Bộ trưởng Y tế: "Cùng một chính sách nhưng có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc"

VOV.VN - Sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình trước Quốc hội, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Ngành y tế bộc lộ nhiều hạn chế sau đại dịch

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế tại Việt Nam, cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới đã đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế… Bà Lan cho rằng, đây có thể nói là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế diễn ra trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhiều cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chia sẻ, động viên của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Đội ngũ nhân viên ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp, làm việc tập trung cao nhất để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành trước mắt và xác định những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao; ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành. 

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, tồn đọng của ngành như nội dung đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội lần này. 

4 nội dung giải trình

Trước những nội dung được các ĐBQH quan tâm thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về tình hình này. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Italy, Hoa Kỳ... Đặc biệt là thiếu các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc, sinh phẩm chế biến từ huyết tương trong máu người…

Ngày 24/10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã đã họp bàn và ra thông báo về vấn đề tăng cường các hành động nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc trầm trọng và tăng cường an ninh nguồn cung. Vấn đề này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó, có những nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu. Vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa các quốc gia làm tăng cao, chi phí đầu vào của ngành sản xuất dược phẩm, giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu động lực, khuyến khích các nhà sản xuất các loại thuốc mang lại ích lợi nhuận hơn.

Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay việc thực hiện ở cả 3 cấp. Tại Trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng từ 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như đã nêu trên còn các nguyên nhân chủ quan, như do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập. Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời hiệu quả, đặc biệt là có tâm e ngại sợ sai một số cá nhân, đơn vị và địa phương. Trong thời gian qua, Bộ Y tế, các Bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc liên quan tới cơ chế mua sắm đấu thầu, thuốc, vật tư y tế.

Thứ hai, về cơ chế, chính sách, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tạo hành lang pháp lý, đặc biệt là các Nghị quyết 80, Nghị quyết 99 của Quốc hội; Nghị quyết 30, Nghị định 07, Nghị định 75 của Chính phủ; các Thông tư của các Bộ ngành, trong đó có Thông tư 14 của Bộ Y tế.

Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định này.

Thứ ba, về đảm bảo nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, Bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là khoảng trên 22.000 thuốc và trên 1.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực, đã tạo điều kiện cho thị trường đảm bảo cung ứng cho các cơ sở y tế. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn thu, đặc biệt đối với thuốc hiếm; Đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thực hiện việc phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc Bộ; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu, phối hợp cùng các địa phương, các cơ sở tế rà soát các vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

"Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023, có 61,41 % đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59 % đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ. Có những đơn vị trước đây khó khăn nhưng hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay, đã thực hiện được 35 gói thầu vật tư, hóa chất, máy móc", Bộ trưởng Bộ Y tế nói. 

Đối với các bệnh hiếm gặp, Bộ cũng đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm.

Đối với tình trạng thiếu máu tại Cần Thơ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, báo chí và đại biểu Quốc hội phản ánh gần đây. Trong báo cáo thời gian vừa qua, đặc biệt từ tháng 6/2003, Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ thông báo khó khăn trong việc cung cấp máu chế phẩm máu cho các bệnh viện trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã có 5 văn bản chỉ đạo và đã giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam. Đến nay, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học truyền máu TP. Cần Thơ, đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực ĐBSCL gần 65.000 đơn vị máu và Bộ cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Hội chữ thập đỏ để huy động máu đáp ứng cho các địa phương trong vùng. Qua đây, ngành y tế cũng trân trọng gửi lời cảm ơn tới đội ngũ hiến máu tình nguyện của cả nước đã giúp đỡ ngành y tế trong thời gian vừa qua. 

Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2023, Cần Thơ tiếp tục báo cáo tình trạng thiếu máu, với nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương. 

Bộ Y tế cam kết sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, Bộ đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, Sở Y tế thực hiện việc mua sắm đấu thầu cho người dân đảm bảo đúng quy định.

"Rõ ràng, có cùng một chính sách có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc. Rất mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm chủ động, từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực, thực hiện các vấn đề phối hợp đảm bảo nhịp nhàng", bà Lan nhấn mạnh. 

Đối với tiêm chủng mở rộng, thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội và Nghị quyết 98 của Chính phủ, từ 5/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định bổ sung dự toán ngân sách năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ đã tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, 10 loại vaccine sản xuất trong nước đã được đặt hàng theo quy định. Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp để thẩm duyệt, phê duyệt giá và dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023. Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ đã thực hiện xong quy trình đấu thầu và đang chờ kết quả để triển khai thực hiện trong tháng 11/2023.

Trong thời gian chờ mua sắm vaccine theo quy định của Nhà nước, Bộ Y tế đã vận động các nhà tài trợ trong nước và WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) để hỗ trợ gần 30.000 liều vaccine 5 trong 1 cho 63 địa phương để thực hiện tiêm chủng. Hiện nay, đang tích cực phối hợp với các tổ chức để bổ sung nguồn vaccine này.

Về danh mục thuốc BHYT, từ năm 2014 đến nay, Bộ đã 5 lần cập nhật danh mục thuốc BHYT. Việc rà soát danh mục hiện hành để loại thuốc có hiệu quả thấp, có cảnh báo an toàn; rà soát các chẩn đoán, điều trị xác định hiệu quả điều trị thuốc mới so với thuốc tương tự đã có trong danh mục thuốc; đồng thời đánh giá khả năng cân đối Quỹ BHYT. Không phải cứ thuốc mới nào được phát minh đều được nghiễm nhiên đưa vào danh mục thuốc BHYT.

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng BHYT với hơn 1.000 hoạt chất. Danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được đi dạo dưới tên hoạt chất thành phẩm, không ghi hàm lượng dạng bào và tên thương mại nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở y tế không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc rẻ hay đắt, thuốc nội hay ngoại mà căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ BHYT, cơ sở xây dựng danh mục, để lựa chọn cho phù hợp.

Đối với Nhật Bản hay Pháp, các danh mục này thuốc này được ghi dưới dạng tên thương mại, vì vậy, cần phải cập nhật thường xuyên. 

Thứ tư, liên quan đến dự án cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có thành lập tổ công tác rà soát khó khăn, với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Đến nay, tổ đã có 3 báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đề xuất các phương án để cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025. Rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và pháp luật liên quan. Đồng thời, đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án, sớm được dự án vào phục vụ nhân dân. Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định, để sớm đưa các dự án này vào triển khai.

Với các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực đầu tư y tế, quan tâm đến chế độ chính sách cho nhân viên y tế, nguồn lực y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu và sẽ tiếp tục tích cực tham mưu, phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám chữa bệnh BHYT
Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám chữa bệnh BHYT

VOV.VN - Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân.

Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám chữa bệnh BHYT

Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám chữa bệnh BHYT

VOV.VN - Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân.

Thiếu thuốc do chậm có kết quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá?
Thiếu thuốc do chậm có kết quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá?

VOV.VN - Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã thông tin với báo chí trước câu hỏi: Các cơ sở y tế trên toàn quốc hiện nay thiếu thuốc một phần do nguyên nhân chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá?

Thiếu thuốc do chậm có kết quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá?

Thiếu thuốc do chậm có kết quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá?

VOV.VN - Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã thông tin với báo chí trước câu hỏi: Các cơ sở y tế trên toàn quốc hiện nay thiếu thuốc một phần do nguyên nhân chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá?

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài: Trách nhiệm thuộc về ai?

VOV.VN - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, cần phải tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ bằng được tình trạng này. Tuyệt đối không để cho nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi khám chữa bệnh.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài: Trách nhiệm thuộc về ai?

VOV.VN - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, cần phải tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ bằng được tình trạng này. Tuyệt đối không để cho nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi khám chữa bệnh.