Chủ tịch Bình Dương nhận khuyết điểm vì thiếu thuốc, vật tư y tế
VOV.VN - Hôm nay (8/12), tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã nhận khuyết điểm với cử tri khi liên tục để thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế, cũng như chậm đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào vận hành.
Cử tri “than” nặng gánh tiền thuốc
Ở phần chất vấn Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, các đại biểu HĐND đặt vấn đề, mặc dù đã liên tục kiến nghị nhưng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công vẫn chưa được khắc phục. Việc này không chỉ gây khó khăn cho người dân tham gia bảo hiểm y tế vì phải “gánh” chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc vận động người dân mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu HĐND đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương giải trình nguyên nhân và có giải pháp căn cơ để khắc phục, kịp thời đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng cho người dân.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương nhận khuyết điểm khi để thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế. Bên cạnh nguyên nhân do vướng thủ tục pháp lí trong việc đấu thầu tập trung thì còn do nhân viên y tế sợ trách nhiệm nên việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu còn chậm.
Sau khi Bộ Y tế có thông tư gỡ vướng, tháng 4/2023, tỉnh đã tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc tây y trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu 20 mặt hàng do nhà thầu đứt gãy chuỗi cung ứng.
Việc thiếu hóa chất xét nghiệm, thiếu vật tư y tế, Sở đã hoàn thiện công tác tổ chức đấu thầu, dự kiến đến cuối tháng 12 năm nay, gói thầu trị giá 56 tỷ đồng sẽ hoàn thành. Đầu năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cũng tổ chức xong việc đấu thầu gói mua sắm vật tư thông thường trị giá trên 40 tỷ đồng. Như vậy, đến quý I/2024, người dân sẽ không phải xét nghiệm, hay mua vật tư y tế bên ngoài.
Đối với thuốc y học cổ truyền, dự kiến cuối tháng 12/2023 sẽ có kết quả đấu thầu thuốc thành phẩm. Tuy nhiên, còn vị thuốc y học cổ truyền thì không có đơn vị tham gia nên không thể mua sắm tập trung. Sở Y tế đã chỉ đạo cơ sở y tế tự mua sắm vị thuốc y học cổ truyền để phục vụ người bệnh.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sở cũng yêu cầu các cơ sở y tế nắm bắt số lượng thuốc để chủ động đấu thầu thuốc mới, để không bị đứt quãng trong thời gian tới.
“Đứng trước những khó khăn đó, ngành y tế nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm, mặc dù đã đôn đốc rất nhiều và tìm nhiều biện pháp nhưng kết quả không được như kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên do có những quy định mới, đặc biệt là những quy định đặc thù của tỉnh đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế. Chúng tôi cam kết những năm sau tình trạng thiếu thuốc, vật tư sẽ không tái diễn", ông Nguyễn Hồng Chương nói.
Liên tục để cử tri kiến nghị việc thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng nhận khuyết điểm. Ông đề nghị Sở Y tế đã được phân cấp, phân quyền và đã được tháo gỡ khó khăn trong việc mua vật tư, sinh phẩm và thiết bị y tế thì phải chủ động ngay. Đối với 20 loại thuốc tây y không thể đấu thầu thì sở phải chủ động mua lẻ.
Ông Võ Văn Minh nói: "Hơn 20 danh mục này thì UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục chủ động mua lẻ do đấu thầu không có. Thiếu nữa là thiếu thuốc y học cổ truyền. Hai vấn đề đang thiếu, ngành y tế và tỉnh cũng đã thấy thì sẽ quyết tâm thực hiện sớm. Tôi đề nghị trong kỳ họp lần tới, hy vọng cử tri và đại biểu sẽ không chất vấn về vấn đề này nữa".
Cử tri “dài cổ” chờ bệnh viện 1.500 giường
Cũng liên quan đến vấn đề y tế, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là công trình trọng điểm của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động, từ đó gây lãng phí, ảnh hưởng đến việc chăm sóc tốt sức khỏe cho dân dân.
Đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh đề nghị: “Hiện nay, người dân rất mong chờ bệnh viện đi vào hoạt động. Đề nghị giám đốc sở y tế cho biết khi nào bệnh viện đa khoa 1.500 giường đi vào hoạt động và có giải pháp gì đảm bảo tiến độ thực hiện”.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho rằng, bệnh viện đa khoa 1.500 giường là công trình trọng điểm của tỉnh do Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng tỉnh xây dựng, ngành y tế chỉ là đơn vị tiếp nhận. Khi nào xây dựng xong thì Sở Y tế sẽ đưa vào hoạt động ngay.
Về tiến độ, công trình tòa nhà bệnh viện đã xây dựng được 92% khối lượng, trong năm 2024 sẽ xây dựng xong hết. Hiện tại đang bị vướng ở khối hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế. Tỉnh đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Riêng khối mua sắm trang thiết bị y tế đang thẩm định chủ trương đầu tư, do phải thay đổi một số thiết bị, máy móc cho phù hợp.
Dự kiến, trong quý I/2024 sẽ hoàn thành tất cả các khối công trình bệnh viện. Quý II/2024 sẽ lắp đặt tất cả các trang thiết bị và bàn giao chạy thử công trình. Trong khoảng quý III/2024 sẽ bàn giao cho ngành y tế sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường trách nhiệm xây dựng là của Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng tỉnh với sự điều hành của UBND tỉnh. Tiến độ xây dựng chậm là trách nhiệm của các đơn vị thi công, do đó lãnh đạo tỉnh phải đôn đốc, nhắc nhở để sớm đưa vào vận hành.
Ông Nguyễn Văn Lộc nói, ở góc độ Sở Y tế là cần xây dựng Đề án để vận hành hiệu quả bệnh viện khi tiếp nhận.
“Trách nhiệm của Sở Y tế làm sao có một đề án được UBND tỉnh phê duyệt về vận hành bệnh viện tỉnh cho hiệu quả và di chuyển từ Bệnh viện 512 (Bệnh viện tỉnh cũ) vào bệnh viện mới. Việc này đề nghị Sở Y tế tích cực phối hợp để khi hoàn thành bệnh viện thì đưa vào vận hành luôn”, ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Cũng trong hôm nay, giám đốc công an tỉnh Bình Dương cũng đăng đàn trả lời chất vấn về vấn đề giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Sau phần chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã bấm nút thông qua 22 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh.