Chủ động ứng phó bão số 10, tích cực tìm kiếm cứu nạn người mất tích
VOV.VN - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị cần chủ động ứng phó bão số 10, tích cực tìm kiếm cứu nạn người mất tích.
Phát biểu tại cuộc họp Chỉ đạo ứng phó với bão số 10 (Goni) của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức sáng 3/11, tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, "đặc điểm của bão số 10 là hoàn lưu mây lệch tâm, nên từ chiều 4/11, khu vực miền Trung có mưa, mưa to nhất sẽ bắt đầu từ gần sáng và ngày 5/11, kéo dài đến hết ngày 6/11 ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa từ 100-150 mm/đợt; từ các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 250-350mm/đợt. Từ ngày 5-7/11, các khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 150-250mm/đợt".
Thông tin từ Bộ Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 3/11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện/232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo Báo cáo nhanh của Bộ Giao thông Vận Tải, tính đến 22h ngày 2/11, các tuyến Quốc lộ trong khu vực còn 36 điểm ách tắc giao thông, trong đó 3 điểm ngập ở Quốc lộ 46 và Quốc lộ 15; 33 điểm, sạt lở. Hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam có 5 khu vực bị sạt lở đất.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, tính đến hết ngày 2/11, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 153 xã. Hiện còn 52 xã mất điện tại 2 tỉnh gồm: Quảng Nam 12, Quảng Ngãi 40. Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện còn 16.977 hộ bị ngập (Nghệ An 16.370 hộ, Hà Tĩnh 607 hộ). Tại tỉnh Bình Định, sự cố sạt lở kè biển Tam Quan với chiều dài khoảng 1.600m và nhiều đoạn đê, kè bị bồi lấp, hư hỏng. Tỉnh Quảng Nam có 5.100m đê bị sạt lở, hư hỏng. Tỉnh Nghệ An, sạt lở mái đê Đồng Văn, huyện Thanh Chương (đã xử lý khắc phục đảm bảo an toàn); đê Kênh Thấp, huyện Hưng Nguyên bị nứt dọc thân đê với chiều dài 10m, tràn qua mặt đê với chiều dài 1.100m (tại xóm 3, 4, 5, 7, 8 xã Hưng Đạo).
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 diễn ra sáng 3/11 tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão số 10, mưa lũ và hoàn lưu bão số 9 thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10, 1503/CĐ-TTg ngày 29/10; Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 sáng 2/11.
Trong đó Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuỷ sản và các địa phương kiểm tra chặt chẽ số lượng tàu hoạt động trên biển cũng như neo đậu tại bờ. Thông báo, hướng dẫn các tàu di chuyển, tránh trú vào nơi an toàn hoặc không đi vào các khu vực nguy hiểm. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương kiểm tra hoạt động của các tàu vận tải, các tàu vãng lai đảm bảo an toàn.
Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão số 10 diễn biến phức tạp, bão gây mưa lớn cho khu vực miền Trung, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Do vậy Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bão số 10 trong việc chỉ đạo, đôn đốc, trực ban, tổng hợp số liệu, công tác ứng phó với bão.../.