Chùa Hương sẵn sàng mở hội
(VOV) -Vé đò và vé thắng cảnh lễ hội chùa Hương là hai loại vé tách biệt, không chung và vẫn giữ nguyên mức phí như năm trước
Năm 2013, được chọn là năm du lịch quốc gia của các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Hải Phòng. Lễ hội chùa Hương là một trong 6 lễ hội trọng điểm của cả nước. Năm nay, TP Hà Nội chọn lễ hội chùa Hương mở đầu cho các sự kiện du lịch của Hà Nội với chủ đề: Lễ hội chùa Hương nét đẹp truyền thống Việt.
Hoàn tất cơ sở hạ tầng
Thông tin về công tác tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương báo cáo: Đến nay, cơ sở vật chất được chuẩn bị cơ bản sẵn sàng đáp ứng mùa lễ hội mới. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật giao thông, đường thủy và đường bộ đã được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, cầu Yên Vĩ đã được xây dựng mới với 2 làn xe. Đường giao thông từ Ba La về chùa Hương đã được nâng cấp. Các tuyến đường bộ trong khu vực chùa cũng đã được đầu tư. Hệ thống cáp treo cũng được bảo dưỡng, đảm bảo an toàn cho du khách. Đặc biệt năm nay, hệ thống nhà vệ sinh được đánh giá đạt chuẩn. Các dịch vụ hàng quán, được Ban tổ chức bố trí cho bà con gắp phiếu vị trí để tự làm quán phục vụ lễ hội. Lý giải việc mỗi năm dựng lều quán lên rồi hạ xuống gây cảnh quan không đẹp. Ông Hậu cho biết do khu vực chùa Hương chưa được quy hoạch cũng như chưa phân khu chức năng nên chưa tổ chức xây dựng đồng bộ.
Để đảm bảo an toàn cho du khách đi đò thăm quan suối Yến đến chùa Thiên Trù, những người tham gia phục vụ lễ hội được học tập Luật An toàn giao thông đường bộ và đường thủy và các quy định của Ban tổ chức, nhất là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm. “Tất cả những người trực tiếp tham gia dịch vụ ngành hàng ăn uống phải qua khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận quầy hàng vệ sinh an toàn thực phẩm mới được hành nghề tại lễ hội. Chúng tôi cũng khuyến khích người bán hàng cam kết trưng bày sản phẩm trong tủ kính để bảo quản tốt hơn”- Ông Hậu cho biết.
Dịch vụ ăn uống liệu có còn trưng bày thực phẩm phản cảm? |
Như truyền thống hàng năm, khai hội chính thức chùa Hương kéo dài 3 tháng sẽ bắt đầu vào ngày 15/2/2013 (tức 6 tháng Giêng Quý Tỵ) gồm 2 phần lễ và hội. Lễ hội năm nay tiếp tục duy trì có các tiết mục văn nghề đặc sắc phù hợp với lễ hội du lịch tâm linh; Các màn biểu diễn múa lân rồng… Du khách sẽ dự lễ khai hội tại sân Tam Bảo của chùa Thiên Trù; Một phòng ảnh chủ đề: Chùa Việt cũng được trưng bày giới thiệu. Ngoài ra, năm nay tại Thiên Trù nhà chùa còn tổ chức lễ phóng sinh.
Theo ông Hậu, nét mới trong mùa lễ hội năm nay là lần đầu tiên trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, Ban tổ chức sẽ có 1 thuyền văn hóa xuôi ngược trên suối Yến phục vụ văn hóa, văn nghệ cho người hành hương, đồng thời tuyên truyền các quy định của Ban tổ chức. Vào các ngày Nguyên tiêu (15/1 âm lịch), ngày Phật đản (15/4 âm lịch), Ban tổ chức cùng nhà chùa sẽ tổ chức văn hóa văn nghệ và làm lễ.
Về phía nhà chùa, cũng đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị phục vụ bà con tham gia tín ngưỡng tâm linh. Những vấn đề bất cập của năm ngoái đã cơ bản được khắc phục.
Số lượt khách tham quan mỗi ngày rất lớn nên việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn hết sức được coi trọng. Ông Hậu nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trật tự an ninh và an toàn xã hội ở khu vực chùa Hương. 170 cán bộ chiến sĩ sẽ tham gia bảo vệ trật tự lễ hội”.
Tham gia vận chuyển khách trên suối Yến, theo ông Hậu sẽ có 5.000 chiếc vừa đò, vừa xuồng đã được kiểm tra đăng ký, đăng kiểm để chuẩn bị phục vụ du khách. Những phương tiện này có khả năng vận chuyển 6 đến 7 vạn lượt khách/ngày.
Về công tác thu phí tham quan và đi đò, ông Hậu cho biết, vé đò và vé thắng cảnh lễ hội chùa Hương là hai loại vé tách biệt không chung. Phí thăm quan thắng cảnh là 50.000 đồng/người/vé. Phí đi đò tuyến Hương Tích là 35.000 đồng/người/vé (gồm cả chiều đi và về).
Trao đổi về tình trạng lái đò vòi vĩnh xin tiền, ông Hậu khẳng định vẫn còn nhưng tỷ lệ không nhiều như trước. “Chúng tôi nhiều năm thường xuyên giáo dục lái đò, phần lớn đã chấp hành tốt. Nhưng vẫn còn những lái đò ở xã khác tới chở thuê chưa nghiêm túc chấp hành” - ông Hậu nói.
Lái đò không được phép chèo kéo xin thêm tiền khách |
Ngoài ra, tình trạng “cò” ra tận Tế Tiêu, Ba La để chèo kéo khách vẫn còn. Ông Hậu cho biết, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã đề cập trong kế hoạch bảo vệ trật tự và phương án khắc phục hạn chế này.
Vấn đề vệ sinh rác thải luôn được ban tổ chức quan tâm, dọc tuyến tham quan tính từ khu vực chùa Thiên Trù, hoàn thành 13 nhà vệ sinh đạt chuẩn, và bố trí thêm 3 nhà vệ sinh lắp ghép trong động Hương Tích. Mật độ thùng chứa rác, lực lượng thu gom rác thải cũng được bố trí dày đặc hơn.
Trao đổi về xử lý rác thải rắn từ Thiên Trù lên đến Hương Tích, ông Hậu cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng xử lý rác thải ngay tại chỗ không vận chuyển ra ngoài xử lý, “Rác trong khu vực chùa xử lý ngay tại đó, tuy nhiên chúng tôi vẫn cảm thấy chưa hài lòng và vẫn còn bất cập, vấn đề nước cũng rất khó khăn chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để khắc phục”.
Ông Hậu cũng khuyến cáo du khách tham gia lễ hội cần chú ý chấp hành điều hành của Ban tổ chức, không nên nghe lái đò chèo kéo và không nên tùy tiện vứt rác bừa bãi xuống suối để giữ gìn cảnh quan vệ sinh môi trường./.