Chậm trễ cứu nạn tàu Vinalines Queen?
Sau hơn 7 giờ tàu Vinalines Queen mất tích, vụ việc mới được báo cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.
- Tạm dừng việc tìm kiếm tàu Vinalines Queen bằng trực thăng
- Thông tin về tàu VINALINES QUEEN bị mất liên lạc trên biển
- Thủy thủ Vinalines mất tích đúng ngày cưới
- Thuỷ thủ sống sót của tàu Vinalines Queen sắp về Việt Nam
- Thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen nói chuyện với người thân
Theo xác định của nhà chức trách, tàu Vinalines Queen mất tích vào lúc 7 giờ ngày 25/12 nhưng đến 14h30 cùng ngày, thông tin này mới được báo tới Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) và các cơ quan liên quan.
Điều này theo một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải là không bình thường. “Đối với một tàu được trang bị hiện đại như Vinalines Queen thì việc mất tín hiệu liên lạc rất cần thiết phải được thông báo ngay tới Việt Nam MRCC, các đài thông tin duyên hải và Bộ GTVT, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn… để có biện pháp hỗ trợ, phối hợp tìm kiếm ngay khi cần thiết” - một chuyên gia cho biết.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Việt Nam MRCC, cho biết ngay khi nhận thông tin từ Vinalines Shipping, trung tâm đã phân tích, so sánh với các vụ tàu chở nickel mất tích ở vùng biển này trước đó. “Vinalines Shipping chỉ đưa ra thông báo là “tàu mất liên lạc”. Khái niệm “mất liên lạc” giống như điện thoại di động tạm thời mất sóng. Nếu chỉ căn cứ vào thông tin này thì Việt Nam MRCC sẽ chỉ đưa ra mức độ tìm kiếm ở mức thông báo đến các tàu, thuyền đang hoạt động” - ông Vũ cho biết.
Tuy nhiên, Việt Nam MRCC đã phân tích và nhận định tàu Vinalines Queen có thể đã gặp nạn nên đã triển khai hành động ở mức cao nhất: Vừa thông báo đến tàu thuyền vừa phối hợp với các nước đưa máy bay ra biển để tìm kiếm ngay từ ngày 25/12. Theo ông Vũ, nếu thực hiện theo đúng quy trình, chờ tới khi xác định chính xác tàu mất tích rồi mới triển khai các biện pháp nêu trên thì tới ngày 30/12 (5 ngày sau khi tàu Vinalines Queen chìm và phát hiện thủy thủ Đậu Ngọc Hùng còn sống), các biện pháp trên mới được triển khai. Trong suốt 5 ngày đó, khi trả lời báo chí, lãnh đạo Vinalines Shipping đều dùng khái niệm “tàu mất liên lạc” và luôn “lạc quan” cho rằng tàu chưa chắc đã chìm.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Các, Phó Giám đốc Vinalines Shipping, cho biết sau gián đoạn liên lạc, công ty phải tìm mọi cách để liên lạc với tàu. Tuy nhiên, sau hơn 7 giờ triển khai các biện pháp vẫn không có kết quả, Vinalines Shipping đã phải gửi thông báo tàu mất liên lạc tới Việt Nam MRCC và các đài duyên hải nhờ can thiệp giúp đỡ. “Chuyện gián đoạn liên lạc hoặc do một vấn đề gì đó mà mất liên lạc tạm thời là chuyện dễ gặp đối với tàu biển.
Chúng tôi khi đó chỉ có thể gửi thông báo tàu gián đoạn, mất liên lạc chứ không thể nói là tàu mất tích được”- ông Các phân trần. Trong khi đó, thông báo cuối cùng của tàu gửi về cho biết thời tiết trên biển đang rất xấu, gió giật cấp 8-9, tàu đang bị nghiêng 18-20 độ mà không rõ nguyên nhân. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện đã phải xin phép cho tàu chạy về khu vực lãnh hải Indonesia để tránh nạn nhưng vẫn không tránh được tai họa khủng khiếp.
Đến cuộc họp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Việt Nam MRCC đưa ra đề nghị Vinalines Shipping tiếp tục thuê máy bay và tàu biển để tìm kiếm các thuyền viên. Tuy nhiên, theo phản ánh của người nhà các thuyền viên, việc chỉ thuê máy bay tìm kiếm là không hợp lý bởi sau 3 ngày vẫn không phát hiện anh Đậu Ngọc Hùng. Phải nhờ có một chiếc tàu của Anh cứu vớt, anh Hùng mới thoát nạn. Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí tối 2/1, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Vinalines Shipping, cho biết Cơ quan Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Japan Coast Guard) đã thông báo không có tàu cho thuê. Điều này khiến công ty phải triển khai kế hoạch thuê tàu của Philippines./.