Sự thật về bể bơi hoành tráng tại Việt Trì (Phú Thọ)

Chưa nghiệm thu đã thủng đáy!

Đã hết hạn bảo hành 2 tháng, nhà thầu đã cơ bản thanh toán xong, nhưng công trình không thể nghiệm thu được, vì… bộc lộ những dấu hiệu của một "căn bệnh nan y".

Công trình được xây dựng phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII năm 2008 với 8 làn bơi có mái che, khán đài đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu lớn có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 88,3 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án xây dựng văn hoá - xã hội thuộc UBND tỉnh Phú Thọ; Tổng công ty Thành An liên danh với Công ty cổ phần Xây lắp cơ khí số 2 Hà Bắc (COMA-2) nhận thầu và bàn giao, đưa vào sử dụng từ 16/6/2008, thời gian bảo hành 18 tháng.

Công trình “có bệnh” đã từ lâu

Sáng 22/2/2010, có mặt tại bể bơi Việt Trì chúng tôi đã được chứng kiến cảnh “khô hạn” của công trình. Ông Nguyễn Thanh Tùng - người đang quản lý bể bơi - liền thanh minh: “Khô hạn không phải vì mất nước, mà chẳng qua là do chúng tôi vừa cho tháo cạn để vệ sinh chuẩn bị bơm nước vào phục vụ Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XV năm 2010 của tỉnh Phú Thọ sắp được tổ chức vào trung tuần tháng 3/2010.”

Ông Tùng cũng cho biết thêm, nếu hệ thống đường ống dưới đáy bể có bị rò rỉ sẽ được bơm keo vào theo kiểu “vá săm xe” là có thể lại yên tâm sử dụng!

Bể bơi hoành tráng tại Việt Trì - Phú Thọ chưa kịp nghiệm thu đã bị thủng đáy

Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Hùng Vương (kế thừa công việc của Ban Quản lý xây dựng văn hoá - xã hội của UBND tỉnh Phú Thọ) lại thông tin với chúng tôi một sự thật khác từ nội dung công văn số 28/BQLDA-KTKT ngày 3/2/2010 gửi Tổng công ty Thành An về việc bảo hành phần thiết bị công trình bể bơi Việt Trì.

Theo đó, trong nội dung công văn nêu rõ: Yêu cầu lập phương án và tổ chức khắc phục ngay các tồn tại của phần thiết bị (đặc biệt là hiện tượng mất nước bể chính) đạt yêu cầu được nghiệm thu trước ngày 13/3/2010 để phục vụ Hội khỏe Phù Đổng… Hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu kết thúc bảo hành theo quy định. Trước đó Ban Quản lý dự án đã hơn một lần đề nghị nhà thầu phối hợp cùng chủ đầu tư, đơn vị quản lý và sử dụng tiến hành kiểm tra để xác định và tiến hành khắc phục các thiếu sót tồn tại của phần thiết bị trước 20/1/2010 nhưng nhà thầu đã bỏ qua. Như vậy “sự sống” của bể bơi này đã có vấn đề từ lâu chứ không phải đến khi phải chuẩn bị sử dụng cho Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XV năm 2010 của tỉnh Phú Thọ mới được phát hiện.

Theo một thông tin đáng tin cậy thì ngay từ khi đưa vào sử dụng cho Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ VII năm 2008, công trình đã bị mất nước, nhưng sự cố này đã được nhà thầu câu kết với một số người bưng bít, đến bây giờ mới bị phanh phui.

Cần nghiêm túc “chẩn bệnh” và xử lý triệt để

Theo thiết kế kỹ thuật thì với thể tích của bể bơi là 100mx50mx3m chỉ cần bơm một lần, với lượng nước 4.000m3 (hơn 30 triệu đồng) là có thể sử dụng lâu dài bằng hệ thống tuần hoàn khép kín từ bể chính qua bể cân bằng đến hệ thống lọc, sau đó lại bơm vào bể chính để tiếp tục sử dụng. Nếu bị hao hụt do hiện tượng bốc hơi nước thì việc bơm bổ sung cũng không đáng kể. Nay bể chính bị mất nước không tìm ra nguyên nhân thì việc duy trì “sự sống” của bể bơi mỗi năm sẽ phải mất hàng trăm triệu đồng nếu không khắc phục được hiện tượng này. Đây là một bài toán khó tìm lời giải vì hệ thống đường ống cấp nước tới 81 vị trí dàn đều cho bể chính đều nằm dưới lớp bê tông cốt sắt kiên cố của đáy bể. Ngoài ra, hệ thống lò hơi cung cấp nước ấm cho bể vào mùa đông nhưng cũng bị đắp chiếu ngay từ khi hoàn thành.

Thông tin mà chúng tôi có được là riêng phần thiết bị cung cấp nước cho bể bơi này đã là 24 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng mức đầu tư được nhập ngoại từ Italy. Thực tế các thiết bị này có được nhập từ Italy hay không, chúng tôi sẽ trở lại trong các bài sau.

Hiển nhiên rằng, chất lượng công trình bể bơi Việt Trì cần phải được bảo đảm cho việc sử dụng lâu dài chứ không chỉ phục vụ Hội khỏe Phù Đổng diễn ra vài ngày như yêu cầu của Ban Quản lý dự án với nhà thầu. Nếu không được xử lý một cách triệt để mà chỉ làm qua quýt cho qua chuyện để nghiệm thu thì hậu quả lãng phí đã có thể nhìn thấy ngay từ bây giờ. Trong trường hợp không thể khắc phục được tình trạng mất nước của bể bơi thì công trình này cũng không thể dùng vào việc gì khác.

Chính tại vị trí bể bơi hiện đại này, năm 1993, UBND thành phố Việt Trì đã khởi công xây dựng một bể bơi có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng mãi đến năm 1997 mới hoàn thành. Công trình vẫn đang sử dụng được nhưng đã bị phá bỏ để lấy chỗ xây dựng bể bơi mới với tổng mức đầu tư gấp gần 10 lần bể bơi cũ. Chẳng lẽ phải xây lại lần thứ 3, Phú Thọ mới có được bể bơi hoạt động tốt.

Được biết, sáng 1/3/2010, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Hùng Vương chính thức họp với Tổng công ty Xây dựng Thành An để tìm ra giải pháp vá đáy bể bơi. Liệu có phép màu nào được tìm ra từ cuộc họp này sau hơn một năm đã bỏ qua sự cố!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên