Càng cao điểm càng cháy

Trong thời gian các tuần lễ quốc gia, các tháng cao điểm, con số các vụ việc vi phạm luật định dường như tăng cao hơn

Từ ngày 14-21/3/2010 là thời gian của Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ lần thứ 12. Thế nhưng, trong chính thời gian này, thông tin về các vụ việc tai nạn lao động, các vụ cháy vẫn không ngừng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Ngày 19/3, tại  khu vực khai thác than Suối nước Vàng thuộc xã Lục Sơn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 2 người chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bục túi nước dẫn đến sập hầm. Tại khu vực này hiện đang có 4 công ty được cấp phép khai thác, có khoảng 300 công nhân đang làm việc. Tuy nhiên, hầu hết không có hợp đồng lao động, không được huấn luyện kỹ thuật về an toàn lao động, không có đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động và không được tham gia bảo hiểm xã hội.

Cùng chiều, tại khúc sông Nậm Rốm, đoạn cầu C9, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có 2 em học sinh bị chết đuối do rơi xuống hố hút cát.

Khoảng 1 giờ sáng 20/3, hoả hoạn bùng phát tại Câu lạc bộ khiêu vũ Vĩnh Xuân ở 60A ngõ 221 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Hà Nội đã dập tắt đám cháy. Rất may, không có thiệt hại về người; tuy nhiên, hoả hoạn thiêu rụi 500 m2 nhà dùng làm sàn khiêu vũ và toàn bộ tài sản.

Khoảng 12 giờ trưa 20/3, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chợ thị trấn Nhơn Hoà, tỉnh Gia Lai, thiêu rụi 1 ki-ốt và 11 sạp hàng tạp hoá. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản vẫn chưa thống kê được. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện.v.v…

Các vụ tai nạn lao động, vụ cháy như vậy một lần nữa cảnh báo đối vấn đề quản lý nhà nước cũng như ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ của chủ các doanh nghiệp và người lao động.

Có một điều đặt ra là, không chỉ trong Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN vẫn xảy ra tai nạn, mà cả những hoạt động như Tháng An toàn giao thông, số vụ việc và người bị nạn cũng vẫn tăng cao, Tháng An toàn Vệ sinh thực phẩm cũng vậy, số người bị ngộ độc thực phẩm và số vụ việc vi phạm VSTP cũng gia tăng. Phải chăng, các vụ việc vi phạm luật định càng chống càng tăng? Các vụ việc như con bệnh nhờn thuốc?

Công bằng mà nói, trên thực tế, trong các thời gian cao điểm, công tác thống kê, điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm quy định được làm sát sao, kỹ lưỡng hơn, nên con số vụ việc không bị bỏ sót. Mặt khác, nhờ có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nên các cơ quan chức năng và các chủ thể hoạt động có ý thức hơn về việc báo cáo, tường trình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận sự việc. Khi mà Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ đã tổ chức tới lần thứ 12, nhưng năm nào cũng có nhiều vụ TNLĐ, cháy nổ xảy ra trên địa bàn cả nước. Năm 2009, theo báo cáo chưa đầy đủ, số vụ TNLĐ xảy ra là 6.250 vụ, tăng 414 vụ so với năm 2008, số người bị TNLĐ là 6241 người, tăng 374 người so với năm trước. Số vụ cháy ở các cơ sở, nhà dân tuy có giảm- 1.677 vụ so với con số 1.734 vụ (năm 2008), song số người chết lại tăng 19%- 10 người (62 người so với con số 52 năm 2008).

Như vậy, vấn đề đặt ra là hiệu quả của các Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ –PCCN hằng năm như thế nào? Liệu việc chúng ta tổ chức, thực hiện có đạt được kết quả thiết thực không, hay chỉ là hình thức? Làm thế nào để ý thức về ATVSLĐ- PCCN gắn bó chặt chẽ với những việc làm cụ thể, hằng ngày ở các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động? Thiết nghĩ, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ thể, việc thanh tra, kiểm tra và các chế tài cũng cần được giám sát chặt chẽ hơn!/.