Chuyển đổi số phát thanh: Ngoài kỹ thuật, cần đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực
VOV.VN - Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, thì yếu tố con người có vai trò vô cùng quan trọng. Khi chuyển sang làm báo đa phương tiện, một người làm báo sẽ phải làm được tất cả các loại hình từ báo in, báo điện tử, phát thanh – truyền hình.
>>Các tác phẩm đoạt giải tại LHPT toàn quốc lần thứ XVI
Kỷ nguyên số mở ra những cơ hội lớn cho báo chí truyền thông nói chung và phát thanh nói riêng. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng là cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, các đài phát thanh cũng đã và đang phải đang đương đầu với các thách thức đến từ sự phát triển chóng mặt của các nền tảng số hiện đại, sự kỳ vọng từ khán thính giả, sự thay đổi hành vi người dùng, điều đó bắt buộc phải thay đổi cho hợp xu thế, ngoài phát thanh truyền thống phải có cả truyền thông trên các nền tảng số để đáp ứng khả năng tiếp nhận thông tin rộng rãi theo phương thức mới của công chúng số.
Ngày nay phát thanh hiện nay không chỉ là nghe qua các thiết bị thu radio, mà còn có thể nghe trên các thiết bị di dộng, các thiết bị thông minh,… Thính giả còn có thể tương tác hai chiều, hành vi người dùng có thể được ghi nhận để gợi ý các nội dung phù hợp, hay có các chức năng tìm kiếm thông minh để người dùng có thể nghe lại các chương trình yêu thích. Phát thanh truyền thống đang chuyển sang mô hình “Phát thanh số, phát thanh đa phương tiện, phát thanh đa nền tảng”.
Trao đổi bên lề Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình-Báo Bình Phước cho biết, tại Bình Phước, phát thanh được đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Bằng cách tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, mỗi tác phẩm đều được “ủng hộ” lẫn nhau khi đăng tải trên tất cả các nền tảng, đặc biệt là nền tảng số. Khi đó, độc giả truy cập vào báo điện tử hay mạng xã hội cũng có thể xem truyền hình, nghe phát thanh và đọc cả báo giấy, bên cạnh những tin, bài của báo điện tử. Khi đăng tải các chương trình, tác phẩm lên môi trường số, khán thính giả có thể bình luận trực tiếp, giúp đội ngũ làm chương trình có hiểu hơn nhu cầu của khán thính giả.
“Với phát thanh truyền thống trước đây, chúng tôi phải tiếp nhận thông tin khán thính giả qua điện thoại hay qua thư, rồi tổng hợp để trả lời, việc tương tác trực tiếp chỉ giới hạn ở một số ít thính giả. Nhưng khi chuyển sang phát thanh đa phương tiện trên đa nền tảng như hiện nay, khi có bất cứ bình luận nào, chúng tôi có thể trao đổi, trả lời trực tiếp ngay. Câu trả lời đó không chỉ đến được với một hoặc một vài người thắc mắc mà tất cả mọi người đều có thể xem, tiếp cận thông tin. Điều này cũng khiến những người làm nghề càng thêm ý thức, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, trước đây, thính giả chỉ có thể nghe chương trình khi đang phát sóng, thì trong thời đại số có thể nghe đi nghe lại, các thông tin được lan tỏa rất sâu rộng”, bà Nhâm cho biết.
Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh- Truyền hình – Báo Bình Phước cũng cho rằng, với phát thanh đa phương tiện trên nền tảng số, còn có thể tiếp cận những tệp khán thính giả ở nước ngoài thông qua mạng xã hội và website. Điều này giúp Bình Phước quảng bá tốt hơn thương hiệu, thông tin mà địa phương muốn lan tỏa.
Nói về sự đầu tư cho chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Minh Nhâm cho biết, ngay khi Bình Phước hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Phước, đã xây dựng Đề án Phát triển Báo và Đài Bình Phước định hướng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để đầu tư về mặt hạ tầng rất lớn cho cả 4 loại hình báo chí.
“Chúng tôi xác định cần chú trọng báo nói, đổi mới báo hình, cải tiến báo in, bứt phá báo điện tử. Với việc chú trọng báo nói, các studio của báo nói được đầu tư các trang thiết bị về mặt kỹ thuật của phát thanh rất tốt. Mỗi khách mời khi đến với phòng thu đều ấn tượng khi âm thanh hay, hình ảnh đẹp, đây cũng là cách phát thanh Bình Phước đến gần hơn với công chúng”, bà Nhâm nói thêm.
Giám đốc – Tổng Biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình – Báo Bình Phước cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, thì yếu tố con người có vai trò vô cùng quan trọng. Khi chuyển sang làm báo đa phương tiện, một người làm báo sẽ phải làm được tất cả các loại hình từ báo in, báo điện tử, phát thanh – truyền hình. Do đó, Đài – Báo Bình Phước luôn xác định cần tập trung vào chuyển đổi số về mặt con người, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ người làm báo. Sự chuyển đổi này không chỉ diễn ra ở đội ngũ làm kỹ thuật, mà trước hết những người làm nội dung cũng cần thay đổi cách làm, cách tư duy khi làm báo.
Ông Trần Văn Hiền, Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, phát thanh đa phương tiện trên đa nền tảng cũng như việc chuyển đổi số cả phát thanh và truyền hình là xu thế tất yếu. Hiện nay, Đắk Lắk đang hoàn thiện đề án chuyển đổi số nền tảng phát thanh – truyền hình.
“Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước mới ở giai đoạn sơ khai, bởi chuyển đổi số không chỉ là đưa chương trình phát thanh truyền thống lên môi trường số.
Chúng tôi xác định việc chuyển đổi số của mình là bao gồm của sự chuyển đổi số trong con người, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị và nội dung. Việc lựa chọn nội dung lên môi trường số cũng khác với môi trường phát thanh truyền thống. Kỹ thuật, hạ tầng công nghệ là một mặt, nhưng quan trọng hơn là con người làm chủ hạ tầng và có thể vận hành được công nghệ đó”, ông Hiền nói.
Ông Trần Văn Hiền cũng cho rằng, giống như một số địa phương khác, trong chuyển đổi số phát thanh, Đắk Lắk đang gặp khó khăn trong nguồn lực đầu tư. Với các điều kiện thực tại của địa phương, phát triển kinh tế, ngân sách địa phương, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh từng bước thực hiện đầu tư phù hợp với tình hình của địa phương và Đài Phát thanh-Truyền hình Đắk Lắk.
“Dù lãnh đạo địa phương rất quan tâm, song việc chia sẻ nguồn lực cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác là không thể tránh khỏi. Vì thế, không có cách nào khác là làm từng bước và cố gắng khai thác tối đa những nguồn lực đã có.
Trước mắt, chúng tôi cũng tận dụng tối đa nguồn lực con người sẵn có và có đào tạo bổ sung. Tiếp đó là tuyển thêm những bạn trẻ mới ra trường, đây là nhóm phóng viên có thể nhanh chóng nắm bắt và vận hành các công nghệ mới. Tất cả đều phải làm từng bước chắc chắn, tránh việc đầu tư ồ ạt, phát triển theo phong trào làm lãng phí nguồn lực và không dễ duy trì, vận hành tốt phát triển trên môi trường số”, ông Hiền nói.
Chuyển đổi số, phóng viên cần thay đổi phương thức tác nghiệp
Nói về việc thay đổi phương thức tác nghiệp khi chuyển đổi số, BTV Hà Diễm, Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) cho biết, khi chuyển đổi số, phóng viên luôn cố gắng tác nghiệp bằng nhiều phương thức, thay vì những cách truyền thống như trước đây. Những câu chuyện được phỏng vấn qua các ứng dụng trực tuyến như zoom, messenger… Khi chuyển đổi số phát thanh, các chương trình không chỉ được phát trên radio, mà còn phát sóng các chương trình đa phương tiện trên đa nền tảng từ livestream, video trên website của Đài. Ngoài ra, việc chuyển đổi số phát thanh còn thể hiện khá rõ qua tác nghiệp hiện trường khi có thể kết nối nhiều đầu cầu khác nhau thông qua các thiết bị cơ động cầm tay như điện thoại thông minh…
Theo BTV Hà Diễm, việc chuyển đổi số hệ thống phát thanh được thực hiện nhiều, phát triển mạnh mẽ nhất từ kỳ dịch Covid-19, khi điều kiện tác nghiệp khó khăn, hạn chế tiếp xúc, buộc phóng viên cần thay đổi cách tác nghiệp truyền thống, đổi sang kết nối bằng các nền tảng số, ứng dụng…
Là phóng viên trẻ, không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, song theo BTV Hà Diễm khi chuyển đổi số, các chương trình phát thanh được phát trực tiếp trên mạng xã hội cũng tiền ẩn không ít rủi ro, yêu cầu những người làm chương trình phải trang bị những kỹ năng mới. Theo đó, khó khăn thứ nhất đến từ việc kiểm soát các bình luận của khán thính giả, người xem khi phát trực tiếp trên mạng. Khi làm các chương trình trực tiếp, đội ngũ BTV sẽ phải làm sao kiểm soát được những thông tin bình luận trong chương trình nhưng vẫn cần đảm bảo tương tác với khán thính giả, kéo công chúng ở lại chương trình nhiều hơn.
“Đặc biệt đối với các chương trình phát thanh trực tiếp, phóng viên, biên tập viên và phát thanh viên cần có kỹ năng, sự năng động, hiện đại để có thể thích ứng, kiểm soát tốt được chương trình. Đồng thời chúng tôi luôn ý thức làm sao để có và giữ được một tệp khán giả trung thành. Muốn vậy, chúng tôi luôn đổi mới nội dung phù hợp với tính thời điểm, chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là đối với các chương trình trực tiếp.
Bên cạnh đó, với VOH – đặc thù là phát thanh, trước đây thính giả chỉ nghe tiếng, không thấy hình. Nhưng từ khi ứng dụng chuyển đổi số, BTV cũng có những cách thức chuẩn bị để vừa đáp ứng được yêu cầu về giọng nói nhưng cũng thu hút được về hình ảnh khi lên sóng”, BTV Hà Diễm cho biết.
Còn theo BTV Diệu Hiền, Đài Phát thanh – Truyền hình – Báo Bình Phước, khi các chương trình phát thanh đều được đưa lên các nền tảng hạ tầng số, một chương trình phóng sự hay không thể chỉ sử dụng âm thanh như trước đây, mà còn cần có thêm hình ảnh sống động, bên cạnh đó cũng cần có sự tương tác trực tiếp với khán thính giả trên mạng xã hội.
Khi thay đổi cách làm phát thanh trên nền tảng số, một phát thanh viên của Đài Phát thanh – Truyền hình – Báo Bình Phước không chỉ tập trung thể hiện các tác phẩm, chương trình trên sóng phát thanh mà có thể tự mình sản xuất được các chương trình, phóng sự riêng lẻ, bổ sung thêm nhiều kỹ năng, kiến thức thông qua các lớp học để trở thành một biên tập viên độc lập. Hay các phóng viên, BTV đều có khả năng làm việc trên nền tảng số, không chỉ là âm thanh, mà còn chụp ảnh, quay dựng video.
BTV Diệu Hiền cho rằng, quá trình chuyển đổi số đặt ra cho mỗi người làm báo yêu cầu thay đổi, làm mới chính mình và không ngừng học hỏi và cũng đem lại nhiều kỹ năng mới, giúp mỗi phóng viên, BTV trở nên năng động hơn.