Chính phủ giải trình về chính sách bảo vệ trẻ em

Trong 3 năm gần đây, đã phát hiện, xử lý gần 3000 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em nhưng trong thực tế, con số này lớn hơn nhiều

Sáng 15/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng, nghe Chính phủ giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp to lớn, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà trực tiếp là các gia đình. Đây cũng là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nói riêng được chú trọng hơn, đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy vậy, tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội mong rằng phiên họp này sẽ đánh giá đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân, đánh giá đúng trách nhiệm, tìm giải pháp để tiếp tục làm tốt hơn sự nghiệp cao cả này.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ – TB &XH báo cáo giải trình một số nhận định, đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội như: Công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều yếu kém; Công tác truyền thông, giáo dục còn chưa hiệu quả; Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng; Việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ...

Đại diện các Bộ: GD&ĐT, VH – TT&DL, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư cũng trả lời và làm rõ câu hỏi của các thành viên Ủy ban về trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bộ máy tổ chức công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chính sách, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và việc xã hội hoá công tác này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên