Cao tốc Vân Phong- Nha Trang gặp khó di dời hạ tầng kỹ thuật
VOV.VN - Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nằm hoàn toàn địa phận tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù đã bàn giao hơn 90% mặt bằng, công trình lại đang gặp vướng mắc trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83 km, đi qua các địa phương phía bắc tỉnh Khánh Hòa do Ban quản lý dự án 7, Bộ Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư.
Để thực hiện dự án, các địa phương phải thu hồi hơn 600 héc ta đất, với gần 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt hơn 90%. 4 khu tái định cư đã hoàn thành, riêng 2 khu tái định cư là Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa và đường 2/9, huyện Vạn Ninh sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.
Anh Nguyễn Văn Pháp, thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa cho biết, gia đình anh bị giải tỏa, được bố trí 1 lô tái định cư gần nơi ở cũ: “Giờ giao đất thì xây không kịp Tết, chắc gì có thợ để làm, lỡ cỡ lắm. Tái định cư đâu phải muốn xây sao thì xây, phải có bản thiết kế, phải kiếm thợ nữa. Thợ người ta đang làm nhà dở dang thì đâu có thể bỏ người khác để làm cho mình. Thời tiết thì mưa gió thất thường nữa”.
Nhiều điểm đã được bàn giao nhưng không thể tổ chức thi công do chưa có đường tiếp cận, vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời. Công trình cầu Bồ Đội đang phải dừng thi công, cầu Sông Chò chỉ thi công được 1-2 mố trụ. Đặc biệt, toàn tuyến có 11 công trình kỹ thuật là trụ điện 220 KV, đến nay chưa di dời được. Trong khi đó, những hạ tầng này có yêu cầu cao, phức tạp về thiết kế và trình tự thủ tục thực hiện mất khá nhiều thời gian, phải đặt ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án. Các địa phương phải lập hồ sơ thu hồi đất, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ theo quy định pháp luật mất nhiều thời gian dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đã đặt ra.
Việc di dời hơn 60 móng, trụ đường điện 110-220 KV với tổng giá trị hơn 170 tỷ đồng là việc khó vì trước đến nay, cấp huyện chưa làm chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn cũng chưa có kinh nghiệm xem xét để tham mưu.
Ông Nguyễn Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tỏ ra băn khoăn: “Cấp huyện không thể tự xem xét các bộ hồ sơ đối với các công trình điện lớn là 110 KV trở lên. Việc thuê các đơn vị tư vấn đủ năng lực lập các bộ hồ sơ đó rất khó khăn. Việc xây dựng đường dây tạm trị 51 tỷ, có cần xây dựng đường dây tạm 51 tỷ này không, để sau khi hoàn thành đường dây chính lại bỏ? Thị xã Ninh Hòa cũng không thể biết là cần thiết xây dựng đường dây tạm hay là không?”
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ như cam kết. Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các địa phương sớm bàn giao đất tái định cư cho người dân để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án. Ưu tiên, tập trung di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đối với một số hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng vì cho rằng giá đền bù cây Dó bầu chưa thỏa đáng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu cho tỉnh đề ban hành giá đền bù, đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Dự án Vân Phong- Nha Trang đánh giá là đang chậm, nếu như không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, chậm này sẽ kéo dài và rơi vào mùa mưa. Như vậy, chúng ta sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND các huyện cần quyết tâm hơn, cố gắng. So với các tỉnh khác, tiến độ của chúng ta rất chậm về phần di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. UBND huyện cần tập trung từng công trình một, đây là công việc phải ưu tiên".