Cần tránh biến tướng thành lập các trung tâm dạy thêm trực thuộc nhà trường
VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, nên quy định dạy thêm là một ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng cần có những quy định rất rõ ràng để hoạt động dạy thêm trong nhà trường không biến tướng thành các “trung tâm dạy thêm” trực thuộc nhà trường, loại bỏ được việc phụ huynh buộc phải "tự nguyện" viết đơn xin học thêm.
Tại phiên họp Quốc hội ngày 20/11, một số ý kiến đại biểu phản ánh về những bất cập trong hoạt động dạy thêm học thêm tại các nhà trường hiện nay, đại biểu cho rằng cần có những cách quản lý phù hợp.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã gửi Văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng không rõ lý do tại sao trong quá trình từ năm 2020-2021 thì việc này không được chấp thuận”.
Đề xuất này của Bộ GD- ĐT đang nhận về nhiều sự quan tâm của đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục cũng như dư luận xã hội.
Nói về nội dung này, TS Đỗ Viết Tuân, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Học viện Quản lý giáo dục), đồng thời là người đồng sáng lập một trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại Hà Nội cũng cho rằng, việc đưa dạy thêm vào danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện là việc phải làm. Bản chất của việc cấm dạy thêm, học thêm là không khả thi, bởi đây là nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người học, mong muốn được bồi dưỡng thêm kiến thức và là sự đáp ứng từ phía người dạy. Tuy nhiên hoạt động dạy thêm học thêm trong các nhà trường hiện nay đang có nhiều biến tướng khiến xã hội bức xúc.
“Khi hoạt động dạy thêm trở thành hoạt động kinh doanh có điều kiện sẽ là hình thức hợp lý để các đơn vị tổ chức dạy thêm bên ngoài có điều kiện làm tốt hơn. Trong các nhà trường, hoạt động này cũng sẽ được tổ chức có trách nhiệm hơn khi có quy định rõ ràng.
Dưới góc độ của người quản lý doanh nghiệp tổ chức hoạt động dạy thêm, tôi cho rằng đề xuất này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục độc lập có cơ hội cạnh tranh công bằng. Bởi thực tế có nhiều học sinh dù muốn hay không vẫn phải lựa chọn học thêm tại trường vì những áp lực từ thầy cô, nhà trường. Quy định này cũng sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học”, TS Tuân phân tích.
Để hoạt động dạy thêm được quản lý hiệu quả, TS Đỗ Viết Tuân cho rằng, khi có quy định, cần cân nhắc, xem xét kỹ hoạt động dạy thêm trong nhà trường, ngay cả khi có đơn tự nguyện từ phụ huynh.
“Các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, bổ trợ cho học sinh yếu kém miễn phí vẫn cần được tiếp tục duy trì, vì đây là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên cần xem lại hình thức học thêm tự nguyện khi có đơn của phụ huynh. Thực tế tại nhiều trường, phụ huynh được giáo viên yêu cầu “tự nguyện” viết đơn.
Cần có những quy định rất rõ ràng để hoạt động dạy thêm trong nhà trường không biến tướng thành các “trung tâm dạy thêm” trực thuộc nhà trường. Thay vào đó, giáo viên hoàn toàn có thể dạy ngoài giờ tại các trung tâm độc lập vì đây là hoạt động làm thêm chính đáng”, TS Đỗ Viết Tuân nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, để quản lý tốt hoạt động dạy thêm, vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục rất quan trọng. Nhận thức của các vị hiệu trưởng sẽ quyết định hoạt động dạy thêm có biến tướng hay không. Mục tiêu cuối cùng của việc công nhận dạy thêm là một ngành kinh doanh có điều kiện là để người học được học theo đúng mong muốn, giáo viên được thoải mái, công khai, làm thêm một cách đàng hoàng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất đưa dạy thêm vào ngành kinh doanh có diều kiện để tạo cơ sở pháp lý quản lý hoạt động này. Song các quy định cần chặt chẽ, có bộ phận kiểm tra, kiểm soát và có chế tài xử lý với các trường hợp vi phạm.
Nói rõ hơn về nội dung này, theo TS Nguyễn Tùng Tâm, có 2 nhóm học sinh cần được học thêm là những em có học trực trung bình, yếu kém cần bổ sung, bồi dưỡng kiến thức và nhóm học sinh tự có nhu cầu học thêm.
Với nhóm học sinh yếu kém, TS nguyễn Tùng Lâm cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các trường trong hoạt động bồi dưỡng biến thức, dạy thêm cho các em. Mục đích của việc dạy thêm này đúng đối tượng, đúng yêu cầu, công khai, minh bạch.
Với nhóm có nhu cầu học thêm, thực tế hiện nay cùng với những áp lực thi cử, tâm lý, chạy theo điểm số, thành tích khiến việc dạy thêm, học thêm trở nên tràn lan. Tuy nhiên nếu học sinh có nhu cầu học các lớp năng khiếu, kỹ năng thì nên ủng hộ vì đây là quyền chính đáng của người học. Vấn đề đặt ra là tổ chức hoạt động dạy thêm thế nào cho đúng quy định pháp luật.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng chỉ ra rằng, tại một số trường có tình trạng giáo viên dùng sức ép để lập ra những lớp, nhóm dạy thêm. Do đó, việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý tốt hơn là điều cần thiết.