Chủ động giảm thiểu thiệt hại do bão số 2 gây ra
Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến sáng nay (24/6), ít nhất đã có 6 người chết và mất tích, gần 60 người bị thương khi bão số 2 ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ nước ta.
Đêm qua và rạng sáng nay, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm giảm thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào bờ.
Tại tỉnh Quảng Ninh, trong đêm qua và rạng sáng nay có mưa nhỏ ở một vài nơi, tại Móng Cái và đảo Cô Tô gió cấp 4, cấp 5. Chủ động đối phó với thời tiết diễn biến xấu, tỉnh Quảng Ninh triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các Cảng, và khu nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn…
Ông Phạm Đình Hoà, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Chúng tôi đã khuyến cáo, nếu điều kiện thời tiết có giông lốc thì tất cả các cần cẩu phải tạm ngừng hoạt động, kể cả các máy rót than. Các tàu thuyền du lịch phải vào nơi trú tránh không được nghỉ đêm trên Vịnh. Có 162 tàu, thuyền của tỉnh cũng đã vào nơi trú đậu an toàn. Đêm qua và rạng sáng nay ở Móng Cái và đảo Cô Tô chỉ có mưa nhỏ, gió cấp 4 cấp 5".
Do ảnh hưởng của bão số 2 nhiều địa phương đã có mưa to. Tại thôn Sua Lông, Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã có 4 người chết do bị lũ cuốn trôi trong khi đang đi xúc cá.
Mưa lớn chiều và tối qua đã làm nhiều điểm tại thành phố Hải Phòng bị ngập cục bộ, giao thông tắc nghẽn. Trận lốc lớn đi qua khu vực xã An Lư, huyện Thuỷ Nguyên gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thông tin ban đầu, lốc xoáy đã làm 859 ngôi nhà bị tốc mái, 16 nhà bị sập đổ và làm hai người chết, trong đó có một phụ nữ đang có thai; 55 người bị thương, trong đó có 32 người bị thương nặng. Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng và huyện Thuỷ Nguyên đã huy động lực lượng đưa những người bị thương đến bệnh viện, và bố trí chỗ ở tạm thời cho các gia đình có nhà cửa bị hư hỏng.
Ông Nguyễn Trần Anh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân kiêm Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng cho biết: "Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, chúng tôi đã huy động các lực lượng xuống để cứu trợ nhân dân khắc phục hâụ quả. Đồng thời huy động xe cứu thương của huyện và thành phố đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Trước mắt, lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thành phố hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có nạn nhân thiệt mạng. Những hộ bị sập nhà cũng được trợ giúp ở tạm nhà người dân lân cận. Trong sáng nay, chúng tôi sẽ tiếp tục cử lực lượng như công an, quân đội sẽ giúp nhân dân để dọn dẹp".
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định, đến 21h tối qua (23/6) toàn bộ 1.600 tàu thuyền đánh bắt gần bờ của tỉnh Nam Định với 5.816 ngư dân đã quay về bờ an toàn; các tàu đánh bắt xa bờ cũng đã tìm được nơi trú tránh an toàn. Đến nay, tỉnh Thanh Hoá cũng đã kêu gọi gần 7.800 phương tiện hoạt động trên biển, với hơn 23.000 lao động vào nơi trú ẩn an toàn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ chiều tối 23/6, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa, mưa rào và giông trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến các khu vực từ 80-120mm, vùng cao có nơi mưa trên 140mm. Thời tiết diễn biến xấu do mưa kéo dài, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất, đá, ngập úng cục bộ nhất là ở các huyện vùng núi là rất cao.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp duy trì chế độ trực 24/24 giờ; khuyến cáo các hộ dân sinh sống ven các sông suối, dưới các chân đồi núi cao, khu vực thường hay xảy ra sạt lở cần đề phòng mưa to sinh lũ lớn, sạt lở đất đá. Đặc biệt, các hộ dân sinh sống bên dưới các hồ thuỷ điện, hồ chứa nước cho sản xuất phải cảnh giác với mưa lớn gây tràn bờ.
Đối với những hộ còn đang ở những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai sẽ kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn.
Trong 6 tháng năm 2011, tỉnh Lào Cai bố trí, sắp xếp lại dân cư cho 105/423 hộ di chuyển phòng tránh thiên tai. Về các biện pháp phòng chống cơn bão số 2 trên địa bàn, ông Phạm Đình Quê, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai xác định rõ vai trò của cấp chính quyền xã, thôn bản và đặc biệt là sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống lụt bão. Vì chỉ có người dân và chính quyền cơ sở mới biết rõ được tình hình ở địa phương cũng như dạng thiên tai thường xảy ra để có biện pháp phòng chống phù hợp, kịp thời”./.