Chợ nông sản lớn nhất TPHCM có nguy cơ mất ATTP từ rác thải
VOV.VN - Càng gần Tết, lượng hàng hóa về Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác thải phát sinh cũng tăng lên.
Tại TPHCM, mỗi ngày, Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức- Chợ nông sản lớn nhất của thành phố, có 3.000 – 3.500 tấn hàng hóa được tiêu thụ. Những ngày cận tết, lượng hàng tăng gấp đôi ngày thường, lên đến 6.000 – 6.500 tấn. Từ đó, lượng rác thải phát sinh cũng nhiều hơn, đôi lúc xử lý không kịp, gây ra tình trạng ô nhiễm và luôn tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa bị nhiễm khuẩn.
Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức hoạt động từ 23h đến rạng sáng. |
Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức có 3 khu nhà lồng với 1.424 ô vựa, trong đó có 590 ô vựa kinh doanh rau củ và 712 ô vựa kinh doanh trái cây, 92 ô vựa kinh doanh hàng hoa và 30 ki ốt giao dịch. Vì là chợ nông sản nên lượng rác thải phát sinh rất lớn. Trước kia, mỗi ngày chợ có đến trên 70 tấn rác thải. Từ khi thực hiện phân loại và sơ chế rác, lượng rác thải giảm còn hơn 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra vì việc thu gom và vận chuyển rác còn chậm.
“Để xử lý một lượng rác thải 50 đến 60 tấn, Công ty Môi trường đô thị và đội vệ sinh của chợ thực hiện việc này nhưng còn chậm và kéo dài đến 16 giờ chiều, việc này chưa được tốt”, ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết.
Rác thải và hàng hóa nằm lẫn lộn lên nhau ở chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức. |
Dọc các lối đi trong nhà lồng của của chợ giấy báo, bịch nilon, rơm rạ vương vãi khắp nơi. |
Thậm chí ngay cả tuyến đường trước chợ nông sản cũng xuất hiện la liệt rác thải, bao bì bị vứt bỏ. |
Cũng như các chợ đầu mối khác của TPHCM, ở đây luôn có đội quản lý an toàn thực phẩm túc trực hàng đêm để hỗ trợ kiểm soát an toàn thực phẩm. Các đội này thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm và sẽ tịch thu, tiêu hủy ngay khi thực phẩm không đạt yêu cầu hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thế nhưng, nguồn rác thải phát sinh chưa được xử lý tốt, để tồn lưu quá lâu khiến không khí, môi trường ô nhiễm và rất có thể dẫn tới ô nhiễm cả hàng hóa nông sản.
Ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế quận Thủ Đức cho biết: “Ban quản lý chợ cũng phải tính và làm ngay vì rác không thể để đến 4 giờ chiều, chúng ta phải có kế hoạch, để có giải pháp triệt để, không để rác tồn lưu lâu trong chợ”.
Đội Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đang kiểm tra xuất xứ hàng hóa ở chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức. |
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM cũng đánh giá, việc thu gom, xử lý rác đến buổi chiều mới xong là quá chậm. Tồn đọng rác tại chợ trong một thời gian dài là một trong những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, cần sớm được khắc phục. Những ngày cận Tết, lực lượng kiểm tra, giám sát ATVSTP phải tăng cường thêm và phải giám sát 24/24h. Đồng thời, cận tết là thời điểm có nguy cơ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP được trà trộn với các sản phẩm đảm bảo chất lượng để tung ra thị trường. Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức là nơi cung cấp nông sản lớn nhất của TP, việc đảm bảo ATVSTP là rất quan trọng.
“Đối với các chợ đầu mối như thế này, đa số người mua là các tiểu thương để về các chợ truyền thống, các cửa hàng bán lại nên chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, hóa đơn chứng từ của các điểm bán lẻ để truy ngược lại là mua hàng ở đâu. Nếu hàng hóa không rõ nguồn gốc, giấy tờ thì sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và phạt hành chính rất nặng”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.
Việc ghi rõ xuất xứ hàng hóa được chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức mới được áp dụng. |
Các mặt hàng nông sản được bầy bán đều ghi rõ xuất xứ. |
Càng gần Tết, lượng hàng hóa về Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác thải phát sinh cũng tăng lên. Chợ đang tính đến việc bố trí thùng đựng rác tại mỗi quầy hàng để có thể hạn chế được tình trạng bỏ rác bừa bãi của các thương nhân, đồng thời có giải pháp thu gom, xử lý, vận chuyển rác khỏi chợ nhanh hơn./.