Cây ATM gạo mang niềm vui cho người bán vé số, lao động nghèo Cần Thơ
VOV.VN - Mong muốn chia sẻ với những người khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, được sự cho phép của chính quyền địa phương, khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng đã chế tạo cây “ATM gạo”.
Việc làm này đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân khó khăn, nhất là người mất việc trong đại dịch Covid-19.
Cô Tạ Thị Bích Thủy, bán vé số, sống tại khu vực Thạnh Mỹ: Tôi bán vé số, giờ dịch bệnh phải nghỉ bán, tôi ở nhà. Tôi cũng khó khăn nhưng nhờ ấp giúp đỡ gạo ăn sống qua ngày.
Ông Trần Văn Lâm, lao động tự do, sống tại số nhà 1/3B khu vực Thạnh Mỹ: Ở nhà giờ có mình ên, trước dịch cũng lao động vậy thôi, làm hồ, bốc vác… Cách ngày lại đây nhận gạo cũng thấy đỡ một phần nào trang trải hàng ngày.
Cô Nguyễn Thị Loan (67 tuổi), sống 1 mình tại căn nhà thuê khu vực Thạnh Mỹ: Hàng ngày, công việc của cô là bán vé số, giờ gặp khó khăn, vất vả, không có tiền để mua gạo. Mấy ngày nay đi xin gạo ở ấp, rồi thấy vui mừng vì có Nhà nước giúp đỡ cho mình sống hàng ngày.
Đó là cảm xúc vui mừng của cô Tạ Thị Bích Thủy, ông Trần Văn Lâm, cô Nguyễn Thị Loan – những người bán vé số, lao động tự do hiện sống trên địa bàn khu vực Thạnh Mỹ (Phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), khi nhận được 2kg gạo cùng một số loại rau từ cây ATM gạo khu vực Thạnh Mỹ.
Từ ngày 15/7, cây ATM gạo chính thức khởi động, đặt tại Nhà văn hóa khu vực Thạnh Mỹ, hoạt động 2 buổi/ngày, buổi sáng từ 8 giờ - 11 giờ, buổi chiều từ 14 giờ - 16 giờ vào các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). Để tránh tình trạng tụ tập đông người trong một lần phát, khu vực đã làm phiếu nhận ngày chẵn – ngày lẻ, rồi cử lực lượng phát cho các hộ dân, trong đó ưu tiên các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bán vé số tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.
Thời gian đầu, ban tổ chức phát mỗi ngày khoảng 60 phiếu, nhưng thời gian gần đây, thấy người dân khó khăn ngày càng nhiều, số lượng phiếu phát tăng lên gần 150. Người dân đến nhận gạo cách ngày, đảm bảo giữ khoảng cách 2m, luôn đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, đến nhận gạo cho biết:" Cô bán vé số, con cô có tật cũng đi bán cùng, ngày 150 tờ nó bán 50 tờ, cô bán 100 tờ. Cô còn 1 người con nữa làm tài xế, nhưng giờ dịch bệnh, cả 3 người đều thất nghiệp. Giờ cũng nhờ cách ngày có 2kg gạo cũng có cơm ăn. Trước chưa có nhận được gạo thì nhiều bữa nấu cơm, nhiều bữa nấu cháo.
Tại điểm đặt cây ATM gạo, hàng ngày, nhiều bà con trong khu vực có kinh tế ổn định hơn, đã đóng góp thêm nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác như: rau, trứng, mì gói… Điều này không những phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” mà hơn cả là tình làng nghĩa xóm được thể hiện một cách giản dị nhưng đầy yêu thương. Cô Nguyễn Thị Thanh Hồng, ở số nhà 43/1 khu vực Thạnh Mỹ, hộ buôn bán thịt heo, ủng hộ 10 thùng mì gói cho điểm ATM gạo chia sẻ: "Hồi đó cô nghèo khổ, nuôi mấy đứa con trần ai, gặp mấy người cho từ thiện mừng dữ lắm luôn. Giờ mình có, mình góp chút ít vậy đó. Nếu có tiền, có khả năng, cô sẽ làm thêm nữa, giúp đỡ cho người dân chứ giờ ai cũng khổ".
Ông Đặng Hữu Nhân, Bí thư – Trưởng khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng chia sẻ: Tính đến thời điểm này, cây ATM gạo đã nhận hơn 5,4 tấn gạo hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Gần 2 tuần hoạt động, cây ATM đã cấp khoàng 2,5 tấn gạo cho bà con. Chúng tôi không sử dụng cây ATM bằng điện tự động vì muốn lúc nào bà con cũng được hỗ trợ gạo, kể cả lúc mất điện. Lực lượng hỗ trợ tại đây thường xuyên xịt khuẩn, hướng dẫn người dân đứng đúng vị trí đã vẽ sẵn, nhận gạo xong đi về ngay, luôn thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Ông Đặng Hữu Nhân chia sẻ thêm: "Trong quá trình dịch bệnh kéo dài, bà con càng khó khăn hơn, cho nên mở rộng ra thêm những hộ trọ trên địa bàn, rồi các em sinh viên bị kẹt lại trong quá trình lưu trú học tập ở đây. Sắp tới, không chỉ riêng gạo từ ATM không mà rau củ quả của những mạnh thường quân, chúng tôi cũng hỗ trợ kịp thời cho bà con để các hộ gia đình có bữa ăn đảm bảo sức khỏe hơn; đồng thời, hỗ trợ nước mắm, nước tương cho những khu bị phong tỏa. Chúng tôi kéo dài hoạt động này đến khi thành phố hết giãn cách thì mới ngưng".
Mô hình ATM gạo khởi động lại trên địa bàn Cần Thơ cùng với những hành động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân thời gian qua, đã phần nào làm vơi bớt khó khăn của người dân nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội. Tất cả hoạt động đều hướng đến mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19./.