Chia sẻ yêu thương giúp người khuyết tật đi qua đại dịch
VOV.VN - Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do đại dịch của Nhà nước và sự sẻ chia của cộng đồng đã tiếp sức cho họ vượt qua giai đoạn này.
Cuộc sống của người khuyết tật vốn đã khó nay càng khó hơn khi đại dịch Covid- 19 kéo dài, nhiều người mất việc làm, nguồn thu nhập bấp bênh cũng không còn. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do đại dịch của Nhà nước và sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng đã tiếp sức cho họ vượt qua giai đoạn gian khó này.
Ở cái tuổi ngoài 70, cụt cả 2 chân mà ông Phạm Sáu ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu phải bươn chải kiếm sống qua ngày. Mấy ngày nay quanh quẩn trong ngôi nhà vách tôn lụp xụp chưa tới 30 m2, lòng ông như lửa đốt. Ông Sáu trải lòng, vợ chồng ông có 5 người con mà 2 đứa đã bị tật nguyền. Con trai đầu 40 tuổi mắc bệnh tâm thần, còn cậu út 32 tuổi thì bị mù lòa, đau ốm liên miên. 3 người con còn lại đã lập gia đình cũng chẳng giúp được vợ chồng ông.
Hiện, vợ chồng ông cùng 2 người con tật nguyền ở trong căn nhà chật chội sống nhờ tiền bán vé số dạo của ông và tiền bán ve chai hàng ngày của vợ nên cứ thiếu trước hụt sau. Từ ngày thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội đến nay, nguồn thu nhập ít ỏi ấy cũng không còn. Ông Sáu mong chờ gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ sớm đến tay những người già, khuyết tật như vợ chồng ông: "Làm danh sách đưa lên, giờ gia đình cũng đang trông chờ. Cũng mong Nhà nước hỗ trợ gia đình khó khăn, có tới 3 người khuyết tật".
Anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội khuyết tật thành phố Đà Nẵng và cũng là ông chủ Công ty in ấn quảng cáo cho biết, hơn nửa tháng nay, Công ty không nhận được đơn đặt hàng nào. Cả 8 nhân viên, trong đó có 6 người khuyết tật như anh rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Anh Nghiêm lo lắng, cuộc sống của người khuyết tật vốn đã khó khăn nay càng khó hơn: "Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cũng thường xuyên hỗ trợ có đơn đặt hàng để anh em có công ăn việc làm ổn định. Bình quân thu nhập của anh em là 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên đợt dịch này dường như không có 1 đơn đặt hàng nào. Đối với doanh nghiệp dành riêng cho người khuyết tật chúng tôi cũng mong là thành phố có thể xem xét quan tâm đặc biệt hơn tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật".
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 14.000 người khuyết tật nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp dành riêng cho người khuyết tật. Để giúp những người này có việc làm ổn định, hòa nhập cùng cộng đồng, thành phố Đà Nẵng đã thành lập kênh vay vốn hỗ trợ người khuyết tật. Hội Người khuyết tật thành phố cũng lập Quỹ xoay vòng giúp hội viên vay vốn không lãi suất để phát triển sản xuất, buôn bán nhỏ… Từ ngày thực hiện cách ly xã hội, nhiều người khuyết tật không còn việc làm.
Trong bộn bề khó khăn là vậy, nhưng theo anh Nguyễn Đăng Mùi ở đường Huỳnh Ngọc Huệ thì nhiều người khuyết tật ở Đà Nẵng ủng hộ chủ trương giãn cách xã hội để bảo vệ tốt sức khỏe cho mọi người. "Tình hình chung của cả thế giới chứ đâu riêng gì của mình đâu. Tôi thấy mọi người ai cũng đồng lòng cả, sau dịch này rồi tính sau. Cũng mong sao dịch sớm qua để đất nước phục hồi lại kinh tế để anh em có công việc làm", anh Nguyễn Đăng Mùi chia sẻ.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động nhiều mặt trong đời sống xã hội. Nhằm bảo đảm cuộc sống cho bà con, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng hướng đến giúp đỡ người nghèo, nhóm người yếu thế. Những người khuyết tật cũng đón nhận được nhiều sự giúp đỡ, sẻ chia yêu thương, cùng cả nước đi qua đại dịch./.