Chuẩn bị ứng phó với thời tiết nguy hiểm

Gần 1.000 tàu thuyền với trên 10.000 lao động đang hoạt động tại vùng biển thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa đến Quảng Bình đã vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Để đối phó kịp thời với thời tiết nguy hiểm, ngày 16/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên yêu cầu theo dõi chặt chẽ thông tin về áp thấp và mưa lớn, chủ động các phương án phòng chống lũ, đặc biệt chú ý các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt do mưa lớn.

Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố miền Trung, cho biết, thực hiện công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn. Đến nay, các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Quảng Bình đã kêu gọi được gần 1.000 tàu thuyền với trên 10.000 lao động vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng, nơi vừa bị bão số 10 tàn phá, đến ngày 16/10, vẫn có hàng trăm ngư dân vào tránh bão nhưng tàu thuyền đã bị bão phá nát, sóng gió đánh chìm nên không thể về đất liền. Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa có văn bản khẩn đề nghị Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng đưa lương thực và thực phẩm ra 2 huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Hải, thành phố Hải Phòng để cứu trợ cho khoảng 223 ngư dân đang bị mắc kẹt. Trong đó chủ yếu là ngư dân của tỉnh Thanh Hóa. Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng chỉ đạo các huyện Cát Bà và Bạch Long Vĩ khẩn trương ứng cứu, hỗ trợ về lương thực và thực phẩm cho các ngư dân gặp nạn hoặc mất tài sản. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các sở, ban ngành vận chuyển 230 thùng mì tôm, 230 thùng nước và 230 bộ quần áo ra đảo Bạch Long Vỹ và Cát Bà để ứng cứu các ngư dân của Thanh Hóa.

Ông Cao Xuân Liên, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện đảo Bạch Long Vỹ, khẳng định: toàn bộ ngư dân hiện đã được đưa lên bờ. Huyện cũng đã vận động các gia đình cưu mang, nhường cơm sẻ áo cho bà con gặp hoạn nạn, chờ đến khi có hàng hóa từ đất liền ra ứng cứu. Các con tàu bị hư hại cũng được kéo lên bờ để sửa chữa. Đã có 28 tàu đánh cá của ngư dân bị sóng và bão đánh chìm tại hai đảo Cát Bà và Bạch Long Vỹ; hơn 70 tàu khác bị bão phá hỏng.

Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, với sự giúp đỡ hàng ngàn ngày công của lực lượng xung kích địa phương gồm bộ đội, biên phòng, đoàn thanh niên, đến nay, 200 trong tổng số 376 ngôi nhà bị sập trong bão số 9 tại các huyện và thành phố Huế đã được khắc phục. 10.900 trong tổng số 11.355 ngôi nhà bị siêu vẹo, tốc mái trong bão số 9 ở Thừa Thiên Huế cũng đã được dựng và lợp lại mái nhà.

Quỹ Unilever Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức trao tặng 2.000 phần quà cho các hộ dân xã Đại Quang huyện Đại Lộc, xã Điện Trung huyện Điện Bàn, xã Duy Thành và Duy Phước huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) và xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh và thị trấn Chợ Chùa thuộc huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) bị thiệt hại trong cơn bão số 9. Tổng số tiền đợt cứu trợ là hơn 400 triệu đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên