Cầu Đoan Hùng liệu có lỗi hẹn?
VOV.VN - Cầu Đoan Hùng xuống cấp, hư hỏng nặng, hoạt động vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận tải hành khách đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Cầu Đoan Hùng trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua sông Chảy, thuộc địa bàn xã Chí Đám, thị trấn Đoan Hùng xuống cấp, hư hỏng nặng. Để tiến hành sửa chữa, từ tháng 2 năm ngoái, đơn vị quản lý chỉ cho phép xe ôtô dưới 7 chỗ ngồi, xe máy và các phương tiện thô sơ được tham gia lưu thông. Chính vì vậy mà hoạt động vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận tải hành khách đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Khác hẳn với mọi năm trước Bến xe khách thành phố Tuyên Quang đìu hiu vắng lặng, thi thoảng xe xuất bến giỏi cũng chỉ dăm ba khách. Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ một nhà xe cho biết: "Dạo này vắng khách lắm, nguyên nhân do Covid-19 và sửa chữa cầu Đoan Hùng. Có dăm ba khách cũng phải chạy".
Ông Trần Quốc Điệp, Phó trưởng Bến xe khách thành phố Tuyên Quang, cho hay, năm nay, hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Đã thế, việc thi công sửa chữa cầu Đoan Hùng cũng tác động tới hoạt động vận tải hành khách. Trước kia, dịp này mỗi ngày cũng có trên 200 lượt xe hoạt động, nay mỗi ngày cũng chỉ có chừng 80 xe, chủ yếu xe chạy nội tỉnh.
"Tại thời điểm hiện nay công suất bến rất thấp do dịch Covid-19 một phần, nhưng nguyên nhân chính do sửa cầu Đoan Hùng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận tải hành khách", ông Điệp nói.
Cầu Đoan Hùng xây dựng từ năm 1984, được sửa chữa lần đầu vào năm 2004, năm 2010, 2013 sửa chữa gia cố thêm một số bộ phận chống xói cho các trụ cầu, gia cố bờ sông chống sạt lở…. Tuy nhiên, việc sửa chữa vẫn chỉ là tạm thời, chắp vá sửa sau một thời gian lại hỏng. Nguyên nhân là do vị trí cây cầu có dòng nước luôn chảy siết, phức tạp, chịu tác động bởi khai thác cát sỏi, dòng chảy thủy điện nên đã gây ảnh hưởng, mất an toàn cho cây cầu.
Năm 2019, Bộ GTVT chấp thuận danh mục công trình cho phép chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ vào năm 2020 đối với công trình sửa chữa hư hỏng cầu Đoan Hùng, dự kiến kinh phí thực hiện 18 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả kiểm định, khảo sát đánh giá tình trạng thực tế công trình, xét mức độ xuống cấp của cầu có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn công trình, an toàn giao thông nên Tổng Cục ĐBVN tổ chức thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông từ tháng 2 năm ngoái. Theo đó, cấm toàn bộ xe ô tô từ 07 chỗ trở lên và xe tải lưu thông qua cầu Đoan Hùng. Tổ chức phân luồng giao thông từ xa, các phương tiện trọng tải lớn đều phải đi vòng.
Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ I yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức nhiều mũi thi công để rút ngắn thời gian thi công tối đa, phấn đấu thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2021 nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp và người dân.
Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục quản lý Đường bộ I cho biết: "Các hạng mục cơ bản thi công xong, chúng tôi đang tiến hành thẩm định và báo cáo Tổng Cục đường bộ sớm cho thông xe khoảng 10-15 ngày nữa, cố gắng trong dịp Tết để bà con du xuân".
Về lâu dài trước những tác động gây mất an toàn cho cây cầu rất cần các cấp, các ngành cơ quan chuyên môn có được giải pháp triệt để./.