Chặt cây xanh, lấn sông Đồng Nai: Nhà khoa học tích cực phản biện
VOV.VN -VUSTA đã tổ chức các nhà khoa học ở các ngành khác nhau cùng tham gia thực hiện, phản biện các vấn đề lớn của đất nước.
Chiều 15/4, tại buổi họp báo Công bố Dự thảo văn kiện, triển khai công tác tuyên truyền chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) lần thứ VII, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự vào cuộc của các nhà khoa học với những vấn đề “nóng” của xã hội trong thời gian qua như lấn sông Đồng Nai, chặt cây xanh ở Hà Nội, bauxit Tây Nguyên, hay chuyện “nông dân để trâu ăn dưa hấu” ở miền Trung…, TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết: Các đề tài, đối với đề án mang tính chất chuyên ngành, VUSTA đã tổ chức các nhà khoa học ở các ngành khác nhau cùng tham gia thực hiện, cũng như phản biện.
“Ví dụ như Đề án Quy hoạch thủ đô, đây là chương trình rất lớn và nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của nhiều nhà khoa học. Liên hiệp hội không những mời các nhà kiến trúc, xây dựng mà còn cả các nhà lịch sử, văn hóa để xây dựng Quy hoạch thủ đô trong thời gian tới làm sao vừa hiện đại, vừa mang tính kế thừa. Điều này được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp nhận ý kiến của các nhà khoa học” – TS. Phan Tùng Mậu nói.
TS. Phan Tùng Mậu cho biết thêm, đối với thủy điện sông Tranh, các nhà khoa học không những tham gia xây dựng và phản biện ở vấn đề thủy điện, thủy lợi mà có rất nhiều vấn đề liên quan. Đối với việc Hà Nội chặt cây xanh hay lấn sông Đồng Nai, đây là những vấn đề chuyên ngành. Theo đó, thời gian qua, Hội Thiên nhiên môi trường đã tham gia và phản biện.
Liên hiệp hội đã có ý kiến trực tiếp với UBND TP Hà Nội; Liên hiệp các hội khoa học TP HCM, Đồng Nai cũng đã có những tư vấn, phản biện trực tiếp với cơ quan chức năng ở phạm vi, mức độ của mình và nhiều ý kiến đã được ghi nhận tích cực.
Theo lãnh đạo VUSTA, tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức hoạt động trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, VUSTA đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật; tạo điều kiện để trí thức tham gia đóng góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng.
Từ năm 2010 đến nay, VUSTA ở Trung ương và địa phương mỗi năm phát triển hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước, cấp Bộ ngành đến cấp tỉnh, thành phố. Hướng nghiên cứu được phối hợp với các doanh nghiệp, thu hút đông đảo trí thức tham gia.
Với chủ đề “Đoàn kết – Đổi mới – Trí tuệ - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc VUSTA lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 2 và 3/6 tới. Trong nhiệm kỳ tới, VUSTA sẽ tiếp tục phát huy vai trò, vị trí là tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh từ Trung ương đến địa phương./.