Chủ gara bán vàng và xe, xây dựng “bếp ăn dã chiến 0 đồng” trong đại dịch

VOV.VN - Suốt gần 2 tháng qua, anh Nguyễn Hoàng Giang (33 tuổi), chủ gara sửa xe máy ở TP Cần Thơ đã dùng tiền tiết kiệm và bán thêm tài sản để duy trì “bếp ăn dã chiến 0 đồng” đặt ngay giữa gara.

Hành động nhân ái của anh đã cưu mang biết bao mảnh đời khó khăn, bệnh nhân nghèo trong đại dịch, giúp họ có bữa ăn hàng ngày.

Tìm đến gara xe của anh Nguyễn Hoàng Giang, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, không khí tất bật, hối hả chuẩn bị hàng trăm phần ăn khiến ai cũng ngỡ đây là một quán ăn chuyên nghiệp quy mô lớn đang phục vụ cơm trưa cho thực khách. Với gần 20 nhân viên hỗ trợ, chia thành nhiều nhóm đảm trách từ sơ chế, nấu bếp, đến việc múc cơm vào hộp, bỏ thức ăn vào bọc kín…

Anh Hoàng Giang cho biết, khi TP Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 16, gara của anh tạm thời ngưng hoạt động. Anh dành thời gian tuần đầu sắp xếp nhân viên, lo chỗ ăn ở cho họ khi bị kẹt lại và cũng chăm lo cho vợ sắp sinh bé thứ hai.

Hơn 1 tháng trước, khi đưa vợ đi sinh tại bệnh viện trong thời gian giãn cách xã hội, thấy một số bệnh nhân và người nhà khổ quá, nhất là việc ăn uống không đảm bảo, nên anh nảy ra ý định hỗ trợ cơm. Ban đầu bếp chỉ nấu 20 - 30 phần/ngày, dần về sau nhu cầu bà con tăng lên, thế là đến nay đã nấu 500 – 700 phần cơm/ngày.

“Những nơi mình cho cơm là bệnh viện, các chốt phòng chống dịch, mấy khu nhà trọ có bà con lao động khó khăn với sinh viên. Chi phí một ngày dao động từ 5 – 7 triệu đồng. Nếu có anh em tiếp sức thì chi phí nhẹ hơn, tầm 2 – 3 triệu đồng”, anh Giang chia sẻ.

Từ gara chuyên sửa xe phân khối lớn, trong tích tắc anh Hoàng Giang đã sửa sang thành “bếp nấu ăn dã chiến”; đồng thời, gần 20 nhân viên sửa xe cũng bước vào “nghề tay trái” làm bếp không chuyên. Nấu ăn số lượng lớn trong lúc dịch bệnh, nên trong quá trình chế biến món ăn, hầu hết các thành viên đều thực hiện nghiêm biện pháp 5K. Chia tốp từ 2 - 3 người, giữ khoảng cách, thực hiện từng khâu một có trình tự.

Anh Lê Chí Cường (33 tuổi), ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đầu bếp chính tại “bếp nấu ăn dã chiến” cho biết, anh làm đầu bếp được gần 10 năm, trước đây là đầu bếp trong căn tin một vài trường đại học. Trong thời gian nghỉ dịch, được lời mời từ anh Giang, nên qua nấu ăn hỗ trợ. Anh luôn thay đổi thực đơn mỗi ngày và cố gắng hoàn thành công việc thật nhanh.

“Sáng bếp nấu có khi từ 4 giờ, chiều 5 giờ là nghỉ. Trong lúc khó khăn này, có nhiều người không dám làm, chúng tôi ra làm vậy cảm thấy hạnh phúc, được đem những món ăn mình nấu phục vụ cho bà con lúc này có ý nghĩa hơn bình thường”, anh Cường bày tỏ.

Song song với việc nấu các suất cơm từ thiện, anh Nguyễn Hoàng Giang còn hỗ trợ thu mua nông sản cho bà con nông dân, đem tặng lại cho người nghèo; tổ chức tặng 100 - 200 phần quà gồm gạo, chà bông, nhu yếu phẩm… cho các khu phong tỏa, cách ly.

Nhiều hoạt động diễn ra cùng lúc, nên để duy trì bếp ăn xuyên suốt, anh Hoàng Giang phải trích tiền tích cóp được, bán luôn 7 chiếc xe máy cổ điển do anh sưu tập với giá từ 30 - 90 triệu đồng/chiếc, thậm chí cầm hoặc bán luôn một số vàng của gia đình. Việc làm này của anh ban đầu đã gặp sự phản đối từ gia đình.

Chị Lý Thị Ngọc Nga (28 tuổi), vợ anh Giang chia sẻ, công việc làm ăn ảnh hưởng bởi dịch, nhà lại có 2 đứa con nhỏ và anh em trong xưởng kẹt lại, cần số tiền lớn chi tiêu. Khi anh bán xe, bán vàng để làm từ thiện, trước đây bản thân chị không ủng hộ. Nhưng nay khi thấy quyết tâm của anh chăm lo cho bà con, chị đã xuôi theo.

“Không cho anh Giang làm thì anh buồn. Anh nói hoàn cảnh hồi xưa anh cũng đi lên từ mồ côi, khó khăn lắm. Sau này thấy anh làm, bà con người ta cám ơn anh nhiều, tôi thấy vui, ủng hộ anh thêm. Tới đâu mình làm tới đó, cố gắng làm hết sức mình để giúp thêm nhiều người nữa”, chị Nga cho hay.

Sự nhân ái của anh Hoàng Giang không chỉ lay chuyển quyết định từ người thân trong gia đình, mà còn lan tỏa đến nhiều mạnh thường quân trên địa bàn Cần Thơ. Gara của anh cứ 2 – 3 ngày lại nhận được sự giúp sức rau, củ, quả từ những chương trình thiện nguyện khác.

Ông Nguyễn Thành Quý, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Nhã Thanh, đường 3/2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - người ủng hộ rau củ, quả cho anh Hoàng Giang cho biết: “Tôi chỉ hỗ trợ chút rau củ quả để cải thiện một phần trong bữa ăn. Tất cả mọi người làm mục đích chung là hỗ trợ bà con khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, thậm chí là các chốt lực lượng tuyến đầu cũng thành phố vượt qua đại dịch vì bây giờ ở đâu cũng khó khăn – “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Từ sự góp sức của cộng đồng đã truyền nhiệt để “bếp nấu ăn dã chiến 0 đồng” của anh Hoàng Giang ngày đêm đỏ lửa. Đều đặn 11h hàng ngày, từng phần cơm kèm đồ ăn được bày trên chiếc bàn nhỏ để người khó khăn đến nhận. Bà Thích Kim Hai, ở trọ tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, mấy tháng nay thất nghiệp vì không bán được vé số, xúc động khi cầm trên tay hộp cơm nóng.

“Hàng ngày 11h tôi thường xuyên đến đây. Ở đây phát cơm cho đồ ăn rất  ngon, có khi là vịt xào gừng, có khi gà ram mặn, có khi hột vịt chiên nữa. Các cháu ở đây tốt lắm, rất là hảo tâm. Trong lúc dịch này, họ tiếp sức cho Nhà nước ủng hộ, giúp đỡ cho những người khó khăn như chúng tôi”, bà Hai nói.

Xuất thân từ một trẻ mồ côi, bố mẹ bỏ rơi ngay khi lọt lòng, được bà ngoại nuôi dưỡng, anh Nguyễn Hoàng Giang thấu hiểu nỗi cơ cực của những người khó khăn. Bởi thế anh luôn tâm niệm khi cuộc sống ổn định sẽ hỗ trợ lại cho những trẻ em mưu sinh nơi đường phố, cơ nhỡ, mồ côi, người khó khăn.

“Tôi làm công việc này giúp cho bà con lúc dịch bệnh khó khăn. Nếu như có điều kiện thì qua dịch tôi sẽ tiếp tục duy trì công việc này mang tính chất chuyên nghiệp hơn. Dự kiến sắp tới, tại gara rất rộng, tôi sẽ mở thêm một trung tâm dạy ngoại ngữ cho trẻ em khó khăn; nuôi dạy luôn trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn Cần Thơ”, anh Giang cho hay.

“Bếp ăn dã chiến 0 đồng” được tạo nên từ tấm lòng hào sảng, đầy ấm áp của anh Nguyễn Hoàng Giang đã sẻ chia khó khăn với những phận đời kém may mắn. Chắc rằng, dịch bệnh sẽ qua đi nhưng sự tử tế, tình yêu thương được kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng vẫn còn đọng lại mãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bếp ăn phụ nữ “đỏ lửa” hỗ trợ tuyến đầu chống dịch
Bếp ăn phụ nữ “đỏ lửa” hỗ trợ tuyến đầu chống dịch

VOV.VN - Gần 1 tháng nay, vào mỗi bữa trưa và tối, các chị em thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Dương Nội phối hợp với trường Mầm non Dương Nội đã nấu hàng trăm suất cơm gửi tới tuyến đầu chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Bếp ăn phụ nữ “đỏ lửa” hỗ trợ tuyến đầu chống dịch

Bếp ăn phụ nữ “đỏ lửa” hỗ trợ tuyến đầu chống dịch

VOV.VN - Gần 1 tháng nay, vào mỗi bữa trưa và tối, các chị em thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Dương Nội phối hợp với trường Mầm non Dương Nội đã nấu hàng trăm suất cơm gửi tới tuyến đầu chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

“Bếp ăn 0 đồng” ấm lòng người nghèo Hà Nội trong giãn cách
“Bếp ăn 0 đồng” ấm lòng người nghèo Hà Nội trong giãn cách

VOV.VN - Mô hình “bếp ăn 0 đồng” mỗi ngày mang khoảng 800 suất ăn đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội, giúp nhiều người yếu thế bớt gian nan trong mùa dịch.

“Bếp ăn 0 đồng” ấm lòng người nghèo Hà Nội trong giãn cách

“Bếp ăn 0 đồng” ấm lòng người nghèo Hà Nội trong giãn cách

VOV.VN - Mô hình “bếp ăn 0 đồng” mỗi ngày mang khoảng 800 suất ăn đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội, giúp nhiều người yếu thế bớt gian nan trong mùa dịch.

Trao hàng ngàn phần quà “siêu thị 0 đồng, bếp ăn 0 đồng” đến người khó khăn ở Cần Thơ
Trao hàng ngàn phần quà “siêu thị 0 đồng, bếp ăn 0 đồng” đến người khó khăn ở Cần Thơ

VOV.VN - Hàng ngàn phần quà nhu yếu phẩm đã được Hội LHPN TP Cần Thơ trao tặng, hỗ trợ người dân khó khăn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần ổn định đời sống bà con trên từng địa bàn.

Trao hàng ngàn phần quà “siêu thị 0 đồng, bếp ăn 0 đồng” đến người khó khăn ở Cần Thơ

Trao hàng ngàn phần quà “siêu thị 0 đồng, bếp ăn 0 đồng” đến người khó khăn ở Cần Thơ

VOV.VN - Hàng ngàn phần quà nhu yếu phẩm đã được Hội LHPN TP Cần Thơ trao tặng, hỗ trợ người dân khó khăn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần ổn định đời sống bà con trên từng địa bàn.