Chương trình phát thanh đặc biệt 40 năm Hiệp định Paris
(VOV) -Chương trình được thực hiện từ 7h– 13h ngày 27/1 trên trên Hệ VOV1 và phát trực tuyến trên VOV.VN.
Nội dung xuyên suốt chương trình sẽ cung cấp cho khán thính giả hiểu rõ về ý nghĩa của sự kiện 40 năm ký kết Hiệp định Paris, mốc son trong hoạt động ngoại giao, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của dân tộc ta; bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đấu tranh ngoại giao của dân tộc Việt nam.
Ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger tại Hội nghị Paris.Ảnh tư liệu |
Phần I của chương trình sẽ cung cấp tới khán thính giải nguyên nhân dẫn tới cuộc đàm phán hóa bình Paris; Nghệ thuật “Đánh và đàm”, và sự kết hợp giữa các mặt trận Quân sự, chính trị, ngoại giao.
Trong phần I, các khách mời là GS, NGND Vũ Dương Ninh, nguyên Trưởng khoa Quốc tế học, Đại học KHXH&NV, nhà nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt nam sẽ phân tích, nêu rõ ý nghĩa , hoàn cảnh lịch sử của Hiệp định Paris, tác động của Hiệp định Paris với đại thắng mùa xuân năm 1975, sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt nam.
Trong phần này, khán thính giả cũng sẽ được nghe những bài viết về những bài học đánh giặc ngoại xâm từ thời Vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi; nghệ thuật binh vận, bước nối dài từ Hội nghị Fontainebleau; hội nghị Đà Lạt…cho tới Hiệp định Geneve, và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh… để khẳng định: dân tộc ta biết cách tìm lối ra hòa bình cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.
Khán thính giả cũng có thể đặt câu hỏi cho khách mời đồng hành cùng chương trình. Cùng với đó là Ký sự truyền thanh: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trên toàn miền Nam; Phóng sự Hình thành Mặt trận quốc tế ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt nam.
Trong phần này, cầu phát thanh trực tiếp cũng được nối với Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Washington (Mỹ) sẽ cung cấp thêm thông tin về sự sửng sốt, hoang mang của dư luận Mỹ đối với sự kiện Tết Mậu Thân 1968.
Trong phần II của chương trình, nhà ngoại giao Phan Doãn Nam, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên chuyên viên vụ I, Chuyên viên Đoàn; Nhà ngoại giao Phạm Ngạc, nguyên Đại sứ, nguyên chuyên viên đoàn đàm phán cũng sẽ kể những câu chuyện trong thời gian diễn ra cuộc đấu trí trên bàn đàm phán; bối cảnh trước cuộc đàm phán lịch sử tại Paris.
Trong phần này, sự kiện Mỹ lật lọng tiến hành đánh bom rải thảm B52 tháng 12/1972 cũng sẽ được phản ánh đậm nét trong Ký sự Chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm đánh thắng B52.
Ngoài ra, các khách mời cũng sẽ phân tích về tác động của sự kiện lịch sử ký Hiệp định Paris với việc buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại thủ đô Paris (Pháp), nhằm rút lui trong danh dự; Thế của ta khi bước vào đàm phán thực chất; Sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của dư luận quốc tế đối với ta; Bối cảnh chính trị Mỹ khiến Tổng thống Nixon phải xuống thang.
Trong phần này, Cầu phát thanh trực tiếp với Cơ quan thường trú ĐTNVN tại Paris (Pháp) sẽ phản ánh đậm nét về giai đoạn đầu đàm phán, không khí của dư luận Pháp, dư luận quốc tế trước hội nghị Paris; những câu chuyện của các nhân chứng kiều bào kể lại về sự kiện lịch sử này.
Ngoài ra, cuộc phỏng vấn học giả Pháp về cuộc đấu trí trên bàn đàm phán cũng sẽ được cung cấp tới độc giả. Cùng với đó là phóng sự Kỷ niệm trên bàn đàm phán
Trong phần III “Bài học đối thoại“, các khách mời đồng hành cùng chương trình sẽ là ông Lưu Văn Lợi- nhà ngoại giao, nhân chứng lịch sử, cố vấn của ông Lê Đức Thọ tham gia đàm phán Hiệp định Paris; ông Vũ Dương Huân, nhà ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao. Các khách mời sẽ chia sẻ về ý nghĩa lịch sử Hiệp định Paris; Khán thính giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp đối với các vị khách mời.
Cũng trong phần này, những bài bình luận, cuộc phỏng vấn học giả Nga về hiệp định Paris, cầu phát thanh trực tiếp với cơ quan thường trú Đài TNVN tại Mỹ về bác bỏ cái nhìn của phía Mỹ về kết quả Hiệp định Paris cũng sẽ góp phần làm rõ thêm nhiều góc độ xung quanh Hiệp định Paris.
Những khách mời cũng sẽ phân tích thất bại của Mỹ trong đàm phán Hiệp định Paris 1973. Chương trình đặc biệt cũng sẽ giới thiệu phóng sự Hồi ký Lê Đức Thọ-Kissinger về Hiệp định Paris, cuộc đàm phán 4 năm 9 tháng vượt qua không gian và thời gian.
Ngoài ra, học giả quốc tế cũng sẽ phân tích làm rõ tại sao Hiệp định Paris tạo tiền đề cho Đại thắng Mùa Xuân 1975.
Kết thúc chương trình là những bài viết về tư tưởng ngoại giao hòa bình Hồ Chí Minh, khẳng định: Một khi “Thế đặng chẳng đừng“, phải bước vào cuộc chiến tranh chống xâm lược, thì sẵn sàng chủ động đấu tranh ngoại giao... để hỗ trợ đấu tranh nỗ lực.
Mời quý khán thính giả đón nghe./.