Chậm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, nguyên nhân do đâu?
VOV.VN - Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP vào chiều 10/7.
“Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong tiến độ thực hiện và hiệu quả triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM”- Thường trực HĐND TP đã thẳng thắn nhìn nhận trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP vào chiều 10/7.
Cầu chờ đường, đường chờ cầu
Báo cáo nhìn nhận việc đề xuất danh mục các dự án trọng điểm cũng như thứ tự ưu tiên triển khai còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Số dự án đề ra nhiều nhưng thực tế khó khả thi.
Một số dự án đã khởi công nhưng tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch, kéo dài nhiều năm, như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (Tân Phú), bờ kè chống sạt lở cầu Xóm Củi (Bình Chánh) không chỉ ảnh hưởng đến giao thông phát sinh ô nhiễm, mà còn tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của TP. Nhiều dự án triển khai quá chậm, đang triển khai phải dừng lại, như dự án cầu Nam Lý (quận 9) khởi công tháng 10/2016 và dự kiến 1,5 năm xong nhưng phải dừng lại 2 năm để chờ mặt bằng làm đường dẫn lên 2 đầu cầu. Sự chờ đợi này dẫn tới tình cảnh cầu chờ đường và đường lại chờ cầu.
Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm. |
Đại biểu Dương Minh Đức cho rằng, phát triển giao thông rất khó khăn, nguyên nhân là vốn đầu tư, mặt bằng thực hiện, nhiều tuyến đường khi mở rộng lại vướng mặt bằng; sự thiếu quyết liệt của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương trong bàn giao mặt bằng, khiến dự án triển khai mức độ nào đó lại phải tạm dừng. Do vậy, TP.HCM cần đánh giá đúng năng lực tài chính, kỹ thuật chuyên môn của các doanh nghiệp nhận thi công.
"Qua giám sát cũng cho thấy có tình trạng đội vốn, sai kỹ thuật phải chỉnh sửa. Cử tri mong muốn trách nhiệm của cơ quan quản lý NN, chính quyền trong trong cam kết với chính quyền TP bàn giao mặt bằng thi có công có bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hay không. Nếu không làm mạnh vấn đề này thì sự quyết liệt của địa phương là không có.", Đại biểu Dương Minh Đức nói.
Công trình nhiều, tính khả thi thấp
Theo đại biểu Phạm Quốc Bảo, cần tách bạch rõ quản lý, nếu không cơ chế chồng chéo lẫn nhau, khó giải quyết. Giải phóng mặt bằng nên chăng có cơ chế giao nhiệm vụ từng kế hoạch năm. Thêm nữa, công bố quy hoạch công khai các công trình giao thông phải có tiến độ rõ ràng để người dân giám sát. Hiệu quả đầu tư đối với công trình giao thông ở đâu cũng cần phân tích kỹ, nếu không sẽ không gắn chất lượng với quản lý, điều hành.
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, vấn đề tồn tại lớn nhất là hiện nay các công trình giao thông trọng điểm đề ra số lượng rất nhiều, nhưng so với tình hình thực hiện, thì tính khả thi rất khó. Nhiều dự án khởi công mới trong khi nhiều dự án triển khai kéo dài chưa được tập trung giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt |
"Thời gian tới, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có giải pháp quyết liệt. Có nguồn lực bao nhiêu nên đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thành công trình nào thì sẽ tiếp tục công trình khác, bởi nguồn lực có giới hạn.", đại biểu Nguyễn Minh Nhựt nói.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho rằng: vấn đề chậm tiến độ giao thông có một phần trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công… nhưng sẽ khắc phục điều này bằng nhiều giải pháp, thông qua các quy trình kiểm tra giám sát. TP.HCM đủ năng lực thực hiện công trình giao thông trọng điểm bình quân từ 1-2 năm, thậm chí còn ngắn hơn thời gian chờ đợi mặt bằng. Ông Phúc cam kết, khi có mặt bằng sạch, sẽ đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Về đền bù, trong 75 dự án mà Ban đang triển khai ở TP.HCM, có 18 dự án không vướng mặt bằng, cam kết hoàn thành 16 dự án vào cuối năm nay. 29 dự án đang vướng 1 phần mặt bằng, vừa làm vừa đợi tiến độ của địa phương. Sau khi làm việc với các địa phương, đã thống nhất lại sẽ có 20 dự án từ nay đến cuối năm bàn giao mặt bằng triển khai, cam kết hoàn thành 12 dự án vào cuối năm nay.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM |
"Hiện nay nút thắt lớn nhất, áp lực lớn nhất là tiến bộ đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đồng hành với địa phương, xem việc giải phóng mặt bằng là trách nhiệm chính trị của người đứng đầu địa phương như chỉ đạo của TP. Ở đâu người lãnh đạo quan tâm thì có mặt bằng rất nhanh.", ông Lương Minh Phúc cho biết.
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành 22 dự án được nhiều người dân quan tâm, như hầm chui An Sương, cầu thép An Phú Đông, đường Trân Văn Giàu, nạo vét luồng Soài Rạp...; nâng tỷ lệ từ 18 dự án có mặt bằng lên 57 dự án. Còn lại 23 dự án sẽ tập trung tháo gỡ trong năm 2021./.