Chương trình GDPT mới: Học sinh tiến bộ, ưu tiên tuyển thêm giáo viên

VOV.VN - Nhiều giáo viên cho biết, thời gian đầu áp dụng chương trình GDPT mới với học sinh lớp 1, cả cô và trò đều khó khăn, vất vả, thế nhưng khi đã quen với cách học mới, học sinh học đọc viết nhanh hơn, chủ động và mạnh dạn hơn.

Khác với những tiết học thông thường trước đây, từ khi áp dụng chương trình GDPT mới, 100% các bài giảng của các giáo viên trường Tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) đều được giảng qua máy chiếu, có đầy đủ hình ảnh, âm thanh sống động.

Với bài học dạy trẻ về cách giữ vệ sinh trường lớp, không chỉ giảng “chay” cho học sinh biết không được hái hoa vườn trường, vứt rác bừa bãi, thay vào đó, cô giáo trình chiếu những hình ảnh cụ thể về những hành vi vi phạm nội quy trường lớp trên màn hình, yêu cầu học sinh tìm ra đâu là những hành động sai và chỉ ra vì sao.

Tiết học sôi nổi, hàng chục cánh tay giơ lên, trong mỗi bức ảnh, mỗi học sinh lại tìm ra những ý khác nhau, nhưng điểm chung là các em đều hào hứng và nắm được nội dung bài giảng rất nhanh.

Còn tại trường Tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ), giáo viên lại cho các em lên đóng kịch. Không học thuộc lòng, không cố ghi nhớ, nhưng hầu hết học sinh trong lớp khi được kiểm tra lại đều nhớ được nội dung câu chuyện và lời thoại. 

Cô Đinh Thị Hồng Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, trường Tiểu học Cự Đồng cho biết, học sinh rất hào hứng với những phương pháp học trong chương trình mới. Không chỉ đọc trong SGK, các em được xem trực tiếp các hình ảnh minh họa, các video, với môn kể chuyện, học sinh được đọc, được nghe, được xem và được nhập vai, nên các em nhớ nhanh và thuộc nhanh hơn.

Đặc biệt, với những tiết hoạt động trải nghiệm, các em được làm nhiều hơn, hứng thú hơn trong quá trình học.

“Khi có chương trình mới và hoạt động trải nghiệm, trong tiết sinh hoạt lớp, các nội dung được thay đổi rất nhiều, giáo viên hướng dẫn các em hoạt động theo từng chủ đề như cách vệ sinh thân thể, sử dụng đồ dùng học tập... Trước đây tiết sinh hoạt lớp chỉ đơn thuần là sinh hoạt và múa hát, nhưng nay đã đa dạng hơn các hoạt động, các em được vừa vui chơi, vừa học. Cũng bởi vậy mà sự chủ động và tự tin của học sinh được tăng lên rất nhiều”, cô Loan cho biết.

Học sinh khá kèm học sinh đuối

Cô Bùi Thị Phương Anh, Giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Cự Đồng cho hay, khi thực hiện chương trình GDPT mới, các lớp đều phân loại học sinh theo từng nhóm với năng lực tiếp thu bài khác nhau để giáo viên có sự hỗ trợ các em kịp thời. Không chỉ có vậy, chính những học sinh học tốt hơn cũng được sắp xếp để hướng dẫn các bạn học kém hơn để cùng tiến bộ. 

Kết thúc kỳ 1, đến nay, học sinh của cô Phương Anh đã đọc trơn được rất nhiều bài. Nếu như cùng thời điểm này, ở chương trình cũ, học sinh mới chỉ đọc được 3-4 câu ngắn, thì hiện tại, học sinh đã đọc được cả bài đọc dài trong SGK.

Lớp do cô Bùi Phương Anh chủ nhiệm có 31 học sinh, thì hiện chỉ còn 4 học sinh phải vừa đọc vừa đánh vần, số còn lại đã đọc thông viết thạo toàn bài.

Lý giải về những thay đổi này, cô Phương Anh cho biết, trong chương trình mới, thời lượng các tiết tập đọc được tăng lên, học sinh có nhiều thời gian luyện đọc trên lớp hơn, do đó, khả năng đọc được cải thiện.

“Trong chương trình cũ, thời lượng các tiết tập viết quá nhiều, nhưng chương trình mới lại thay đổi để số tiết tập đọc nhiều hơn. Đến nay, 1 phút các em đã đọc được khoảng 40 từ, còn chương trình cũ chỉ được được khoảng 30 từ, khả năng viết cũng nhanh hơn. Ngoài ra, SGK Toán trước đây chủ yếu là các bảng cộng trừ, con số, thì nay được thiết kế nhiều hình ảnh sinh động hơn, học sinh cũng hào hứng hơn khi học Toán”, cô Phương Anh cho biết.

Cô Bùi Phương Anh cũng thừa nhận, những tháng đầu khi áp dụng chương trình mới, học sinh rất bỡ ngỡ, giáo viên cũng gặp những khó khăn trong quá trình giảng dạy. Việc soạn bài theo giáo án điện tử cũng yêu cầu giáo viên có nhiều kỹ năng hơn, đặc biệt khó khăn hơn với những giáo viên lớp tuổi. Nhưng sau một thời gian tìm tòi, đổi mới, thấy được những tiến bộ của học sinh, giáo viên cũng thấy vơi bớt những áp lực.

Cô Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thọ Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh đã đọc, viết tốt. Đặc biệt, kỹ năng đọc của các em tốt hơn nhiều so với khi học chương trình cũ. Học sinh viết được chữ cỡ nhỏ - yêu cầu khó hơn nhiều so với viết chữ cỡ lớn thông thường, đồng thời tự viết được họ tên vào bài kiểm tra cuối kỳ.

“Thông qua học tập và các hoạt động giáo dục giúp các em tự tin hơn, biết tự phục vụ cá nhân và giao tiếp tốt hơn. Việc được tiếp cận với những phương tiện dạy học hiện đại, các học liệu điện tử, năng lực tin học của các em cũng thành thạo hơn và tiếp cận nhanh hơn trên các môi trường mạng”, cô Nguyệt cho biết.
Cô Trần Thị Ánh Nguyệt chia sẻ, khi mới áp dụng chương trình mới, giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ, khối lượng công việc nhiều. Bên cạnh việc dạy theo chương trình, giáo viên phải nghiên cứu bài giảng, xây dựng kế hoạch dạy học, tham gia các hội thảo chuyên đề, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn. Mọi thứ đều mới nên bản thân mỗi giáo viên phải vừa làm, vừa tự tích lũy, học tập, nghiên cứu.

“Sự kỳ vọng rất lớn của cha mẹ học sinh đối với con cái phải học thật giỏi, không phải chỉ giỏi 1 môn mà phải giỏi các môn và các kỹ năng, rồi tư tưởng chọn thầy, cô ở một số cha mẹ cũng khiến giáo viên rất áp lực. Nhưng chúng tôi cũng từ bước thực hiện theo phương châm làm đến đâu chắc đến đó, khi có vấn đề băn khoăn, chúng tôi tổ chức hội ý, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn. Đến nay, khi đã quen, có thể thấy giáo viên được linh hoạt, chủ động hơn trong khai thác nội dung. Giáo viên cũng có thể kế thừa các nội dung và phương pháp  dạy học tích cực để áp dụng vào thực tiễn cho hiệu quả”, cô Nguyệt cho hay.

Sẽ ưu tiên tuyển thêm giáo viên đáp ứng chương trình mới

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho biết, để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, trước đó, tỉnh đã rà soát các cơ sở vật chất phòng học phục vụ dạy học, về thiết bị dạy học, đến thời điểm này, cơ bản đảm bảo các thiết bị dạy học, giúp giáo viên đổi mới sáng tạo trong dạy học. Về đội ngũ, Phú Thọ cũng ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tiểu học, đảm bảo mức 1,5 giáo viên Tiểu học biên chế trên mỗi lớp. Sau 1 kỳ học, thực hiện chương trình GDPT mới, qua đánh giá, giáo viên tiểu học đã chủ động trong thực hiện chương trình, học sinh đáp ứng được mục tiêu chương trình.

Để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới với lớp 2 và lớp 6 sẽ áp dụng trong năm học tới đây, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho biết, ngành đang tiếp tục rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt, trong thời gian tới sẽ ưu tiên tuyển dụng biên chế giáo viên bậc Tiểu học.

“Thời gian tới, khi đưa môn Ngoại ngữ và Tin học vào cấp 1, nhu cầu giáo viên sẽ rất lớn. Ước tính toàn tỉnh hiện còn thiếu khoảng 500 giáo viên Tin học, Ngoại ngữ bậc Tiểu học. Nguồn để tuyển biên chế có, nhưng nguồn tuyển giáo viên hợp đồng các môn này lại đang rất khó khăn. Năm 2020, Phú Thọ không giảm biên chế giáo viên mà giữ nguyên và thời gian tới sẽ ưu tiên tuyển dụng cho bậc tiểu học để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục”, bà Huyền cho hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần Thơ “vượt khó” triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới
Cần Thơ “vượt khó” triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới

VOV.VN - Bên cạnh những khó khăn, các trường vẫn đang tích cực có giải pháp để hoàn thành “Chương trình Giáo dục phổ thông mới” đúng tiến độ, hiệu quả.

Cần Thơ “vượt khó” triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới

Cần Thơ “vượt khó” triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới

VOV.VN - Bên cạnh những khó khăn, các trường vẫn đang tích cực có giải pháp để hoàn thành “Chương trình Giáo dục phổ thông mới” đúng tiến độ, hiệu quả.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vẫn lo chất lượng giáo viên
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vẫn lo chất lượng giáo viên

VOV.VN - Nhiều địa phương vẫn còn lo ngại chất lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của Chương trình, giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vẫn lo chất lượng giáo viên

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vẫn lo chất lượng giáo viên

VOV.VN - Nhiều địa phương vẫn còn lo ngại chất lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của Chương trình, giáo dục phổ thông mới.