Chống đối CSGT: Xử lý nghiêm những kẻ bất chấp luật pháp!
VOV.VN - Trong những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chống đối CSGT làm nhiệm vụ. Đây là hành động coi thường luật pháp, cần xử lý nghiêm khắc, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ chống đối CSGT làm nhiệm vụ. Mới ngày 15/9, tại cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, thuộc địa phận xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang lái xe khách 16 chỗ khi bị dừng để kiểm tra vi phạm, lái xe đã điều khiển xe khách bất ngờ tăng tốc lao thẳng về phía tổ công tác và đâm hất Trung sĩ Nguyễn Văn Mạnh- chiến sĩ cảnh sát cơ động lên nắp capo. Trung sĩ Mạnh bám vào cần gạt nước của xe và yêu cầu đối tượng dừng xe chấp hành việc kiểm tra song các đối tượng vẫn tiếp tục điều khiển xe trên đường cao tốc được khoảng 1 km thì Trung sĩ Nguyễn Văn Mạnh bị ngã khỏi nắp capo xuống đường, bị bánh xe của ô tô chèn qua người hy sinh.
Hay trước đó, ngay tại Hà Nội, nam thanh niên điều khiển ô tô (BS 15A-567.44) chở theo cô gái trẻ lưu thông từ Đê La Thành rẽ ra Nguyễn Chí Thanh (hướng đi Liễu Giai, Hà Nội) thì bị lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, vì có dấu hiệu vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, tài xế này không chấp hành, còn nhấn ga bỏ chạy với tốc độ khá cao, mặc chiến sĩ công an đang bám ở cửa kính của ghế phụ.
Và chỉ sau đó 1 ngày, tổ tuần tra kiểm soát của Đội CSGT số 4 (Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh thì phát hiện xe ô tô vượt đèn đỏ, tài xế sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Khi Trung úy Vũ Văn Quang ra hiệu lệnh dừng phương tiện vi phạm để kiểm tra, xử lý thì tài xế đã dừng phương tiện, nhưng sau đó lại lập tức tăng ga lao thẳng vào người Trung úy Quang, buộc viên cảnh sát này phải nhảy tránh và bám vào cản trước của ô tô. Mặc dù thấy Trung úy Quang đang bám phía trước, tài xế vẫn nhấn ga bỏ chạy. Do bị kéo lê trên mặt đường nhựa, cảnh phục của Trung úy Quang bị rách phần lưng và bả vai bị xây xát, chấn thương khá nặng, được đưa vào BV Bạch Mai cấp cứu….
Không phải chỉ bây giờ, tình trạng chống đối cảnh sát giao thông mới xảy ra, mà ngày càng trở nên phổ biến. Theo thống kê, trong 2 năm gần đây, toàn quốc xảy ra gần 100 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, hàng chục chiến sỹ bị thương và hy sinh.
Vì sao tình trạng này lại xảy ra ngày càng nhiều và ngày càng manh động? Trước hết, phải thừa nhận một thực tế là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Ngay ở các thành phố lớn, tình trạng vi phạm giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Nhan nhản tình trạng chen lấn, vượt đèn đỏ, lấn làn… kể cả khi có mặt CSGT. Ngoài đường, khi xảy ra vi phạm nhỏ, người ta dễ dàng to tiếng, thậm chí dẫn đến xô xát, ẩu đả.
Tình trạng nhiều người tham gia giao thông nhưng không có kiến thức về an toàn giao thông, luật pháp khá phổ biến, khi bị CSGT dừng xe vì vi phạm thì không biết mình mắc lỗi gì. Nhiều người khi vi phạm thì tìm cách trốn tránh, bỏ chạy hay gọi điện nhờ vả, xin xỏ, hối lộ CSGT… Thậm chí có trường hợp hành hung, tấn công CSGT, tông thẳng xe vào người thi hành công vụ như trường hợp mới xảy ra ở Bắc Giang nhằm trốn tránh không bị xử phạt.
Chúng ta đã có rất nhiều quy định đối với người tham gia giao thông cũng như việc xử lý khi vi phạm giao thông nhưng nhiều khi những quy định này vẫn chưa đến được tới từng người tham gia giao thông. Một phần bởi việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến từng người dân, từng nhóm đối tượng còn nặng về lý thuyết, giáo điều, chủ yếu mang tính hình thức.
Gần như chưa có yêu cầu, quy định bắt buộc tối thiểu đối với người tham gia giao thông cho từng loại phương tiện. Rất nhiều người điều khiển xe máy chỉ cần biết đi là có thể tham gia giao thông, đôi khi không cần bằng lái và ít khi bị kiểm tra, kiểm soát khi lưu thông trên đường. Bằng lái xe cũng được cấp phép dễ dàng, tình trạng bằng lái giả khá phổ biến. Chỉ riêng ở một địa phương như TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã phát hiện 161 bằng lái xe giả… Bằng giả đồng nghĩa với việc lái xe không đủ năng lực, trình độ nhưng vẫn cố tình tìm cách để được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Một khi vẫn còn tình trạng này, thì khó có thể nói tới một một trường giao thông an toàn, đúng luật.
Một nguyên nhân nữa cũng không thể không nói đến là việc xử lý vi phạm về giao thông có nơi, có lúc vẫn còn chưa nghiêm, khiến cho nhiều người có hiện tượng “nhờn” luật. Vẫn còn tình trạng CSGT dễ dàng bỏ qua lỗi vi phạm khi người vi phạm xin xỏ, gọi điện gây áp lực, hối lộ… Thậm chí có cả việc CSGT bảo kê cho người vi phạm, điển hình là vụ CSGT ở Đồng Nai bảo kê xe quá tải khiến nhiều cán bộ, CSGT bị xử lý.
Bên cạnh đó, một số CSGT khi làm nhiệm vụ cũng chưa tuân thủ đúng quy định, kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt là tác phong, chuẩn mực của người chiến sỹ công an nhân dân khi tiếp xúc với dân. Cũng đã có những vụ việc CSGT va chạm khiến người tham gia giao thông bị thương gây bức xúc trong dư luận, như trong tháng 8 vừa qua, một cán bộ CSGT thuộc Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bị tạm đình chỉ vì có hành vi đấm, chửi mắng người được cho là vi phạm giao thông. Hay một số vụ việc xảy ra trước đó khi CSGT chĩa súng, dùng gậy vụt vào người vi phạm…
Vì thế, để hạn chế những vụ chống đối cảnh sát giao thông xảy ra như trong thời gian vừa qua, không thể là việc làm trong một sớm một chiều, mà cần có sự đồng lòng, quyết tâm của các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Trước hết, đối với những hành vi vi phạm giao thông, cần có chế tài xử lý nghiêm minh, triệt để, không có “vùng cấm”. Bất kỳ ai khi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm trước pháp luật. Đối với những kẻ có hành vi chống đối người thi hành công vụ, phải xử lý nghiêm khắc, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, nếu luật hiện hành chưa đủ tính răn đe cần có đề xuất, nghiên cứu sửa đổi để luật phù hợp với tình hình thực tế.
Cần thay đổi cách tuyên truyền để luật đến với người dân một cách hiệu quả, thiết thực, để mỗi người thấy đây là trang bị thiết thân, không còn tình trạng điều khiển phương tiện một cách “hồn nhiên”, không có kiến thức về luật giao thông, hay hiện tượng nhờn luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để né tội, trốn tránh khi bị xử lý.
Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là sự nêu gương, nghiêm túc của những người thực thi pháp luật, để mọi người đều thấy mình được đối xử công bằng, minh bạch trước pháp luật, không có “vùng cấm” khi xử lý vi phạm.
Và chỉ khi mọi người được sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật tình trạng chống người thi hành công vụ như trong thời gian vừa qua mới hy vọng được giảm thiểu./.