Chức sắc tôn giáo khẳng định tự do tín ngưỡng ở Tây Nguyên
VOV.VN- Các tôn giáo đang hoạt động rất ổn định, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nguyên.
Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, biểu dương những chức sắc chức việc tôn giáo và người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 9/3, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã có buổi gặp mặt các chức sắc cao cấp Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành, đạo Cao đài ở Việt Nam và Tây Nguyên.
Tại buổi gặp mặt, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định, thời gian qua, Tây Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc, khi tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%, đời sống của bà con các dân tộc ngày càng được cải thiện. Trong sự ổn định phát triển có những đóng góp không nhỏ của hơn 2 triệu người có đạo đang sinh sống ở Tây Nguyên.
Mục sư Ân Ước, Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam (Tin lành miền Nam), cho biết, với sự đầu tư của nhà nước, bà con các dân tộc Tây Nguyên cũng như bà con đạo Tin lành đã ổn định đời sống, thuận lợi trong sinh hoạt tín ngưỡng, yên tâm phát triển kinh tế.
“Là một người công dân của nước Việt Nam, về nghĩa vụ xã hội thì phải hoàn thiện chu toàn, về nghĩa vụ tâm linh chúng tôi cũng hết lòng với Thiên chúa, đó là sự tâm đắc của chúng tôi. Cách đây mấy năm khi chúng tôi tiếp nhận 210 tín đồ theo fulro trở về, thì giáo hội Tin lành đã giáo dục họ ổn định. Nói chung trong giáo hội chúng tôi đã ổn định, sinh hoạt tôn giáo rất bình thường, đó là điều rất mừng”, Mục sư Ân Ước nói.
Được tự do hoạt động, cũng là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bản, Giáo vụ Giáo phận Buôn Ma Thuột. Ông Bản cho rằng, sự phối hợp tốt giữa giáo hội với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo cho những chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người có đạo phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, và hội nhập quốc tế.
“Đã có sự thông suốt về chính sách tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, và chính quyền cũng thấy rõ tôn giáo là một bộ phận xây dựng sự ổn định và phát triển của xã hội. Khi ở địa phương có những vấn đề gì mà giáo dân của tôi bức xúc, chúng tôi trao đổi ngay với Ban tôn giáo của tỉnh với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nhờ thế mà tôi thấy ở Đắc Lắc, Đắc Nông cũng như Bình Phước trong giáo phận của tôi thì bà con giáo dân chúng tôi rất là phấn khởi. Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị, và tôi mong quý vị tiếp tục phát huy vai trò giúp cho đất nước mình hội nhập vào thế giới một cách tốt đẹp và vững vàng”, ông Nguyễn Văn Bản nói.
Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, đồng bào là giáo dân của các tôn giáo có thể vừa tự do theo tín ngưỡng của mình, thực hiện tốt trách nhiệm công dân.
“Tôi nghĩ rằng các tôn giáo với sự lãnh đạo của Đảng của Nhà nước, chúng ta lấy tinh thần đoàn kết lấy tinh thần hòa hợp, và điều này thì Phật giáo Việt Nam đã làm được, và sự nhạy cảm đó hầu như không còn tồn tại trong sinh hoạt của giới Phật giáo ở vùng Tây Nguyên. Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao chúng ta thể hiện tinh thần của một người dân đối với Tổ quốc đối với đất nước, dù là tôn giáo nào nhưng chúng ta sống trên mảnh đất này, chúng ta được sinh ra và lớn trên mảnh đất yêu thương của dân tộc, thì bổn phận trách nhiệm của chúng ta phải tất cả cho Tổ quốc cho dân tộc”, Thượng tọa Thích Huệ Thông nói./.