"Chúng tôi không về quê ăn Tết cũng là giảm áp lực cho việc chống dịch Covid-19"

VOV.VN - Khác với mọi năm, năm nay do dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại ngay cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều gia đình đã không thể trở về quê để ăn Tết, mà phải lựa chọn ở lại Hà Nội.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội vẫn chưa hết căng thẳng khiến đường về quê ăn Tết của nhiều lao động nhập cư trở nên xa hơn. Nhiều người xác định ở lại thủ đô nhưng khi nhắc đến Tết xa quê nhiều người không khỏi bùi ngùi.

Ngày 29 Tết, chị Nguyễn Mai Hương, quê tại tỉnh Hải Dương, một trong những tâm dịch Covid-19, tay sắp xếp cặp bánh chưng lên kệ chuẩn bị cho bữa cơm cúng Tất niên ngày mai nhưng bùi ngùi nói: “Giờ này mọi năm tôi cùng cả nhà đang quây quần gói bánh để chuẩn bị luộc và tất nhiên không thể thiếu những chiếc bánh chưng con con cho bọn trẻ. Năm nay, ăn Tết trên này tôi chỉ mua được bánh làm sẵn, gọi là có chút lòng thắp hương các cụ”.

“Về quê thì có nhiều dịp lúc này lúc kia, nhưng Tết cổ truyền vẫn mang ý nghĩa sum vầy khác. Dù sao tôi thấy vẫn may mắn vì mình được sum vầy cả gia đình vợ chồng con cái. Nhiều người thân, bạn bè của tôi ở quê, còn người ăn Tết ở nhà. Người đón Tết ở khu cách ly. Chưa kể những chiến sỹ, bác sỹ… họ còn phải tăng cường trực. Làm gì có Tết”, chị Hương bày tỏ.

Cùng tâm trạng bùi ngùi nhớ quê, anh Nguyễn Tiến Đăng, quê ở Đông Triều, Quảng Ninh chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên trong suốt 20 năm qua, gia đình anh không về quê ăn Tết. Buồn nhất có lẽ là bọn trẻ.

“Do cả hai vợ chồng đều cùng quê nên năm nào cả gia đình cũng về quê sum vầy ăn Tết. Nhà tôi bọn trẻ con là buồn nhất vì cứ Tết và hè là trẻ con các nhà được tụ tập với nhau cùng vui chơi. Trước Tết cũng hy vọng lắm tình hình dịch ổn định để có thể tranh thủ về thăm ông bà mấy hôm. Nhưng đến hôm nay thì ở lại Hà Nội chắc chắn rồi”, anh Đăng nói.

Quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết vào phút chót, nhưng vợ chồng anh Đăng vẫn tin tưởng rất sớm cả gia đình anh sẽ trở về ăn Tết quê. Anh cùng hai con trai đang tranh thủ ra chợ hoa sắm cho nhà mình cành đào, cây quất hay chậu hoa để về trưng Tết.

“Không về quê ăn Tết năm nay nhưng để giữ an toàn cho cộng đồng để sớm trở lại bình thường trong năm sau và những cái Tết sum vầy những năm sau nữa. Bọn trẻ con bây giờ cũng rất thông minh. Chúng được thầy cô giảng giải, xem trên các phương tiện thông tin nên cũng ủng hộ việc ai ở đâu, ở yên đó và cả gia đình cùng nhau ăn Tết tại Hà Nội”, anh Đăng phấn chấn.

Chỉ khi kiểm soát được dịch mới là thực sự “ăn Tết”

Nhiều người dân đều nhận thức ở lại “tại chỗ” để ăn Tết là góp phần giảm bớt áp lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quê hương và địa phương nơi mình cùng gia đình đang sinh sống.

Chị Lý Thị Hạnh, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Trước tình hình dịch bệnh như bây giờ, ý thức phải đưa lên số một. Một cái Tết ở xa quê nhưng giữ an toàn cho cộng đồng để có những cái Tết sau đầm ấm và tuyệt vời hơn rất nhiều”.

Tết nguyên đán là dịp lễ quan trọng hướng về nguồn cội, hướng về đoàn viên. Đối với những người lao động nhập cư, Tết Nguyên đán càng khiến họ khao khát được sum họp với gia đình. Vì vậy, tháng chạp luôn có những cuộc dịch chuyển rầm rộ nhất trong năm.

Nếu như những người ở nước ngoài đang gặp khó khăn để thực hiện ước mơ về quê ăn Tết, thì năm nay những người đang làm việc ở trong nước việc về quê đón Tết cũng không dễ dàng gì.

Chị Hạnh chia sẻ, có thể không về quê ăn Tết, nhưng hãy giữ sức khỏe, hẹn ngày đoàn viên. Dù có thể xuân này con không về, dù có thể Tết này không đoàn viên với người thân ở quê, nhưng Tết vui hay buồn là do lòng người cảm nhận.

“Xa quê hương những ngày này thật sự là rất buồn, nhưng mọi người hãy tạm thời quên Tết đi. Chỉ khi nào đó mọi thứ thật bình ổn, dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó mới là Tết thật sự”, chị Hạnh nói.

Mỗi người dân trong thời điểm Tết đến xuân về, ai cũng mong mỏi được đoàn tụ với gia đình, họ hàng. Chọn ở lại chắc chắn là điều ít ai mong muốn, nhưng trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp, những người chọn ở lại hy sinh một chút để giúp công tác phòng chống dịch bớt căng thẳng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tình làng, nghĩa xóm trong tâm dịch Chí Linh
Tình làng, nghĩa xóm trong tâm dịch Chí Linh

VOV.VN - Nhiều hộ gia đình phải đi cách ly cả nhà nhưng họ luôn ấm lòng vì luôn có những người hàng xóm tận tâm giúp đỡ từ việc đồng áng tới chăm sóc nhà cửa.

Tình làng, nghĩa xóm trong tâm dịch Chí Linh

Tình làng, nghĩa xóm trong tâm dịch Chí Linh

VOV.VN - Nhiều hộ gia đình phải đi cách ly cả nhà nhưng họ luôn ấm lòng vì luôn có những người hàng xóm tận tâm giúp đỡ từ việc đồng áng tới chăm sóc nhà cửa.

Bộ đội Biên phòng quyết tâm giữ bình yên nơi biên giới trong dịp Tết
Bộ đội Biên phòng quyết tâm giữ bình yên nơi biên giới trong dịp Tết

VOV.VN - Càng những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, số người nhập cảnh qua các tuyến biên giới tăng mạnh. Tuy nhiên, số lượng người nhập cảnh trái phép ngày càng tăng do nhiều lao động làm việc ở nước ngoài muốn về quê dịp Tết, lễ hội.

Bộ đội Biên phòng quyết tâm giữ bình yên nơi biên giới trong dịp Tết

Bộ đội Biên phòng quyết tâm giữ bình yên nơi biên giới trong dịp Tết

VOV.VN - Càng những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, số người nhập cảnh qua các tuyến biên giới tăng mạnh. Tuy nhiên, số lượng người nhập cảnh trái phép ngày càng tăng do nhiều lao động làm việc ở nước ngoài muốn về quê dịp Tết, lễ hội.

Tết của những gánh hàng rong ở TPHCM
Tết của những gánh hàng rong ở TPHCM

VOV.VN - Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, trong khi nhiều người chuẩn bị kế hoạch để về quê đón Tết thì vẫn còn có những người lao động nghèo đang vất vả mưu sinh để lo cho gia đình.

Tết của những gánh hàng rong ở TPHCM

Tết của những gánh hàng rong ở TPHCM

VOV.VN - Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, trong khi nhiều người chuẩn bị kế hoạch để về quê đón Tết thì vẫn còn có những người lao động nghèo đang vất vả mưu sinh để lo cho gia đình.