Chuyên gia phản đối phương án xây tháp hải đăng trên sông Hàn
VOV.VN -Ngay sau khi hay tin Đà Nẵng sẽ xây tháp hải đăng trên sông Hàn, giới
kiến trúc sư, các chuyên gia đã không đồng tình với dự án này.
kiến trúc sư, các chuyên gia đã không đồng tình với dự án này.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có thông báo kết luận về phương án tổng thể mặt bằng và kiến trúc dự án Bến du thuyền và câu lạc bộ thể thao dưới nước của Công ty Cổ phần đầu tư DHC, trong đó đồng ý về mặt chủ trương xây dựng "Ngọn hải đăng" Marina có chiều cao bằng tòa nhà 25 tầng trên sông Hàn. Ngay sau khi các cơ quan truyền thông đại chúng đăng tải rộng rãi về dự án này, đã có nhiều kiến của các chuyên gia phản đối gay gắt.
Dự án Ngọn hải đăng Marina, do Công ty Cổ phần đầu tư DHC đầu tư, có chiều cao bằng tòa nhà 25 tầng kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng, cách bờ sông 30m phía bờ Đông sông Hàn, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Về phương án kiến trúc, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chọn phương án mô hình tháp kính dạng bông hoa nở, đáy tháp diện tích 400m2, ngọn tháp diện tích khoảng 700m2. Tuy nhiên, để xem xét toàn diện, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án này.
Ngay sau khi hay tin Đà Nẵng sẽ xây tháp hải đăng trên sông Hàn, giới kiến trúc sư, các chuyên gia đã không đồng tình với dự án này.
Theo Giáo sư-Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Công trình Ngọn hải đăng trên sông Hàn sẽ làm con sông này trở nên quá tải. Nó cũng là một dự án phản văn hóa. Nếu muốn xây dựng một biểu tượng cho Đà Nẵng thì tự thân sự phát triển mạnh mẽ của thành phố này đã là một biểu tượng rồi, không nhất thiết phải mượn tên của Marina Bay, một thương hiệu đã rất nổi tiếng của Singapore. Ông Hoàng Đạo Kính đã viết thư gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng để phản đối dự án này.
Ông Hoàng Đạo Kính nói: “Chủ định của UBND thành phố Đà Nẵng là xây dựng một ngọn hải đăng kiêm biểu tương của thành phố, là một sai lầm nghiêm trọng cần phải tránh. Thứ nhất là hải đăng thì không ai xây dựng trong lòng thành phố, phải xây dựng ven biển để chỉ đường cho tàu bè qua lại. Sau nữa, nếu là biểu tượng của thảnh phố thì tại sao vừa là hải đăng vừa là khách sạn. Còn nếu định xây dựng một biểu tượng nữa cho mình, thì là biểu tượng nhất quán và sự sắp đặt ấy phải đặt đúng chỗ”.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, thành phố Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng nên xây tháp hải đăng ở vị trí khác: “Chỗ người ta chọn để làm cái này thì phía sau nó không phải là những công trình kiến trúc xấu, không cần phải che. Mà đưa thêm vào đó thì làm mất những công trình đẹp phía sau, làm hư cái đã có. Bờ sông đó đã có công viên, đã là những công trình đẹp, bây giờ đưa vào tòa nhà 25 tầng. Tôi chưa hình dung công trình đó đẹp như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ là cái gai”.
Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng phân tích: Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai quá nhiều dự án bê tông hóa 2 bờ sông Hàn. Lấn sông tạo ra công viên đi bộ, xây nhà hàng cà phê nổi trên sông, hay khu đô thị Euro villa… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên, làm giảm đa dạng sinh học và thay đổi dòng chảy. Thêm vào đó, việc khai thác quỹ đất 2 bờ sông với nhiều dự án cầu đường bộ, nhà cao tầng, bảng quảng cáo… đang tạo sức ép lớn, có nguy cơ vượt “ngưỡng” môi trường sinh thái ven sông.
Dòng sông Hàn với khoảng không gian lòng sông và 2 bên bờ không rộng lại càng hẹp thêm, mất cân đối về mặt thị giác. Tất cả những yếu tố nhân tạo đã lấn át yếu tố tự nhiên. Như vậy, khó có thể xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường như mục tiêu đã đề ra.
Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng nhiều cây cầu với mục đích hướng thành phố ra biển. Do đó, theo ông Tô Văn Hùng, nhà đầu tư nên đưa dự án tháp hải đăng ra ven biển. Thành phố này rất cần những dự án lớn, tập trung ven biển: “Khi xây dựng những dự án tư nhân hóa trên đó thì vô hình chung nó chiếm mất không gian công cộng của người dân, vì đây là là tài sản chung. Sau này khi tổ chức vận hành dự án đó sẽ ảnh hưởng rất lớn vấn đề gây ô nhiễm, giao thông, không gian công cộng của người dân. Đặc biệt sẽ tạo nên một tiền lệ, nếu dự án này được thì dự án khác cũng được, sẽ phá nát đi cảnh quan của dòng sông Hàn, đó là điều chắc chắn”.
Ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, các lãnh đạo của thành phố đã nghỉ hưu đều không đồng tình với dự án này. Theo ông Huỳnh Năm, thực hiện dự án lấn chiếm dòng sông có thể làm xói mòn đất, hạn chế dòng chảy.
Ông Huỳnh Năm nói: “Tôi thấy không nên làm cái đó và không nên đặt ở đấy. Phải lưu ý chuyện là động cơ đặt ở đấy để làm gì. Cái đó phải nghiên cứu, nhưng nói chung lại là quan điểm của nhiều anh em thì hầu như là không anh nào đồng ý, không ai đồng ý hết. Tinh thần là đặt chỗ đấy không có lợi, nó lớn quá, cản dòng chảy, xói vào bờ. Về mặt cảnh quan tự nhiên, làm cái nhà giữa sông thì không ra cái gì”.
Ông Thái Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng đô thị thành phố Đà Nẵng cho biết: UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho đơn vị rà soát quy hoạch chung và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định về đầu tư xây dựng dự án trên sông.
Trả lời câu hỏi, dự án này có trong quy hoạch của thành phố Đà Nẵng hay chưa, ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng dè dặt cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ để tuần sau, ngày 14/1, họp thì có ý kiến chính thức. Tuần sau họp lấy ý kiến chuyên gia rồi báo cáo Ủy ban”.
Đã đến lúc thành phố Đà Nẵng cần ban hành Điều lệ quản lý Kiến trúc cảnh quan riêng cho khu vực sông Hàn, lúc đó mới tính đến việc nên khai thác như thế nào. Khi chưa có Điều lệ quản lý kiến trúc cảnh quan thì sông Hàn càng có nguy cơ quá tải./.