Chưa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu
VOV.VN - Tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia cách đây 4 tháng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5% một năm. Tuy nhiên đến nay, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bao nhiêu thì vẫn chưa thống nhất.
Thông tin này được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết tại họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trưa 3/12.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia cách đây 4 tháng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5% một năm. Tuy nhiên đến nay, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bao nhiêu thì vẫn chưa thống nhất, bàn bạc.
Ông Hiểu lý giải, tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, mong muốn của người lao động, sức khỏe doanh nghiệp, phía Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau.
Về thông tin trong 5 năm qua, tổ chức công đoàn đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng với tổng mức tăng là 25,34% và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chấp thuận ở mức tăng là 23,3%, ông Hiểu cho hay, đây là con số cộng dồn của nhiệm kỳ vừa qua. Con số này cũng thể hiện nỗ lực của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động thông qua thương lượng tiền lương.
"Để góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, chúng tôi xác định việc thương lượng tiền lương phải là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi điều này liên quan đến đời sống của người lao động, khi cuộc sống ổn định thì người lao động mới cống hiến tốt hơn và nhiều hơn cho công việc", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiểu, trong nhiệm kỳ 2023-2028, một trong những khâu đột phá được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tiền lương, tiền thưởng... Theo đó, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn cơ sở về tiền lương, kỹ năng thương lượng. Đơn vị sẽ quan tâm, chú trọng đến việc nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu hiện nay, cụ thể là việc xác định vùng áp dụng lương tối thiểu. Sau quá trình thương lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp với Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời thông tin về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị nghỉ thêm 2 ngày dịp Lễ Quốc khánh 2/9, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện tại số ngày nghỉ ở hầu hết các nước Đông Nam Á đang có số ngày nghỉ từ 15-16 ngày. Trong khi đó, Việt Nam đang nghỉ 11 ngày.
“Tổng LĐLĐ đề xuất tăng thêm 2 ngày vì hiện nay ngày nghỉ lễ Quốc khánh đang được nghỉ 2 ngày. Chúng tôi muốn cộng từ mùng 2, 3, 4, 5/9 để người lao động đang có con ở độ tuổi đi học có thời gian đưa con đến trường. Với công nhân làm ca, kíp thì việc đưa được con đến trường trong ngày khai giảng cũng là một ước mơ. Thấu hiểu mong ước của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất số ngày nghỉ này để giải quyết được nguyện vọng của người lao động", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm.