Chủ động, bình tĩnh trong phòng, chống dịch cúm A/H1N1

Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A/H1N1, tuy nhiên toàn dân và cơ quan chức năng vẫn cần đề cao cảnh giác nhằm mục tiêu không để cúm A/H1N1 xảy ra

Theo thông tin mới nhất của cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), tính đến ngày 1/5, có 11 nước chính thức thông báo 257 trường hợp mắc bệnh, dương tính với cúm A/H1N1 và 16 nước khác tiếp tục ghi nhận các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1.

Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục cảnh báo đại dịch cúm lợn A(H1N1) ở mức độ 5 trong 6 mức độ và khuyến cáo tất cả các quốc gia trên thế giới ngay lập tức hành động phòng chống đại dịch, cảnh giác cao với các ổ dịch cúm và viêm phổi nặng.  Tổ chức Y tế thế giới thống nhất sử dụng thuật ngữ cúm A/H1N1 thay “cúm lợn A/H1N1” để mô tả dịch hiện nay.

Ở nước ta, mặc dù đến thời điểm này chưa có một trường hợp nào nhiễm cúm A/H1N1 nhưng toàn dân và cơ quan chức năng vẫn cần đề cao cảnh giác nhằm mục tiêu không để cúm A/H1N1 xảy ra.

Theo tuyên bố chung của Tổ chức Nông lương thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới về cúm A/H1N1 và sự an toàn của thịt lợn, hiện nay chưa phát hiện khả năng lây truyền của virus cúm sang người do ăn thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn đã qua chế biến. Nấu thịt ở nhiệt độ từ 70 độ C trở lên sẽ làm mất hoạt tính của virus trong thịt sống. Như vậy người dân hoàn toàn an tâm ăn thịt lợn với điều kiện là thịt từ lợn khỏe được nấu chín.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đến nay chưa tìm thấy cúm biến thể này ở trên gia súc nên ăn thịt lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng là an toàn và thịt lợn như vậy không phải là nguồn gây bệnh”.

Thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt khách du lịch để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 từ nước ngoài vào

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 tại nước ta. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của cúm A/H1N1 trên thế giới khiến chúng ta không thể chủ quan.

Tại cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 1/5 tại Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, tất cả các bộ, ngành và cơ quan chức năng tiếp tục lên kế hoạch chi tiết phòng ngừa và cảnh giác cao với cúm A/H1N1.

Công việc trọng tâm và ưu tiên hiện nay là kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các cửa khẩu quốc tế bao gồm cửa khẩu hàng không, cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt khách du lịch để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thường trực các đội cơ động chống dịch, phân công trực 24/24 giờ để sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống. Tất cả các bến xe, bến tàu, nơi công cộng tập trung đông người cần vệ sinh sạch sẽ, sát khuẩn, tẩy trùng bằng dung dịch có thuốc Cloromin B.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Quốc Thắng, nói: “Tiêu chí của chúng ta là phải chủ động, bình tĩnh phòng chống dịch. Chủ động kiểm soát tình hình, chủ động về mặt thông tin tuyên truyền và cả về mặt kịch bản nếu dịch xảy ra. Bình tĩnh là thông tin rõ ràng, không để tình trạng hoảng loạn trong xã hội, tất cả các tuyến, các ngành phải đồng bộ”.

Đại diện Bộ Ngoại giao, ông Dương Trí Dũng - Cục trưởng Cục Lãnh sự, cho biết: Bộ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cập nhật liên tục và chủ động theo dõi diễn biến cúm A/H1N1 để thông tin về Việt Nam kịp thời, kể cả những thông tin mới nhất về biểu hiện lâm sàng của bệnh và phác đồ điều trị mới để trong nước chủ động phòng, chống dịch cúm A/H1N1 có thể xảy ra.

Kinh nghiệm ở một số nước như Trung Quốc cho thấy, công tác phòng chống dịch phải theo dõi sát tình hình phát triển bệnh ở các nước. Thành lập cơ chế liên kết, ứng phó dịch bệnh ở các bộ ngành. Làm tốt công tác kiểm tra xuất nhập cảnh, nhất là khách du lịch  nhập cảnh từ nước đang có dịch. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là công tác giám sát các dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm.

Đề phòng dịch có thể xảy ra, hiện Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc Tamiflu cùng các vật tư trang thiết bị cần thiết khác để sẵn sàng đáp ứng cho trường hợp xấu có thể xảy ra.

Ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tiểu ban Hậu cần Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người cho biết: “Đến thời điểm này có 8.880 viên thuốc tamiflu. Về trang phục bảo hộ phòng chống dịch có khẩu trang hoạt tính N95 còn 2.880 chiếc, khẩu trang giấy là 31.000 chiếc, găng tay phòng hộ là 100.000 chiếc và trang phục phòng hộ của Trung Quốc là 17.499 chiếc, áo choàng phòng hộ hơn 38.000 chiếc và kính nhựa phòng hộ cá nhân là 1.700 chiếc”.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người chỉ đạo, tất cả các sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trung ương và địa phương chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin và tư vấn về tình hình cúm A H1N1 để chủ động đối phó với dịch cúm có thể xảy ra: “Mục tiêu là không để dịch vào Việt Nam. Các Sở y tế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để phòng dịch. Nếu đơn vị nào để xảy ra dịch đơn vị đó sẽ bị kỷ luật”, ông Nguyễn Quốc Triệu nói.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người cũng đề nghị các phương tiện truyền thông thông tin kịp thời, chính xác thông tin về dịch cúm A/H1N1 và cách phòng bệnh để người dân biết nhằm mục tiêu toàn xã hội chủ động, bình tĩnh và đồng bộ trong phòng, chống dịch cúm AH1N1.

Kinh nghiệm cho thấy khi công tác phòng bệnh tốt, không để xảy ra dịch sẽ tiết kiệm chi phí hàng chục lần so với trường hợp để xảy ra dịch. Quan trọng hơn, việc phòng bệnh tốt, không để xảy ra dịch sẽ đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định xã hội, không gây hoang mang cho người dân./.

Các địa phương sẵn sàng phòng chống dịch cúm A (H1N1)

Ngày 1/5, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra công tác giám sát và phòng ngừa dịch bệnh tại sân bay quốc Tế Tân Sơn Nhất và triển khai công tác phòng chống dịch cúm A( H1N1) đến 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ông Hoàng Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịnh y tế quốc tế cho biết: Tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nhưng do lượng khách quốc tế nhập cảnh lớn nên công tác phòng ngừa dịch bệnh tại TP.HCM phải được đặt lên hàng đầu.

Từ ngày 26/4 đến nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất TP.HCM đã tiếp nhận hơn 29.000 khách quốc tế, trong đó có 728 hành khách đến từ vùng có dịch nhưng chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh. Hai máy đo thân nhiệt đang hoạt động hết công suất đảm bảo 100% hành khách quốc tế được kiểm tra thân nhiệt. Toàn bộ nhân viên làm việc tại các khâu tiếp xúc trực tiếp với khách quốc tế đã được trang bị khẩu trang.

Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã bố trí một phòng cách ly với sức chứa gần 15 người và một sảnh có sức chứa khoảng 100 người, lối đi riêng và tất cả các phương tiện ứng phó khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên cũng đã sẵn sàng.

Ngày 1/5, UBND TP.HCM cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các sở ngành liên quan và 24 quận huyện để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cúm A (H1N1) trên địa bàn TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, kiểm tra tại các sân bay, bến cảng, nếu phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên phải nhanh chóng cách ly và điều trị, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời các sở ngành liên quan phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể trong tình huống có ca bệnh, phải chuẩn bị khẩn trương những gì tốt nhất cho mọi tình huống xấu nhất nhằm phải bảo đảm an sinh xã hội. Các quận, huyện phải có khu vực cách ly riêng để theo dõi giám sát các ca nghi ngờ. Thành phố đồng ý mua thêm máy đo thân nhiệt tại sân bay, không cần qua đấu thầu, để đưa máy về phục vụ người dân càng nhanh càng tốt.

Ông Tài đánh giá cao sự chuẩn bị của các sở ngành để phòng chống dịch cúm lợn H1N1 trong thời gian vừa qua. Ngoài việc phòng chống dịch cúm lợn H1N1 ngành y tế cũng không được lơ là với bệnh tiêu chảy và vệ sinh an toàn thực phẩm vì nếu các dịch bệnh xảy ra cùng lúc thì chắc chắn thành phố sẽ bị tê liệt.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP. HCM cho biết: Thành phố vừa cho in khẩn trước 500.000 tờ khai theo mẫu mới dành cho du khách nước ngoài khi nhập vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tờ khai này nhằm mục đích để nắm được tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ của du khách để giám sát chặt chẽ. Sở Y tế TP.HCM đã nhận được chi viện khẩn từ Bộ Y tế 1.500 khẩu trang chuyên dụng cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM để các bộ phận sử dụng làm nhiệm vụ phòng chống dịch và 5.000 viên thuốc Tamiflu để Sở phân bố cho các bệnh viện.

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng triển khai các biện pháp an toàn sinh học trong các hộ chăn nuôi như chuẩn bị những test nhanh, thuốc sát trùng, lấy mẫu máu trên heo để chẩn đoán H1N1 và H5H1, nếu phát hiện dương tính thì sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai tiếp.

** Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: Để sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A ( H1N1) có thể xảy ra, Cần Thơ đã cho thành lập 2 đội cơ động chống dịch gồm 22 người và trang bị nhiều loại thuốc, hóa chất, máy phun các phương tiện để sẳng sằn phòng chống và ứng phó với dịch cúm A (H1N1). Các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, Phong Điền... cũng đã lên kế hoạch phân công nhân sự, trang bị các phương tiện để đáp ứng công tác phòng chống khi dịch cúm xảy ra.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thành phố tiến hành kiểm tra khai báo đối với các du khách đến từ vùng dịch. Ngoài ra, sẽ kiểm tra nghiêm ngặt và tiến hành đo thân nhiệt đối với các du khách đến từ Cảng hàng không Cần Thơ.

Trong quá trình đo thân nhiệt, nếu phát hiện trường hợp nào bị sốt sẽ tiến hành điều tra, khám, lấy mẫu, theo dõi và cách ly điều trị nếu cần thiết. Hiện tại, các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng đã sẵn sàng huy động lực lượng, trang bị thuốc men, các phương tiện di chuyển, phòng, giường.. để phòng ngừa và xử lý kịp thời nếu phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên.

Theo ông Phạm Mạnh Khiên, Giám đốc Cảng hàng không Cần Thơ cho biết, ngành hàng không Cần Thơ cũng đã sẵn sàng khi có chỉ đạo của cấp trên để tiến hành mọi biện pháp phòng chống dịch. Cảng hàng không Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng và chống dịch cúm A (H1N1).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên