Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa

VOV.VN - Để bảo vệ cảnh quan môi trường và các giá trị di sản, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.

 

Hơn 6 giờ sáng, 12 tàu thu gom rác bắt đầu công việc trên mặt biển Vịnh Hạ Long. Nhân viên vệ sinh môi trường sẽ được bố trí làm việc tại các khu vực bãi tắm, khu neo đậu nghỉ đêm của tàu lưu trú; các cửa hang, khu vực chân núi hay các luồng tuyến du lịch...

Anh Nguyễn Văn Thanh (53 tuổi), công nhân Công ty CP công viên cây xanh Quảng Ninh cho biết: "Những hôm thời tiết thay đổi thì các tảng xốp trôi vào rất nhiều, túi nhựa nilon còn các mảng tre thì đỡ hết rồi vì họ cấm không được sử dụng. Còn hôm nào gió mùa thì đi nhặt rác ở chân núi. Ngày nào cũng có rác, chúng tôi cũng làm liên tục, có ngày mất ít thì 3 lít dầu, nhiều thì đến 10 lít dầu".

Trung bình mỗi ngày, có khoảng 4-5 tấn rác trôi nổi được vớt lên từ mặt nước vịnh Hạ Long. Phần lớn trong số đó là rác thải nhựa như túi nilon, phao xốp, vỏ chai nước lọc, lon bia, hộp đựng thức ăn... Tất cả sẽ được thu gom, đưa về bờ để xử lý.

Để giảm lượng rác thải là phao xốp, Quảng Ninh đã tiên phong ban hành Quy chuẩn địa phương về phao nổi cho ngành nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh giám sát chặt chẽ việc thay thế phao xốp bằng các loại vật liệu nổi thân thiện với môi trường. Tại khu nuôi trồng thủy sản làng chài Vông Viêng, hàng nghìn phao xốp được thay thế đã góp phần hạn chế rất nhiều lượng rác thải nhựa trên vịnh.

Ông Tăng Văn Phiến, Chủ nhiệm HTX Vạn Chài Vông Viêng cho biết: "Hiện nay, các cơ sở hạ tầng, sân nhà nổi dùng để tiếp nhận đón khách du lịch, chúng tôi đang sử dụng vật liệu là nhựa phủ sơn Line-X của Hoa Kỳ. Còn các bè nuôi trồng thủy sản dùng phi nhựa. Ưu điểm của các vật liệu này là rất bền và quá trình sử dụng không bị bở ra như phao xốp, không làm ảnh hưởng tới môi trường Vịnh và phù hợp với túi tiền người dân".

Sau khi ngành du lịch Quảng Ninh phát động chiến dịch tuyên truyền du khách không sử dụng chai nước nhựa trên vịnh Hạ Long, lượng rác do du khách xả xuống vịnh đã giảm nhiều. Trước đó, Quảng Ninh đã yêu cầu hơn 500 phương tiện vận chuyển khách trên Vịnh phải lắp đặt thiết bị phân ly nước - dầu, nghiêm cấm xả nước thải nhiễm dầu ra biển.

Ông Trần Văn Hồng, Phó Chi hội tàu Hạ Long chia sẻ: "Tất cả các tàu hiện nay đã được lắp thiết bị phân ly dầu và là điều kiện bắt buộc theo quy định mỗi khi hạ thủy. Còn hiện nay, các đồ dùng cho du khách nhà tàu không dùng đồ nhựa như nước thì đóng chai thủy tinh, đồ uống đóng lon. Túi nylon và đồ nhựa trên tàu không có".

Nhặt rác, dùng vật liệu nổi thân thiện với môi trường hay không dùng đồ nhựa trong các hoạt động du lịch... đang là những hoạt động thiết thực mà Quảng Ninh bảo vệ môi trường biển, thực hiện các cam kết về phát triển du lịch bền vững. Ông Lưu Thế Anh, Viện trưởng viện TNMT, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, môi trường vịnh liên thông, chịu tác động của nhiều hoạt động sản xuất kinh tế ven bờ khác, vì vậy Quảng Ninh cần nỗ lực hơn nữa trong việc giảm thiểu tác động môi trường tới hệ sinh thái và các loài sinh vật biển.

"Nếu quản lý môi trường bên ngoài không tốt vẫn dẫn tới ô nhiễm môi trường vùng lõi do dòng chảy, sóng và các hoạt động dọc bờ. Cần quan tâm bảo tồn và phát triển bền vững. Bởi đây là câu chuyện khó và được nhắc nhiều ở các di sản. Dù vậy, vịnh Hạ Long vẫn là di sản đầu tiên của cả nước, tiên phong trong việc tiếp cận đánh giá về môi trường và du lịch để lập các kế hoạch phù hợp với sức chứa tự nhiên", ông Lưu Thế Anh cho hay.

Trước những thay đổi tích cực từ những người làm du lịch trên Vịnh Hạ Long, du khách không chỉ bị thu hút bởi giá trị độc đáo riêng có của di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới mà còn rất ấn tượng bởi cách ứng xử với môi trường của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch nơi đây. Dù vậy, để giảm thiểu rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long thì ngoài sự chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị kinh doanh dịch vụ thì còn cần sự thay đổi tích cực trong thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần của chính du khách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phân loại rác ngay tại nhà dân: Biến rác thải nhựa thành tài nguyên
Phân loại rác ngay tại nhà dân: Biến rác thải nhựa thành tài nguyên

VOV.VN -Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình biến rác thải nhựa thành tài nguyên tại 6 phường của quận Hoàn Kiếm gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, có hơn 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác

Phân loại rác ngay tại nhà dân: Biến rác thải nhựa thành tài nguyên

Phân loại rác ngay tại nhà dân: Biến rác thải nhựa thành tài nguyên

VOV.VN -Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình biến rác thải nhựa thành tài nguyên tại 6 phường của quận Hoàn Kiếm gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, có hơn 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác

Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân ven biển
Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân ven biển

VOV.VN - Tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương có xu hướng gia tăng đáng báo động, từng ngày đang dần bóp nghẹt nhiều môi trường sinh thái trên biển.

Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân ven biển

Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân ven biển

VOV.VN - Tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương có xu hướng gia tăng đáng báo động, từng ngày đang dần bóp nghẹt nhiều môi trường sinh thái trên biển.

Tương lai không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, hiệu quả lớn
Tương lai không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, hiệu quả lớn

VOV.VN - Một bước tiến lớn tới tương lai không rác thải nhựa bắt đầu từ những hành động nhỏ nhờ mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào cộng đồng.

Tương lai không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, hiệu quả lớn

Tương lai không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, hiệu quả lớn

VOV.VN - Một bước tiến lớn tới tương lai không rác thải nhựa bắt đầu từ những hành động nhỏ nhờ mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào cộng đồng.