Chủ động ứng phó đợt nước mặn có thể xâm nhập sâu trên địa bàn Bến Tre
VOV.VN - Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, cuối tháng 2 đầu tháng 3 tới, có nhiều khả năng sẽ xảy ra đợt nước mặn xâm nhập sâu vào địa bàn tỉnh. Do đó, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương ứng phó.
Cơ quan chuyên môn tỉnh Bến Tre dự báo, đợt nước mặn này sẽ xâm nhập sâu tương đương với đợt vừa rồi, nhất là độ mặn hơn 3 phần nghìn có thể xâm nhập nhanh và sâu vào sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên.
Để chủ động nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tất cả các cống ven sông khi có độ mặn trên 1 phần nghìn đều được đóng kín để ngăn mặn; đối với các khu vực nước mặn dưới 1 phần nghìn thì tăng cường mở cửa cống để cho nước vào kênh mương, trữ nước. Tích cực vận hành tích trữ nước ngọt tại Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri) cũng như các hồ, ao chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre có kế hoạch vận chuyển nước cấp bổ cho các trạm cấp nước khi thiếu hụt nguồn nước ngọt; Trung tâm Nước sạch- Vệ sinh môi trường Bến Tre tổ chức bảo trì, bảo dưỡng để vận hành 29 hệ thống lọc mặn công nghệ RO tại 28 nhà máy nước trực thuộc; thống nhất phối hợp với UBND các xã cụ thể hóa lịch cấp nước ngọt tập trung (3 ngày/tuần) qua hệ thống RO cho người dân. Đối với các hệ thống RO do UBND huyện, xã quản lý, UBND xã chịu trách nhiệm bảo trì và vận hành hệ thống lọc RO cấp nước cho người dân khi có nhu cầu. Công tác đắp các đập dã chiến ngăn mặn ở các đầu kênh, rạch sẽ được thực hiện nếu nước mặn xâm nhập sâu.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đã có động thái phòng chống hạn mặn rất tốt, tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là vườn cây ăn trái, hoa kiểng phát triển bình thường.
“Ngành nông nghiệp đã cử anh em đi kiểm tra các nhà máy nước. Trong tuần này sẽ kiểm tra các địa phương trong công tác phòng chống. Bây giờ sự chủ động đã tốt rồi nhưng mà sợ các nhà máy nước những chỗ sà lan không vô được sẽ bị ảnh hưởng. Nước sản xuất ở hơn 1.000 ao hồ đã đào với sự trữ nước trong mương vườn việc tưới tiêu ổn rồi. Năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục làm các đập tạm, đã có 2 cống Trung Nhuận và Xẻo Rắn nên việc cung cấp nước cho vùng lúa huyện Ba Tri và Giồng Trôm đảm bảo an toàn”- ông Đảnh nói./.