Chấp nhận đau đớn để được sống thật: Không dễ với người chuyển giới
VOV.VN - “Khi trở về Việt Nam, dù không được pháp luật công nhận, chúng ta cũng không thể bắt người chuyển giới quay trở về hình hài cũ”.
Bài 1: Hành trình đau đớn để được “sống thật” của những người chuyển giới
Không thể bắt người chuyển giới quay về hình hài cũ
Tại hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức gần đây, TS. Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng: Một trong những khó khăn mà cộng đồng người chuyển giới tại nước ta đang đối mặt đó là “bề ngoài” không khớp với giới tính ghi trong giấy tờ tùy thân. Không được thừa nhận về pháp lý, người chuyển giới còn thiếu những dịch vụ chăm sóc y tế.
Họ không dám đi khám tại các cơ sở y tế vì sợ bị kỳ thị nên thường tự dùng hoóc môn, phẫu thuật cấy ghép chui và chịu hậu quả không tốt cho sức khỏe, thậm chí đã có trường hợp tử vong do tự tiêm hoóc môn quá liều.
|
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng, nên thừa nhận cho người chuyển giới tại Việt Nam, bởi trên thực tế dù luật pháp đang cấm nhưng vẫn có nhiều người ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới, sau đó quay về nước sinh sống. Điều này không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu, mà đáng ngại nhất, những người này phần lớn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui”, tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang: “Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, khi một người chấp nhận chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hoóc môn hàng ngày thì họ đã tự tước đi 20 năm được sống. Chưa kể họ sẽ không được thỏa mãn về tình dục, không thể có con khi quan hệ thông thường. Tất cả những thiệt thòi đó tác động trực tiếp đến cá nhân người chuyển giới, nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình. Tôi cho rằng họ có quyền được sống thật với giới tính của mình. Khi trở về Việt Nam, dù không được pháp luật công nhận, chúng ta cũng không thể bắt họ quay trở về hình hài cũ. Tôi cho rằng phải nhìn vào quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ để pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số tường hợp đặc biệt”.
Trình bày về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/5, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, cơ quan soạn thảo ghi nhận quyền xác định lại giới tính của công dân. Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, về vấn đề chuyển đổi giới tính, Khoản 3 Điều 36 dự thảo luật nêu 2 phương án quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật” và “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính” để Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích: “Chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng. Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính, khi về nước không được cải chính hộ tịch và do đó gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan”.
Người chuyển giới đối mặt với rủi ro sức khỏe, tính mạng
Mặc dù không là đối tượng trực tiếp được đề cập đến trong Bộ luật Dân sự 2005 hiện hành, nhưng quyền của người chuyển giới vẫn được gián tiếp ghi nhận/không ghi nhận bởi các quy định: Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên: Cho phép “thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính” (điểm e) hoặc “theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó” (điểm a).
Điều 36. Quyền xác định lại giới tính: Cho phép “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”.
Quy định này dẫn đến việc Nghị định số 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết về xác định lại giới tính như sau: Điều 4. Hành vi bị nghiêm cấm: Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Hệ quả là, người chuyển giới đã thực hiện phẫu thuật sẽ không được cấp chứng nhận y tế sau khi can thiệp y tế xác định lại giới tính và dẫn tới việc không có căn cứ để đăng ký lại hộ tịch cho người đã chuyển đổi giới tính.
Ông Lương Thế Huy, Cán bộ pháp lý Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cho biết, tại Nghị định 88 cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính có bộ phận sinh dục xác định rõ là nam hay nữ. Trong khi người chuyển giới không có sự khiếm khuyết về bộ phận sinh dục, không phải là người liên giới.
Chính vì quy định này khiến họ không thể phẫu thuật trong nước, mà phải ra nước ngoài để thực hiện. Theo ông Lương Thế Huy, đã đến lúc xã hội và Nhà nước phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới cả trên phương diện pháp lý và đời sống thực tế.
Do việc chuyển giới bị nghiêm cấm nên người chuyển giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, tính mạng, và bất bình đẳng trong giao dịch dân sự. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam (ICS) và iSEE, 53,3% người chuyển giới tham gia nghiên cứu tự mua hoóc môn ở Việt Nam, 30% thực hiện phẫu thuật ở nước ngoài, 33% phẫu thuật một phần ở Việt Nam, một phần ở nước ngoài, hoặc hoàn toàn ở Việt Nam.
Do không được tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan nên người chuyển giới đang tự chịu nhiều rủi ro về tài chính, sức khỏe, thậm chí tính mạng. Người chuyển giới cũng gặp phải khó khăn trong các giao dịch dân sự như đi lại, ngân hàng, sở hữu tài sản do có thể hiện giới khác với giới tính sinh học và tên gọi của mình./.
Phóng viên VOV.VN sẽ trở lại vấn đề này trong bài tiếp theo.