Chàng trai xóm núi làm giàu với mô hình gà đồi sinh học
Sinh ra trong một gia đình thuần nông khó khăn ở tỉnh Quảng Bình, từ nhỏ Nguyễn Văn Nhị (thôn 5, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Trạch) không được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi học xong lớp 9, Nhị vào Nam làm thuê, công việc chủ yếu là trồng tiêu và nuôi gà, kiếm tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Trong một dịp đặc biệt, Nhị được người quen mời cơm ở một nhà hàng chuyên gà ri hữu cơ. Chàng trai xóm núi tò mò và có ý định tìm hiểu về giống gà này. “Tôi đã được giới thiệu tới gặp ông chủ chuyên phân phối nguồn thực phẩm này, họ cho biết giá gà ri hữu cơ cao gấp 3 lần giá gà công nghiệp thông thường. Vì thế, tôi bắt đầu nung nấu ý định nuôi gà này ở quê”, Nhị chia sẻ.
Trong thời gian làm thuê, ban ngày Nhị đi làm, tối đến tranh thủ tự đọc tài liệu, tích lũy kinh nghiệm, cuối tuần tìm tới các trang trại gà hữu cơ xem cách dựng chuồng nuôi, rèm che và cách khử trùng. Năm 2010, Nhị ra Hà Nội tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về vi sinh vật tại trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Với số vốn dành dụm được, cộng với quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong chăn nuôi, anh quyết định về quê phát triển kinh tế trang trại. “Năm 2012, tôi về quê, triển khai mô hình nuôi gà đồi với quy mô nhỏ, tổng đàn gia cầm khoảng từ 500-1000 con. Bản thân vừa làm, vừa tìm hiểu thị trường với ấp ủ mở rộng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường”, Nguyễn Văn Nhị chia sẻ. Thời điểm đó “Quảng Bình chưa có một trang trại nào nuôi gà đồi sinh học, trong khi ở quê có nhiều tiềm năng để phát triển. Điều này càng thúc giục tôi quyết chí, bắt tay nuôi thử nghiệm gà đồi sinh học trên mảnh đất quê hương” anh Nhị cho biết thêm.
Nhận thấy tình hình kinh doanh đã ổn định, đảm bảo tuân thủ đúng các quy trình trong chăn nuôi, năm 2018, chàng trai 9X này đứng ra thành lập Công ty THHH Phát triển Nông nghiệp Nhị Nguyễn. Chuyên nuôi 2 giống gà hiếm trên thị trường: ri rừng và ri bản địa, có chất lượng thịt ngon.
Đầu năm 2018, Nhị nhập khoảng 2000 con gà ở Viện Chăn nuôi chia làm 2 đợt và thả trên diện tích 1ha đất thuê gần nhà. Thức ăn dành cho gà chủ yếu là loại phối trộn từ ngô, thóc, mầm lúa mạch và đạm cá. Khoảng thời gian này, gà khỏe mạnh lên cân đều, mỗi lứa thu về 50 triệu đồng. Tuy nhiên khi bước sang lứa tiếp theo, gần một nghìn con gà bỗng đổ bệnh.
Gà chết, Nhị loay hoay đi tìm câu trả lời. Cũng từ đây, chàng trai trẻ “chạm” tới khái niệm mới về thức ăn sinh học hữu cơ kết hợp công nghệ vi sinh có khả năng kháng bệnh và giúp gà hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp đa dạng tại địa phương như cám, ngô, đậu tương, bột cá… chưa được sử dụng hiệu quả trong chăn nuôi. Qua quá trình tìm tòi nghiên cứu ở sách báo, internet, Nhị đã tự đúc rút cho bản thân một chu trình nuôi gà đồi sinh học riêng. Năm 2020, anh đã thành công trong việc sản xuất thức ăn hữu cơ sinh học NN01. Thành phần chủ yếu là chế phẩm sinh học, phụ phẩm nông nghiệp, kháng sinh hữu cơ, nước và thuốc bổ. Sản phẩm này có giá thành rẻ hơn cám nhập khẩu. Hiện nguồn thức ăn này đang được sử dụng cho 4 vạn con gà.
Thành công bước đầu khiến Nhị tự tin hơn và mở rộng các mô hình liên kết nuôi, tiêu thụ gà đồi sinh học. Theo đó, Nhị sẽ đứng ra làm việc với từng địa phương, từng hộ dân, từng trang trại, nhận thấy điều kiện hợp lý sẽ xây dựng chuồng trại theo đúng quy trình kỹ thuật và cung cấp con giống, thức ăn sinh học, chế phẩm vi sinh. Sau quá trình chăn nuôi, khoảng 7 tháng, công ty sẽ thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm của trang trại đã liên kết.
Sau hơn 2 năm thành lập, công ty Nhị Nguyễn đã liên kết và bao tiêu gà đồi sinh học trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Tổng quy mô gần 40 trang trại với khoảng 4 vạn con. Trong đó có 3 vạn gà ri bản địa và gần 1 vạn gà ri rừng. Với giống gà ri rừng, công ty đang cho thử nghiệm ở 4-5 trang trại. Trong thời gian tới, Nhị sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển chuyên sâu về giống gà ri rừng này.
Với hệ thống trại nuôi quy mô và bài bản, mỗi tháng gà đồi sinh học Nhị Nguyễn cung ứng ra thị trường sản lượng 4-5 tấn thịt cho các tỉnh, thành phố từ Thủ đô Hà Nội đến thành phố Đà Nẵng. Doanh thu đạt từ 6-7 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, công ty của anh đã giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ với 300.000 đồng/ngày công.
Là một người trẻ lập nghiệp tại quê nhà, Nhị cho biết: “Đa số người trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp sẽ rất khó tìm được sự đồng thuận của gia đình, bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Khi bước vào chăn nuôi, tôi vấp phải sự ngăn cấm của người thân. Bởi mọi người lo lắng không biết mình có làm được không mà số tiền đầu tư lại quá lớn. Tuy nhiên sau khi kiên định ý kiến cá nhân cùng với việc xây dựng hệ thống rõ ràng, triển khai 1-2 mô hình liên kết đi vào hoạt động hiệu quả, dần dần tôi cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình”.
Mặc dù địa bàn huyện Quảng Trạch thuận lợi cho việc chăn nuôi gà đồi nhưng đây cũng là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Kể về trận lũ lịch sử vừa qua, Nhị cho biết: “Địa điểm mà công ty lựa chọn liên kết là vùng đồi cao, do lũ lớn ngoài dự đoán nên có hơn 1 vạn con gà bị xóa sổ, thiệt hại gần 2 tỷ đồng”. Không những thế, nguồn giống gà mà trang trại lựa chọn là loại gia cầm quý hiếm vì thế cũng khó khăn khi nhân đàn trở lại.
Với những kết quả đạt được, Nguyễn Văn Nhị trở thành thanh niên tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, bởi những thành tích trong phát triển kinh tế và đóng góp có ích cho cộng đồng, xã hội./.