Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Con dao hai lưỡi
(VOV) -Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là sai với quy định, không có lợi cho thể chất và trí óc của trẻ.
Phụ huynh: Không học không được!
Việc cho con “đọc thông viết thạo” trước khi vào lớp 1 đã trở thành trào lưu ở các thành phố lớn. Trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, việc cho con biết đọc, biết viết trước để giúp trẻ nhanh chóng hòa đồng với “không khí” của lớp 1 và sẽ có “lợi thế” hơn so với các bạn khác.
Anh Nguyễn Quốc Huy, ở Tân Mai – Hà Nội kể, anh có con trai năm nay vào lớp 1. Dù nhận thức được rằng, học “tiền lớp 1” là không nên khi con anh đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhưng bạn anh, rồi anh em họ hàng cũng “lời ra tiếng vào” cho rằng nên cho cháu đi học chữ để khỏi bỡ ngỡ khi cháu vào lớp 1; thậm chí có người khuyên anh là “học chỉ là một chuyện, quan trọng hơn là tìm được cô giỏi để làm quen với cô, sau này con mình học với cô sẽ được cô quan tâm hơn, hay cô có thể giới thiệu cho những cô giáo tốt cho con mình!”.
Bàn tính nát óc, vợ chồng anh cũng đồng ý để cho con theo học một cô giáo dạy tiểu học ở trường T. trên phố Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai) đều đặn một tuần ba buổi tối.
Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là trái với quy định (Ảnh minh họa. Nguồn: ANTĐ) |
Anh Huy kể: “Tới lớp cô giáo, tôi thấy rất đông phụ huynh gọi điện, đem con đến gửi gắm cô. Thậm chí, lịch dạy của cô kín cả tuần. Thế mới biết, nói không với học chữ trước khi vào lớp 1 cũng khó. Mình mà không cho cháu đi học cũng thấy sốt ruột. Thêm vào đó, được biết các lớp 1 ở thành phố đều có sĩ số trên 50 cháu thì làm sao cô có thể chỉ bảo cho từng cháu một được, trong khi cháu nào cũng biết đọc biết viết mà con mình thì không, chắc chắn sẽ là thiệt thòi cho con và con sẽ tự ti, thấy nản khi cảm thấy thua thiệt bạn bè”.
Nhà khoa học: Không nên!
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV: “Có nên cho trẻ học trước lớp 1 hay không?”, GS.TS Lê Phương Nga, Chủ nhiệm bộ môn Các khoa học xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định là không nên. Theo lý giải của bà Nga, không phải ngẫu nhiên mà các nước đã lựa chọn trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi, mà không phải ở lứa tuổi khác, vì ở độ tuổi này, trẻ đã chín muồi cả ở mặt tâm lý và thể chất.
Các bậc phụ huynh không nên vì mục tiêu trước mắt là buộc con mình phải đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1, mà bỏ qua mục tiêu lâu dài của giáo dục. “Khi nghĩ về những đứa con của mình, tôi sẽ nhắn nhủ rằng các cháu sẽ được sống hạnh phúc suốt cả cuộc đời, thành công của các cháu đang chờ ở phía trước, chứ không phải những điểm số cao trước mắt”, GS.TS Lê Phương Nga chia sẻ.
Ông Trần Thái, nguyên giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội lý giải, nguyên nhân dẫn đến thực trạng các phụ huynh cho con đi học trước chương trình lớp 1 là do tâm lý đám đông, sợ con mình không bằng con hàng xóm. Bên cạnh đó, “bệnh thành tích” cũng là một nguyên nhân khiến các lớp “tiền lớp 1” nở rộ, thế là “cung cầu gặp nhau”.
“Đây thực sự là điều nguy hiểm với nền giáo dục hiện nay, bởi vẫn chạy theo những điều thứ thành tích ảo. Thời nay, nhiều gia đình nhầm con cháu mình thành vĩ nhân, thành thử nhiều gia đình cứ cố nhồi nhét cho các cháu”, ông Trần Thái nói.
Trẻ nên học gì? Học như thế nào?
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, trẻ được học trước chỉ có thể phát huy được khả năng ở giai đoạn đầu tiên khi vào lớp 1, sau đó khả năng tiếp thu của các em sẽ giảm hẳn. Những trẻ được học trước cũng thường có tâm lý ganh đua, tị nạnh hơn so với các bạn chưa được học. Điều đó có nghĩa chính việc phụ huynh bắt ép con học trước đã có tác động không tốt đến tâm hồn non nớt của trẻ.
Việc chạy đua cho con học chữ trước khi vào lớp 1 vô hình chung tạo áp lực cho các cháu nhỏ, cũng như sức ép đối với các bậc phụ huynh. Theo nhiều phụ huynh, nếu không cho con học trước, bản thân họ cũng “đứng ngồi không yên” khi con vào lớp 1 khi lo lắng không biết con mình sẽ tiếp thu ra sao khi mặt bằng thua các bạn cùng trang lứa.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là sai với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có lợi cho thể chất và trí óc của trẻ.
Theo GS.TS Lê Phương Nga, đúng là việc học đối với trẻ rất quan trọng, thậm chí học càng sớm càng tốt, nhưng đó không phải là học viết, học đọc chữ mà là học những giá trị nhân văn để bồi đắp cho tâm hồn trẻ, và các “lớp học” đó phải tạo niềm hứng thú cho trẻ khám phá cuộc sống. Các bà mẹ mang thai cho con “học” nhạc từ trong bụng mẹ là một ví dụ mà bà Nga trích dẫn. Có nghĩa, việc nhồi nhét chữ cho con ở những lớp học thêm là không cần thiết, thậm chí phản khoa học.
Nhà giáo Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội (mẹ bé Nhật Nam, cậu bé lập kỷ lục với “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản) chia sẻ, trước khi vào lớp 1, bé Nhật Nam không học đọc, học viết nhưng bé lại được học rất nhiều thứ khác mà không phải ngồi cặm cụi ở trong phòng, đó là cách mà chị gọi là “học để yêu việc học”.
“Thời gian đầu, tôi cũng đã thử thách con. Đó là việc cháu chưa biết đọc, biết viết có thể điểm số sẽ thua bạn bè. Nhưng mục tiêu của tôi không phải là áp lực điểm số của con mà luôn động viên, khuyến khích con cảm thấy vui khi được đến trường, điều này đã giúp con vui vẻ, tự tin hơn rất nhiều. Thay vì cố cho con phải biết đọc, biết viết trước khi con con vào lớp 1, tôi đã tạo cho bé Nam niềm hứng khởi, sự hồi hộp, tò mò, niềm yêu thích để chuẩn bị đến trường. Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị tâm thế, hành trang cần thiết cho con vào lớp 1, như con cần ngồi học như thế nào, học theo nhóm ra làm sao, quan hệ giữa cô và con như thế nào… những điều sẽ rất mới mẻ với cháu…”, chị Hồ Điệp chia sẻ thêm./.