Chủ động đối phó với diễn biến thời tiết phức tạp

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN và PTNT), bà con nên gieo cấy trong thời tiết lập xuân và kết thúc trong tháng 2 dương lịch. Khi đã đảm bảo cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ thì sẽ khắc phục diễn biến bất thuận của thời tiết.

>> Đêm nay, Hà Nội sẽ rét đậm
Hiện nay, đang có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta. Dự báo, đợt không khí lạnh này sẽ kéo dài trong nhiều ngày. Ở những vùng núi cao như: Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Sìn Hồ (Lai Châu) nhiệt độ có thể xuống tới 2 đến 5 độ C. Đặc biệt, đợt rét này đúng vào thời điểm các địa phương ở miền Bắc gieo mạ chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Vụ đông xuân năm 2010 thời tiết diễn biến phức tạp theo hai hướng là rét đậm, rét hại, như vụ đông xuân năm 2007-2008, hoặc có thể ấm ở đầu vụ như vụ đông xuân 2008-2009.

Cục Trồng trọt đã hướng dẫn các địa phương chủ động có các biện pháp khắc phục hai hiện tượng thời tiết này ngay từ đầu vụ đông xuân năm nay. Nếu thời tiết nắng ấm trong vụ đông xuân phải chủ động bám sát lịch thời vụ để chủ động khâu mạ, để lúa trỗ vào khung thời vụ tốt nhất vào đầu tháng 5, sẽ gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Trong vụ đông xuân năm nay, nguồn nước vừa hạn chế, diễn biến thời tiết phức tạp, cho nên chuyển cơ bản sang trà lúa xuân muộn bằng các giống lúa ngắn ngày, cả giống lúa thuần, lúa tạp giao để chủ động khung thời vụ cho phép.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Ngọc, đợt rét này không nằm ngoài quy luật bình thường của thời tiết, vì vụ đông xuân năm nay đã có một đợt rét đậm, rét hại. Đây là đợt thứ hai nhưng chưa đúng thời vụ gieo cấy lúa xuân muộn. Vì vậy chúng ta hoàn toàn chủ động, còn thời gian để chuẩn bị phòng chống rét cho mạ.

Nếu rét đậm, rét hại kéo dài đối với sản xuất lúa đông xuân, tương tự như vụ đông xuân 2007-2008, rét kéo dài hơn 30 ngày, làm mạ và lúa mới cấy bị chết, thì biện pháp đầu tiên là phải bảo vệ được mạ. Muốn vậy thì phải gieo mạ và che phủ nilon. “Đó là biện pháp mà lâu nay được hướng dẫn, tuyên truyền và vận động sử dụng rất hiệu quả” – ông Ngọc nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên