Cao tốc Bắc-Nam: Không dại gì thuê nhà thầu kém

VOV.VN -Có ít nhất 4 trên tổng số 8 đoạn tuyến của cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã tìm được các nhà thầu đủ điều kiện, tài chính và năng lực thi công.

Ngoài đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Ninh Bình đã được Tập đoàn xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư và khởi công trước đó, các đoạn tuyến còn lại dần “lộ” những ứng cử viên sáng giá cho việc triển khai chính thức.

Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Ninh Bình đã được Tập đoàn xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư và khởi công.

4 đoạn trọng yếu đã lộ các ứng viên “nặng ký”

Tại đoạn tuyến Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa), Bộ GTVT đã lựa chọn được 2 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án, gồm liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam - Công ty Cổ phần CMVIETNAM.

Liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển còn lại là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công - Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.

Tập đoàn Cienco4 vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT đề xuất thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt.

Dự án này có dài 63,37km và được đầu tư làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I đầu tư 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m. Dự án dự kiến khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2021.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12.918 tỷ đồng, trong đó có 3.169 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ bằng vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Đoạn tuyến tiếp theo, từ Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 2 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án. Thứ nhất là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô, Công ty Cổ phần xây dựng giao thông 18.

Liên danh nhà đầu tư còn lại gồm Công ty Cổ phần Licogi 16, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Điền Phước, Công ty Cổ phần FECON, Công ty Cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON, Công ty Cổ phần đầu tư 468.

Dự án có chiều dài 43km với điểm đầu tại Km337+000 sau vị trí giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối tại Km380+000 (nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành), thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Được thiết kế theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là 6.333 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của nhà nước là 2.003 tỷ đồng, vốn tư nhân là 4.330 tỷ đồng.

Với đoạn tuyến Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận) Bộ GTVT lựa chọn được 4 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Với đoạn tuyến Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận) có 4 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - Công ty CP Xây dựng giao thông 18 - Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP phát triển xây dựng và thương mại Thuận An.

Liên danh thứ hai, gồm: Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194.

Thứ ba là liên danh Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Đầu tư giáo dục phát triển công nghệ năng lượng Việt Nam - Công ty CP FECON.

Cuối cùng là liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty CP Đầu tư Horizon - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam.

Đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài 79km, tổng mức đầu tư khoảng 13.687 tỷ đồng.

Tiếp theo là đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết (Bình Thuận)- Dầu Giây (Đồng Nai) có 3 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn Thành Công - Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4.

Liên danh thứ hai gồm: Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc NoVa - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Rạng Đông.

Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194 - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 - Tổng công ty IDICO - Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín được lựa chọn thi công đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Liên danh thứ ba gồm: Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194 - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 - Tổng công ty IDICO - Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thực hiện theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 14.359 tỷ đồng, gồm 11.879 tỷ đồng vốn BOT và hơn 2.479 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Dự án có chiều dài 99km, điểm đầu tại nút giao với đường nối QL1 đi Mỹ Thạnh thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khoảng Km43+125.

Không dại gì thuê nhà thầu kém, không lặp lại bất cập BOT

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ GTVT), việc đấu thầu trong nước rộng rãi sẽ phát huy nội lực, tạo công ăn việc làm cho nhà đầu tư nội, trao cơ hội làm các dự án lớn cho nhà đầu tư Việt Nam và giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn.

PGS-TS Trần Chủng nhìn nhận, năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu tuyến cao tốc Bắc - Nam.

“Những bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông trước đây đã được chỉ rõ và những bất cập đó chắc chắn sẽ được đặt ra và đưa vào hồ sơ, để không lặp lại khi đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Huy khẳng định.

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư  BOT nhìn nhận, năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của đoạn tuyến tại dự án.

Khi để các nhà thầu trong nước làm dự án này, có ý kiến lo ngại chất lượng công trình không đạt, không được như nhà thầu các nước tiên tiến. Tuy nhiên, cần hiểu rõ đấu thầu ở đây không phải là đấu thầu nhà thầu mà là đấu thầu nhà đầu tư (người bỏ tiền).

Khi lựa chọn nhà đầu tư, 60% tiêu chí chấm điểm liên quan đến vốn, kinh nghiệm đầu tư các công trình lớn, chỉ 10% về năng lực tổ chức. Sau đó, nhà đầu tư mới chọn các nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát...

“Năng lực tư vấn giám sát của Việt Nam cũng tốt, quan trọng là vấn đề kiểm soát như thế nào. Với các công trình đường cao tốc, Việt Nam đã làm 700 km rồi, lực lượng thi công đủ, vấn đề là chọn giám sát đủ năng lực. Hy vọng chủ đầu tư thắng thầu sẽ giám sát chặt chẽ hơn vì họ bỏ đồng tiền bát gạo của mình ra, rồi quản lý, khai thác 10, 20 năm thì không dại gì thuê các nhà tư vấn không đạt năng lực”, ông Chủng nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho hay, dự án trọng điểm của quốc gia như cao tốc Bắc-Nam sẽ là “đất diễn” cho các nhà thầu Việt Nam, để họ thể hiện năng lực “nội”.

“Chúng ta làm chặt chẽ ngay từ đầu sẽ giúp đảm bảo chất lượng, thậm chí còn có thể giảm bớt được chi phí”, ông Thủy nói./.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,  Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên