Chủ động phòng ngừa ma túy trong trường học trước thềm năm học mới
VOV.VN - Năm học mới sắp bắt đầu, bên cạnh những háo hức, mong chờ của học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo, có một nỗi lo vẫn đè nặng cộng đồng xã hội, đó ma túy luôn là mối đe dọa thường trực với môi trường học đường.
Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe, tương lai của các em mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội.
Nhằm cung cấp thêm thông tin về thực trạng đáng báo động này, cũng như các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Trung tá Phan Anh Trung, Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an.
PV: Theo đánh giá của ông, tình hình tội phạm ma túy trong môi trường giáo dục đang có diễn biến như thế nào? Các loại ma túy nào đang được sử dụng phổ biến trong giới học sinh, sinh viên hiện nay và có sự thay đổi nào so với trước đây không?
Trung tá Phan Anh Trung: Chúng tôi thống kê có hơn 1.700 học sinh, sinh viên nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; hơn 100 học sinh, sinh viên phạm tội về ma túy. Có thể nói số này chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại rất đáng báo động vì đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là với môi trường học đường – vốn được coi là môi trường trong sạch nhất.
Nếu như trước đây việc nghiện ma túy chủ yếu là thuốc phiện, hêroin, tiếp đến là một số loại ma túy tổng hợp nhóm Amphetamin, Methamphetamin (như hồng phiến, thuốc lắc…) thì hiện nay người nghiện nói chung, giới trẻ nghiện ma túy nói riêng đang có xu hướng chuyển sang dùng các loại ma túy mới, có độc tố cao nhưng lại dễ dàng mua bán, cất giấu và sử dụng.
Chẳng hạn như các loại ma túy tổng hợp: Ketamine, Bromazepam, GHB (còn gọi là ma túy nước biển)… thường được dùng tạo ra đồ uống như: “nước vui”, nước dâu, cà phê. Hay nhóm cần sa và cần sa tổng hợp tạo ra các loại ma túy “núp bóng” là bánh kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc (hay còn gọi là cỏ Mỹ) và các sản phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Việc sử dụng có thể diễn ra ở bất kỳ đâu như: quán bar, cà phê, quán nước hay tại nhà riêng.
PV: Sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, gia đình... trong công tác phòng ngừa tội phạm về ma tuý diễn ra như thế nào thời gian qua? Năm học mới đang tới, giải pháp nào sẽ là trọng tâm, thưa ông?
Trung tá Phan Anh Trung: Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành nhiều chủ trương, quyết sách lớn, tập trung vào các mặt công tác: tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức; tăng cường quản lý, giáo dục các em học sinh, sinh viên tránh xa tệ nạn ma túy.
Đối với các em học sinh, sinh viên trót mắc nghiện hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì được tạo điều kiện đưa đi cai nghiện hoặc đưa vào quản lý theo quy định và được quay trở lại nhà trường sau khi cai nhiện. Với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trong thời gian tới chúng tôi vẫn coi công tác tuyên truyền, giáo dục là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Tuy nhiên bên cạnh đó, các giải pháp về “giảm cung”- tức là đấu tranh hiệu quả với tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chât ma túy vẫn là quan trọng; đồng thời cũng cần triển khai các công tác “giảm tác hại” như làm tốt công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai đối với đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường.
PV: Hiện đang tồn tại những khó khăn, thách thức nào trong công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý, và ông có đề xuất gì để giải quyết những khó khăn đó?
Trung tá Phan Anh Trung: Có thể khẳng định hiện nay, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đang rất thuận lợi hơn là khó khăn thách thức, nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và các cấp, các ngành; sự ủng hộ tuyệt đối của người dân, của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn như: Địa hình Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam, nằm rất gần khu vực Tam giác vàng – trung tâm ma túy lớn của thế giới; Trình độ nhận thức, ý thức pháp luật về phòng, chống ma túy của một bộ phận người dân tại một số địa bàn còn hạn chế; trong khi các loại ma túy mới, nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều, dễ mua bán, sử dụng; thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi.
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện còn lớn. Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đa số còn quá tải dẫn đền nhiều người nghiện còn ở ngoài cộng đồng. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người dân cần tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện công tác phòng, chống ma túy.
Đặc biệt tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lập các hội, nhóm kín trên không gian mạng để lôi kéo, tụ tập tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Cần quan tâm đầu tư cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy “từ sớm”, “từ xa”, ngay ở khu vực biên giới cũng như trong nội địa.
Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, làm giảm tỷ lệ tái nghiện để góp phần giảm “nguồn cầu” về ma túy.”
PV: Xin cảm ơn ông.