Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Dân khổ vì ruộng bỏ hoang, nhà ngập lụt
VOV.VN -Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 40 km. Trong quá trình thi công, đời sống, sản xuất của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn.
Hàng chục ha đất nông nghiệp bị bồi lấp, ngập úng, bỏ hoang không sản xuất được; hàng trăm nhà dân bị hư hỏng, có nguy cơ ngập lụt, đi lại khó khăn.... Đây là những tồn đọng chưa được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giải quyết sau khi Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động.
Người dân ở thôn Phú Lễ 1 và Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ruộng bao năm nay không sản xuất được. Cuộc sống, kinh tế người dân quá khó khăn.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào hoạt động phát sinh nhiều khó khăn cho người dân vẫn chưa được giải quyết. |
Ruộng ngập úng, đường sá lầy lội, giao thông khó khăn, mương cống thoát nước đào xới nham nhở, nhà cửa dễ bị xói lở, sụp đổ trong mùa mưa lũ.
Bà Trịnh Thị Kim Dung, nhà sát chân cầu VD09B (Km107+829) cho biết, trong quá trình thi công, nhà thầu đã đào hệ thống cống tạm thoát nước nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục, nước mưa xoáy vào nhà, tạo thành những hố sâu rất nguy hiểm.
“Mùa mưa vừa rồi, nước lụt lên gần nửa nhà. Đó là lúc đường cao tốc làm chưa xong, bây giờ đường xong rồi, do đoạn này quá hẹp, không có chỗ thoát nước, đến mùa lụt phải dọn đi, không ở đây được”- bà Dung nói.
Cống thoát nước thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chảy xoáy vào nhà dân gây nguy hiểm. |
Ông Trịnh Phú Định, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Bình Sơn cho biết, hơn 38.000m2 ruộng Bàu Sen của người dân bị ngập úng do việc đổ đất làm đường đến nay chưa được khắc phục.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do sa bồi, thủy phá. 3 tuyến đường trên địa bàn này bị hư hỏng do nhà thầu thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vận chuyển vật liệu, thiết bị thi công.
Việc hoàn trả các đường đấu nối với đường dân sinh, nạo vét mương tiêu, cống thoát nước vẫn chưa được khắc phục.
Đường giao thông qua xã Bình Trung, huyện Bình Sơn bị đơn vị thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cày nát. |
“Trong quá trình thực hiện dự án này, địa phương đã nhiều lần báo cáo với cấp trên. Đề nghị cấp trên nên quan tâm chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và đơn vị thi công phối hợp với địa phương giải quyết triệt để, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển. Nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh”- ông Trịnh Phú Định đề nghị.
Ruộng đồng của người dân xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị bồi lấp, ngập úng không sản xuất được. |
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 40 km. Trong quá trình thi công, đời sống, sản xuất của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn.
Hàng trăm nhà dân bị nứt, hư hỏng. Hàng chục ha đất nông nghiệp, ruộng đồng bị ngập úng không canh tác được. Hàng chục đường dân sinh gần đường cao tốc bị hỏng chưa được khắc phục, người dân đi lại khó khăn…
Người và phương tiện chui dưới cao tốc phải né nước từ gầm cầu chảy xuống. |
Ông Đỗ Vũ Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC và nhà thầu khẩn trương giải quyết những vướng mắc liên quan đến dự án.
Theo ông Đỗ Vũ Bảo, tỉnh đã yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương sửa chữa hoàn trả các tuyến đường gom, đường dân sinh, đảm bảo việc đi lại cho nhân dân vùng dự án trước mùa mưa bão năm nay.
Nước từ cầu trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chảy xuống đọng lênh láng dưới gầm cầu. |
“VEC cần phải phối hợp sớm giải quyết những tồn tại, vướng mắc. Việc giải quyết như thế nào cần phải họp hoặc làm việc cụ thể với những người bị ảnh hưởng để có sự trao đổi, bàn bạc. Nếu VEC không giải quyết sẽ tiềm ẩn nguy cơ người dân không cho lưu thông trên tuyến theo cảnh báo của tỉnh. Nếu vụ việc xảy ra, VEC mới đề nghị địa phương giải quyết sẽ không phù hợp”- ông Đỗ Vũ Bảo cho biết.
Nước chảy xuống gầm cầu ảnh hưởng người đi đường. |
Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn yêu cầu VEC nghiêm túc xem xét, xử lý dứt điểm các đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương chịu ảnh hưởng của dự án, hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án trong tháng 10.
Tuy nhiên đến nay, việc phối hợp của VEC với các đơn vị, địa phương liên quan mới dừng ở văn bản, chưa giải quyết những đề nghị của người dân bị ảnh hưởng từ dự án này./.