Chính phủ đề nghị phát hành trái phiếu trả nợ 22.090 tỷ đồng cho BHXH

VOV.VN -Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tán thành phương án chuyển dần 22.090 tỷ đồng theo hình thức phát hành TPCP nhận nợ với Quỹ BHXH bắt buộc.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phiên thảo luận chỉ có một số ít đại biểu thảo luận và chủ yếu tập trung vào việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước (NSNN) đối với quỹ BHXH.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), số tiền 22.090 tỷ đồng không phải là của quỹ BHXH mà đây là nghĩa vụ của nhà nước. Chính phủ với tư cách người đại diện cho nhà nước là người sử dụng lao động và bình đẳng như những người khác thì phải chuyển trả cho người lao động.

“Năm 1993, chúng ta đã tách Quỹ BHXH ra khỏi NSNN, đây là chủ trương rất đúng. Vì vậy quỹ BHXH xét 1 khía cạnh là giữ hộ tiền của người lao động chứ không phải là tiền của Quỹ BHXH”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: quochoi.vn)

Cũng theo vị đại biểu này, Luật BHXH 2006 đã quy định nghĩa vụ chuyển khoản tiền này, nhưng từ năm 2006-2014, trước khi có Luật BHXH năm 2014, Chính phủ không hề báo cáo Quốc hội, không hề báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tính toán khoản này. Đến năm 2015 mới có báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết xử lý, như vậy rất chậm, mấy nhiệm kỳ không hề đề cập.

Đối với việc xử lý nghĩa vụ của NSNN đối với quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) liên quan đến khoản đóng góp BHXH cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995, Chính phủ cho biết, Luật BHXH 2006 quy định hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ BHXH bắt buộc để đóng BHXH cho thời gian làm việc trước ngày 1/1/1995 đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995. Căn cứ quy định của Luật BHXH, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó xác định nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ BHXH bắt buộc liên quan đến khoản đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 là 22.090 tỷ đồng. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 1083/2015 giao Chính phủ thực hiện chuyển kinh phí từ NSNN hằng năm vào Quỹ để đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 theo quy định của Luật BHXH và hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, trong dự toán NSNN năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng nêu trên. Lý do là hiện tại hằng năm Quỹ BHXH đều có kết dư; nếu NSNN bố trí chuyển 22.090 tỷ đồng vào Quỹ thì cũng được Bảo BHXH Việt Nam sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ (TPCP).

“Theo tôi, phương án mà Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề  ra Nghị quyết số 1083/2015  là tính 2 phương án rất kỹ lưỡng. Phương án thứ nhất là tính lãi tổng cộng 54.000 tỷ đồng, phương án 2 là 92.000 tỷ đồng. Tuy nhiên lấy lý do nhà nước bảo toàn cho quỹ BHXH không bị phá sản, chỉ chuyển phần gốc mà không chuyển lãi là không thuyết phục”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn.

Theo đại biểu Nhưỡng, ít nhất phải tính lãi từ năm 2006, khi Luật BHXH 2006 có hiệu lực. “Tôi đề nghị phải tính lãi như phương án 1 nêu trên. Tôi tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách rằng không gây sức ép cho trần nợ công của Chính phủ, nhưng không thể thoái thác được nghĩa vụ của nhà nước đối với người lao động.  Vì vậy,  phải tính cả gốc và lãi từ 2006 đến nay”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng tán thành phương án như Chính phủ trình là chuyển dần 22.090 tỷ đồng theo hình thức phát hành TPCP nhận nợ với Quỹ BHXH bắt buộc (trong đó năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng).

“Chúng ta cần báo cáo với người lao động, báo cáo với toàn dân khẳng định Chính phủ hoàn toàn sòng phẳng với tư cách là người sử dụng lao động lớn nhất và có tính nhân văn”- đại biểu  Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ cho quỹ bảo hiểm xã hội. Ông Hạ cũng đề nghị như ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, phải tính xem lãi của khoảng 22.000 tỷ này, nhẩm tính khoảng trên 50.000 tỷ. Để đảm bảo tính công bằng và tính nghiêm minh, Chính phủ nợ cũng phải tính theo công bằng như vậy đối với quỹ bảo hiểm.

Liên quan vấn đề bảo hiểm xã hội, về căn cứ tại sao không tính từ 2006- 2015? Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, một phần vì trong giai đoạn vừa qua ngân sách có khó khăn. "Nếu chúng ta vẫn bố trí cả thì vẫn được, nhưng chúng ta lại ưu tiên cho các mục tiêu khác, nhất là đầu tư, chi về an sinh xã hội, nên chúng ta ưu tiên cho lĩnh vực này, mà lại bỏ ngỏ chỗ này. Đó là một thực tế"- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh: Hôm nay Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội 2 nội dung này, cho thấy Chính phủ nghiêm túc. Đồng thời, xin Quốc hội thống nhất việc nhận lãi từ ngày 1/1/2016 khi Nghị quyết 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực.

"Chúng ta phân chia lộ trình như vậy, trong dự toán 2017-2018 chúng ta chưa tính lãi khoản này, xin trái phiếu hóa 2019-2020, nếu có điều kiện chúng ta sẽ bố trí trả nợ luôn lãi. Nếu chúng ta vẫn ưu tiên cho đầu tư, cho làm lương, để khoản này lại thì nhập gốc để trái phiếu hóa. Chúng tôi xin phương án mở như vậy"- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH
Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH

VOV.VN - Sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận, Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về phát triển KT-XH, ngân sách

Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH

Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH

VOV.VN - Sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận, Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về phát triển KT-XH, ngân sách