“Cây mới” đánh thức đất khó Mù Cang Chải

VOV.VN - Những nương đồi cây trái trĩu quả cho thấy sự đổi thay trong phát triển kinh tế ở vùng đất Mù Cang Chải còn nhiều khó khăn này.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã vận động và tạo mọi điều kiện để người dân chuyển đổi đất trồng ngô, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây mới có giá trị kinh tế cao như Hồng giòn không hạt, Lê Tai nung... Các loại cây này đều đã được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu, trồng thử nghiệm trước khi chuyển giao cho bà con nông dân.

Nhìn đồi lê Tai Nung lúc lỉu quả đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình anh Mùa A Tòng ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải ai cũng trầm trồ, xuýt xoa. Cả những cành nhỏ, quả cũng trĩu trịt, căng mọng.

Đồi lê trĩu quả của anh Mùa A Tòng ở xã Púng Luông.

Anh Mùa A Tòng cho biết, đây là giống lê Đài Loan, được gia đình trồng cách đây gần chục năm, ba vụ gần đây đã cho thu hoạch. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, mỗi vụ, anh Tòng thu về khoảng 60 triệu đồng. Việc đưa giống lê này vào đất trồng ngô kém hiệu quả bắt nguồn từ công trình khoa học của một kỹ sư lâm nghiệp nhiều tâm huyết. Do hợp chất đất và khí hậu, nên cây sinh trưởng nhanh, sai quả, đặc biệt là chất lượng quả rất cao. Qua các mùa thu bói, những vụ tới hứa hẹn sẽ bội thu.

Hiện nay, ngoài hơn 5 héc ta lê của nhà anh Tòng, một số hộ dân đã bắt đầu tìm hiểu và trồng loại cây này. Anh Tòng cho biết: "Khí hậu của Mù Cang Chải lạnh, cây lê là cây rụng lá mùa Đông nên rất phù hợp. Sau khi trồng thì năm thứ 3, thứ 4 có quả. Riêng cây lê này thì không có năm nào mất mùa. Trước đây, thì đây là nương ngô, sau mình chuyển đổi trồng cây ăn quả, so vườn lê với nương ngô ngày xưa thì vườn lê gấp 10, 15 lần".

Anh Tòng giới thiệu mô hình trồng lê với lãnh đạo huyện Mù Cang Chải.

Nhiều người dân vùng cao Mù Cang Chải rất tự hào giới thiệu cánh đồng hoa hồng rộng 30 héc ta đang hình thành ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải. Đây chính là cánh đồng hoa lớn nhất tỉnh Yên Bái. Hàng chục hộ của Hợp tác xã hoa Mù Cang Chải đã đưa giống hồng Pháp về trồng sau khi nghiên cứu chất đất và khí hậu. 

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ một vườn hoa cho biết: "Mùa hè ở đây mát, ngày nắng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn, giúp cây hoa hồng cho hoa rất đẹp. Chúng tôi lên đây phát triển vườn hoa và chắc 1-2 tháng nữa là có hiệu quả".

Với việc canh tác tập trung, khoa học, thời gian tới, cây hoa hồng không chỉ nâng cao thu nhập cho các hộ dân, mà còn là cơ sở để phát triển du lịch. Chị Giàng Thị Dở, ở xã Nậm Khắt nói: "Ngoài tiền cho thuê ruộng thì chúng tôi cũng được hợp tác xã trồng hoa nhận vào chăm sóc hoa, vì thế thu nhập cũng nhiều hơn trước. Chúng tôi cũng rất vui khi cánh đồng hoa xuất hiện ở đây thì quê hương cũng đẹp hơn, được nhiều người biết đến hơn".

Những hộ trồng hoa cho biết, khí hậu mát lạnh ở Mù Cang Chải rất hợp với cây hoa hồng.
Một vườn hồng ở xã Nậm Khắt.

Theo ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, việc đưa các cây trồng mới vào đất lúa, đất ngô hiệu quả thấp là một trong những hướng chính trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, hướng tới cuộc sống khá giả cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

"Huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích khoảng 1.200 km2, với ba tiểu vùng khí hậu khác nhau. Căn cứ vào từng tiểu vùng khí hậu, chúng tôi đã tham mưu để thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Song trùng đó, thực hiện chủ trương của tỉnh là tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì chúng tôi đã tham mưu và phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị nghiên cứu, lựa chọn được những cơ cấu cây trồng tương đối phù hợp", ông Lâm cho biết.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giảm được trên 8% hộ nghèo. Với sự xuất hiện của những loại cây mới, cùng với việc “dám nghĩ, dám làm” của đồng bào vùng cao, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, vùng cao 30a này sẽ ngày càng khởi sắc.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên