Chất vấn tại HĐND tỉnh Lâm Đồng: "Nóng" nạn phá rừng
VOV.VN -Cùng với phá rừng, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng cũng diễn ra nóng bỏng, với tổng diện tích bị lấn chiếm lên đến hơn 150ha.
Ngày 13/12, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX đã diễn ra sôi nổi với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, những vấn đề về công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các đại biểu HĐND đặc biệt quan tâm.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX. |
Trong 10 tháng qua, tỉnh Lâm Đồng để xảy ra 742 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị tàn phá hơn 53 ha, thiệt hại lâm sản 3.000m3. Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ vi phạm giảm 15% và diện tích rừng bị thiệt hại giảm 25% song nạn phá rừng vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với phá rừng, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng diễn ra nóng bỏng, với tổng diện tích bị lấn chiếm lên đến hơn 150ha.
Trả lời chất vấn của các địa biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do thủ đoạn của các đối tượng phá rừng đã ngày càng tinh vi.
Nạm phá rừng ở Lâm Đồng ngày càng phức tạp và tinh vi. |
“Tại sao đánh giá là phức tạp và sẽ còn phức tạp? Bởi vì các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Các vụ việc vi phạm đều tập trung, vụ nổi cộm tăng lên, vụ việc lặt vặt thì giảm đi" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Cũng theo vị Giám đốc Sở, sau khi phát hiện các vụ việc, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai kiểm điểm trách nhiệm và quyết không bao che cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả lực lượng chủ rừng, kể cả cán bộ cấp dưới.
"Trong năm 2018 thì chúng tôi đẽ xử lý kỷ luật 4 tập thể và 36 cá nhân, trong đó có 30 cá nhân thuộc lực lượng kiểm lâm và có 3 người là lãnh đạo địa phương”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, đối với những diện tích rừng đã tàn phá thuộc trách nhiệm quản lý của các chủ rừng và doanh nghiệp triển khai dự án trong các năm qua, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị này đền bù thiệt hại tài nguyên rừng theo quy định, với số tiền khoảng 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc truy thu tiền bồi thường cũng gặp rất nhiều khó khăn, hiện chỉ mới thu được khoảng 10%.
Bên cạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, y tế, du lịch… cũng được kỳ họp đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn.
Kết thúc phiên chất vấn, ông Trần Đức Quận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm và chấn chỉnh các nội dung mà cử tri và các đại biểu HĐND quan tâm.
“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri cũng như các ý kiến của các đại biểu theo hướng phân công rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc và cụ thể tiến độ thực hiện”, ông Trần Đức Quận nhấn mạnh./.
Lâm Đồng: Ngang nhiên phá rừng lấn chiếm đất công khai gần UBND xã
Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị
Cận cảnh việc phá rừng cạnh đồn công an tại Đắk Nông