Chạnh lòng trước những mảnh đời ở “xóm chạy thận” ngày giáp Tết

VOV.VN - Suốt hàng chục năm qua, những mảnh đời tại “xóm chạy thận” vẫn cứ vật lộn với bệnh tật, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm sống qua ngày.

Khi trên các tuyến đường, con phố chính của Hà Nội cờ hoa rực rỡ chuẩn bị đón năm mới thì ở một con ngõ nhỏ vẫn vắng vẻ, hun hút, chỉ thấy những bức tường xiêu vẹo che chắn tạm bợ cho hàng trăm người chống chọi với bệnh tật.

Con ngõ 121 Lê Thanh Nghị chính là nơi ở của những bệnh nhân đang từng ngày chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai.

Con ngõ 121 Lê Thanh Nghị với những mái nhà xiêu vẹo, che chắn tạm bợ.

Tôi ghé thăm xóm trọ này đúng vào dịp bệnh nhân ở đây được tặng quà Tết. Hai hàng người xếp dài hai bên ngõ nhỏ, ngồi sát nhau để giữ ấm, chờ đến lượt nhận quà.

Anh Tuấn, người được coi là trưởng xóm cũng chính là một bệnh nhân chạy thận hơn chục năm nay cho biết: "Xóm chạy thận” hiện tại có 121 người nhưng hôm nay có một số bệnh nhân không có mặt đầy đủ để nhận quà vì phải đi chạy thận ca 1 ca 2, người thì ốm không ra được.

Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống.

Anh Trần Công Quỳnh, phải chạy thận vào mùng 1 Tết nên không thể về sum họp cùng gia đình.

Ngồi yên lặng phía ngoài, anh Trần Công Quỳnh (41 tuổi, quê ở Bắc Giang) đã 12 năm gắn liền với việc chạy thận ở Bạch Mai. Từng là một thợ hàn, cuộc sống của anh Quỳnh cứ trôi qua yên ả. Thế nhưng, cuộc đời anh “rẽ lối” từ khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.

Anh Quỳnh chia sẻ: “Vất vả lắm em ạ! Nhưng giờ còn khỏe thì còn làm được để kiếm chút tiền mưu sinh. Hai vợ chồng mỗi ngày kiếm được vài chục, chữa bệnh với tích cóp dần để sau này con cái đỡ khổ".

Anh Quỳnh xúc động khi nhắc đến người vợ của mình, một người phụ nữ can đảm nhất.
Nhắc đến vợ, anh Quỳnh vừa xoa xoa bàn tay, đôi mắt hoen đỏ, nước mắt trực chờ trào ra.

Anh nói, vợ anh chính là người phụ nữ can đảm nhất. Gia đình chị ấy cũng có bố và 2 người anh trai phải lọc thận. Anh quen chị Nguyệt (tên vợ anh) khi chị vào viện chăm bố. Cái duyên cái nợ đưa hai người đến với nhau rồi về sống cùng nhau.

Cũng nhiều năm không được đón Tết ở nhà mà phải chịu cảnh một mình nơi xóm trọ, người đàn ông với gương mặt già hơn tuổi, nhăn đôi mày mà nói: “Tết năm nay, giao thừa và ngày mùng 1 tôi không về được nhà do phải chạy thận. Bản thân cảm thấy buồn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bị bệnh thì phải chấp nhận, tự mình an ủi lấy mình. Tôi cũng muốn về quê nhưng không bỏ được việc chạy thận, chứ không ai muốn ở đây giờ này”.

Cô Hòa vui hơn khi nhận được những món quà tình nghĩa từ những nhà hảo tâm.
Mặc dù, cuộc sống ở xóm trọ này luôn đầy những khó khăn, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nhưng nhiều người khi sống trong xóm trọ này vẫn lạc quan.
Cô Hòa, quê Bắc Giang cũng hơn chục năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Căn phòng nhỏ lợp mái xi măng nhiều khoảng bong tróc, diện tích khoảng 7-8 m2 cũng chứa đủ cho 2 phận người cùng cảnh ngộ.
Cô Hòa cho biết, mỗi tháng, chi phí ăn, ở cũng như thuốc chữa bệnh cũng lên đến 4-5 triệu nên cô cũng cố gắng bán nước, kiếm thêm.
Chiếc bánh chưng được treo cẩn thận để chờ ngày gửi về quê.

Trên khuôn mặt người phụ nữ hiện rõ nét khắc khổ, đôi mắt nhăn nheo vì bệnh tật, cũng một phần vì lo lắng cho cuộc sống mưu sinh.

Cô Hòa cho biết, nhiều năm rồi, cô không được đón giao thừa cùng gia đình nhưng sống ở xóm trọ mãi rồi cũng quen. 3 đứa con đi làm ăn cũng ít khi lên thăm nên nhiều khi thấy cô đơn.

Năm nay có lẽ may mắn hơn, ngày 30 cô sẽ về quê ăn Tết cùng gia đình rồi mùng 2 lên sớm để chạy thận. “Giờ này là cận Tết rồi, người ta đổ xô mua sắm còn không biết ở nhà mình, Tết đã đến đâu?”, cô Hòa vừa nói, vừa nhìn xa xoa xoa đôi bàn tay cho ấm.

Ở cái xóm trọ này, đa số các bệnh nhân được nhà nước hỗ trợ, rồi các mạnh thường quân cứu giúp, song nhiều người vẫn kiệt quệ, không duy trì được việc chạy chữa.

Họ làm đủ thứ nghề từ đánh giày, rửa bát thuê, xe ôm, bốc vác, bán trà đá... để có thêm tiền trang trải chi phí hàng ngày. 

Hàng người xếp hàng co ro trong gió lạnh.

Trong “xóm chạy thận”, người già có, người trẻ cũng không ít. Có những chàng trai, cô gái mới ở cái tuổi đôi mươi đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Tôi chợt nhìn thấy ánh mắt của một chàng trai trẻ, dù đeo kính nhưng vẫn hiện rõ nỗi buồn.

Có lẽ, đó là ánh mắt của sự bất lực. Bởi ở cái tuổi con người ta cố gắng để làm việc theo đuổi ước mơ thì họ phải đang gồng mình với những lần chạy thận đau đớn. Nhìn đôi bàn tay gầy gò, tĩnh mạch nổi lên ở những con người ấy khiến không ít người cay sống mũi.

Bà Chu Thị Dần đã 11 năm sống tại "xóm chạy thận".

Cũng tại đây, nhiều gia đình chồng bị bệnh vợ lên chăm sóc, bà ốm ông lên sống cùng hay mẹ bị bệnh, con lên vừa học vừa làm. Bà Chu Thị Dần, quê ở Thái Bình cũng trải qua 11 năm chống chọi với căn bệnh này. Gia đình chỉ có 2 mẹ con nên họ chỉ biết nương tựa vào nhau để sống.

Từ hồi cô con gái lên Hà Nội học, hai mẹ con mới được gần nhau. Năm nay, phải chạy thận ngày 30 Tết nên bà Dần lo lắng không biết có kịp chuyến xe cuối về quê hay không?

Những bệnh nhân sống tại đây coi nhau như những người ruột thịt, sẻ chia từng miếng cơm, tấm áo.

Đối với những người sống tại “xóm chạy thận”, thuốc chính là cơm ăn hàng ngày, là vật bất ly thân. Mặc dù, mỗi người có xuất thân khác nhau, đến từ nhiều vùng miền nhưng họ sống với nhau như những con người ruột thịt, sẻ chia từng miếng cơm, tấm áo.

Có lẽ, Tết này những người không được về sum họp cùng gia đình thì cũng sẽ bớt chạnh lòng bởi xung quanh họ còn có những số phận khác, cùng sống, bao bọc lẫn nhau và động viên nhau trong quãng thời gian khó khăn của cuộc đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Linh hồn sống” của xóm ngụ cư trên bãi giữa sông Hồng
"Linh hồn sống” của xóm ngụ cư trên bãi giữa sông Hồng

VOV.VN - Không chỉ giúp người dân có kế sinh nhai, ông Được “đen” còn góp phần mang “con chữ” đến với những đứa trẻ tại xóm Phao, khu bãi giữa sông Hồng.

"Linh hồn sống” của xóm ngụ cư trên bãi giữa sông Hồng

"Linh hồn sống” của xóm ngụ cư trên bãi giữa sông Hồng

VOV.VN - Không chỉ giúp người dân có kế sinh nhai, ông Được “đen” còn góp phần mang “con chữ” đến với những đứa trẻ tại xóm Phao, khu bãi giữa sông Hồng.

Tết sớm cho bệnh nhân nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh
Tết sớm cho bệnh nhân nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh

VOV.VN -  Các phiên chợ xuân, những món quà tết của chính các bệnh viện và mạnh thường quân mang tết đến sớm cho những bệnh nhân nghèo.

Tết sớm cho bệnh nhân nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tết sớm cho bệnh nhân nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh

VOV.VN -  Các phiên chợ xuân, những món quà tết của chính các bệnh viện và mạnh thường quân mang tết đến sớm cho những bệnh nhân nghèo.