Chuyển đổi số trong y tế và mục tiêu mỗi người dân có một bác sĩ

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, ứng dụng CNTT và thực hiện thành công đề án khám chữa bệnh từ xa có thể giúp đạt được mục tiêu mỗi người dân có một bác sĩ, cũng như người dân có thể lựa chọn bác sĩ, cơ sở y tế theo nhu cầu.

Ngày 30/12, phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế Quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước, ngành y tế đã chú trọng ứng dụng CNTT và rất nhiều việc ngành theo đuổi đã có kết quả rõ hơn. Tuy nhiên, muốn tận dụng lợi thế của cuộc các mạng công nghệ 4.0, ngành Y tế phải quyết tâm hơn nữa, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đồng thời cần nhận thức CNTT là công cụ hữu hiệu, không thể thiếu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh.

Theo Phó Thủ tướng, ứng dụng CNTT và thực hiện thành công đề án khám chữa bệnh từ xa có thể giúp đạt được mục tiêu mỗi người dân có một bác sĩ, cũng như người dân có thể lựa chọn bác sĩ, cơ sở y tế, thời gian khám chữa bệnh... theo nhu cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số trong y tế là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phục vụ cho chính nhu cầu thiết thực nhất của người dân, nhưng một mục tiêu cụ thể rất quan trọng, thiết thực của chuyển đổi số trong y tế chính là để phục vụ cho việc quản lý, quản trị.

"Mơ ước từ rất lâu của người dân Việt Nam là muốn mình được quản lý sức khoẻ, hay nói cách khác là lúc nào cũng có bác sĩ riêng. Qua việc mỗi người dân được lập hồ sơ sức khoẻ, được quản lý tốt hồ sơ đó thì coi như mỗi người dân sẽ được cả hệ thống y tế theo dõi quản lý. Đó là một mục tiêu, mơ ước nhưng không hề viển vông, duy ý chí mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, từ 1/7/2021 tới đây, khi tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khoẻ cá nhân, thì mỗi một người dân coi như có bác sĩ, được cả hệ thống y tế theo dõi.

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm qua dù phải chống dịch COVID-19 nhưng ngành Y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. "Chuyển đổi số không xa vời", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định ngành Y tế không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới mục tiêu chính quan trọng nhất phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn. 

Dẫn chứng từ hoạt động của ngành, trong lĩnh vực hành chính, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế hiện hoàn toàn điều hành bằng điện tử, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số.

Bộ cũng đang đưa vào vận hành ứng dụng theo dõi tiến độ, chất lượng xử lý văn bản, các điểm khúc mắc trong xử lý văn bản, từ đó đánh giá chất lượng hoàn thành công việc của các đơn vị thuộc Bộ. Đây sẽ là động lực để các đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Về lĩnh vực công khai y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay tháng 11 vừa qua Bộ lần đầu tiên khai trương cổng công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ ngành y tế cung ứng cho người dân. Bước đầu công khai giá trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu của tất cả các đơn vị, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế để giúp người dân biết dịch vụ mình hưởng và giá phải trả ở các dịch vụ tự nguyện.

Sắp tới, Bộ sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, giá thực phẩm chức năng, giúp người dân dễ dàng tra được giá thuốc, so sánh giá bán tại các cửa hàng trong khu vực để có lựa chọn phù hợp nhất...

Gấp rút xây dựng nền y tế thông minh, không giấy tờ

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, trong công tác phòng chống COVID-19 vừa qua, công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19... Đến nay, Việt Nam là một trong những nước chống dịch COVID-19 thành công nhất với chi phí mô hình tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.

Trong năm 2020, ngành y tế đã đưa vào hoạt động hệ thống khám chữa bệnh từ xa, đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này vượt trên 1.500 cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới.

"Có những cơ sở y tế chưa từng mổ sọ não, muốn mổ phải di chuyển bệnh nhân 6 tiếng lên bệnh viện Trung ương nhưng như vậy bệnh nhân sẽ tử vong. Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ tuyến trung ương hướng dẫn từ xa cho tuyến dưới, bệnh nhân được mổ ngay tại tuyến dưới, sau 2 tuần rất khoẻ mạnh" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

GS Long cũng nêu rõ, thời gian tới kết nối khám chữa bệnh từ xa đến toàn bộ cơ sở y tế trên cả nước kể cả y tế tư nhân, đây là một trong những yêu cầu Bộ Y tế đặt ra với các cơ sở y tế để tạo nên sự đồng đều và công bằng giữa các vùng miền. Trong mục tiêu chuyển đổi số y tế đến năm 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa. 

Với hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, từ tháng 7/2021, trên tất cả các cơ sở y tế toàn quốc, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bỏ hoàn toàn giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế. Đây là yêu cầu cao nhưng sẽ thực hiện được. Bộ Y tế đang gấp rút, tích cực xây dựng nền y tế thông minh, từ đó, mong muốn đẩy nhanh bệnh viện không giấy, bệnh án điện tử ngoại trú.

Ngoài đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, điều trị không dùng giấy, thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Y tế đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong chẩn đoán, điều trị COVID-19, sử dụng robot trong phẫu thuật, tới đây (3/2021), Bộ Y tế cũng sẽ ứng dụng AI trong quản lý, cấp phép dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển đổi số y tế, người dân có thể tự chẩn đoán bệnh của mình
Chuyển đổi số y tế, người dân có thể tự chẩn đoán bệnh của mình

VOV.VN - Theo Bộ Y tế, khi thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình.

Chuyển đổi số y tế, người dân có thể tự chẩn đoán bệnh của mình

Chuyển đổi số y tế, người dân có thể tự chẩn đoán bệnh của mình

VOV.VN - Theo Bộ Y tế, khi thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình.

Covid-19 tạo "bước nhảy" dài cho chuyển đổi số trong y tế
Covid-19 tạo "bước nhảy" dài cho chuyển đổi số trong y tế

VOV.VN - Thế giới đánh giá Việt Nam là một quốc gia an toàn, làm tốt y tế cộng đồng trong phòng ngừa và điều trị dịch Covid-19 cả ở ba giai đoạn trước, trong và sau dịch bệnh.

Covid-19 tạo "bước nhảy" dài cho chuyển đổi số trong y tế

Covid-19 tạo "bước nhảy" dài cho chuyển đổi số trong y tế

VOV.VN - Thế giới đánh giá Việt Nam là một quốc gia an toàn, làm tốt y tế cộng đồng trong phòng ngừa và điều trị dịch Covid-19 cả ở ba giai đoạn trước, trong và sau dịch bệnh.

PTT Vũ Đức Đam: Không chuyển đổi số sẽ thua trong cạnh tranh quốc tế
PTT Vũ Đức Đam: Không chuyển đổi số sẽ thua trong cạnh tranh quốc tế

VOV.VN - Các chuyên gia công nghệ thông tin nhận định, dịch Covid-19 là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

PTT Vũ Đức Đam: Không chuyển đổi số sẽ thua trong cạnh tranh quốc tế

PTT Vũ Đức Đam: Không chuyển đổi số sẽ thua trong cạnh tranh quốc tế

VOV.VN - Các chuyên gia công nghệ thông tin nhận định, dịch Covid-19 là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.