháng tuổi. Kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính với HIV thì kết thúc theo dõi, điều trị, lấy máu xét nghiệm.
Trong buổi họp mặt cùng thiếu nhi nhiễm HIV mới đây tại thành phố Cần Thơ, GS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch danh dự Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam cho biết, nhờ có tiến bộ thuốc điều trị, nhất là ARV mà trẻ nhiễm HIV có sức khỏe, đi học, đi làm, lập gia đình và có con. Vì vậy, rất cần các cấp chính quyền, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ trẻ nhiễm HIV, nhất là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ.
"Điều kiện, kiến thức của những người nhiễm HIV hiện nay đã có sự thay đổi và sự chăm sóc về thuốc men, điều kiện sinh hoạt được nâng lên, nên tất cả nên tuổi thọ của người nhiễm HIV kéo dài hơn so với trước đây. Từ nhiễm HIV sang AIDS thì tỷ lệ có thấp hơn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng sự lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức hoạt động phòng chống nhiễm HIV trên thành phố Cần Thơ làm thế nào để các cháu có được cuộc sống tốt hơn, được học hành, được vui chơi, chăm sóc sức khỏe thật tốt", GS.TS Trần Thị Trung Chiến nói.
Những năm gần đây, Cần Thơ thực hiện tốt chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tất cả các bà mẹ khi đến khám thai tại các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện đều được tư vấn xét nghiệm HIV. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ phụ nữ mang thai xét nghiệm chiếm 92%. Qua xét nghiệm, 37 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 48 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được uống thuốc dự phòng, chưa ghi nhận trẻ em HIV dương tính sau khi điều trị dự phòng./.